Phát triển du lịch nông thôn có một số ý nghĩa quan trọng sau đây:
Trước hết, đối với công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn: + Nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn được quản lý, khai thác một cách hợp lý;
+ Môi trường sinh thái cảnh quan được bảo vệ: Nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và giữ gìn hệ sinh thái được nâng cao, sự thay đổi về tài nguyên môi trường ở địa phương này làm cho cộng đồng địa phương khác nhận ra trách nhiệm của mình đối với nguồn tài nguyên môi trường và văn hoá địa phương nơi mình đang cư trú;
+ Môi trường văn hoá được bảo tồn: phát triển du lịch nông thôn chính là cách thức tốt nhất để vừa làm du lịch vừa giữ gìn bản sắc văn hoá, sử dụng dịch vụ tại chỗ, phát triển và tôn trọng văn hoá địa phương thông qua việc thúc đẩy nghề nghiệp truyền thống, bảo tồn các di sản văn hoá cộng đồng.
Thứ hai, đối với ngành du lịch:
+ Tạo ra sự đa dạng của sản phẩm, dịch vụ du lịch trong một vùng, một quốc gia hoặc một khu vực;
+ Góp phần tạo ra một môi trường thu hút, hấp dẫn khách du lịch; + Các loại hình du lịch nông thôn và nông nghiệp đã và đang được nhiều địa phương, nhiều quốc gia quan tâm phát triển như là một giải pháp hữu hiệu cho phát triển du lịch tại các khu vực nông thôn nhằm góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Đối với cộng đồng địa phương:
+ Mang lại lợi ích kinh tế cho các thành viên cộng đồng tham gia trực tiếp và gián tiếp cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch, đồng thời các thành viên khác cũng được hưởng lợi từ sự đóng góp của du lịch;
+ Du lịch nông thôn mang lại cơ hội cho các thành viên của cộng đồng trong việc bảo tồn nguồn tài nguyên, môi trường tự nhiên và văn hoá. Những thành viên trong cộng đồng có thể có cơ hội được học hỏi nâng cao trình độ tay nghề chuyên môn thông qua các chương trình đào tạo tập huấn, từ đó đóng góp lại cho sự phát triển cộng đồng. Cộng đồng địa phương sẽ phát triển ngành nghề, tạo ra công ăn việc làm và tăng thu nhập.
+ Phát triển du lịch nông thôn giúp cộng đồng địa phương được hưởng lợi từ phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo;
+ Sự tham gia tích cực của cộng đồng sẽ trở thành mô hình khích lệ các cộng đồng khác; tạo cơ hội cho các nhà quản lý xây dựng các kế hoạch và hành động cụ thể cho du lịch cộng đồng, đồng thời tạo cơ hội cho các tổ chức phát triển các chiến lược công tác với cộng đồng địa phương.
+ Giúp cộng đồng địa phương có cơ hội giao lưu văn hóa với các nền văn hóa khác.
Còn đối với du khách, họ sẽ có thêm sự lựa chọn về sản phẩm và dịch vụ du lịch.