Thực trạng chung về phát triển du lịch tại Mù Cang Chải và vùng phụ cận

Một phần của tài liệu Khai thác ruộng bậc thang khu vực Mù Cang Chải và vùng phục cận cho phát triển du lịch (Trang 78)

vùng phụ cận

2.2.1.1. Khả năng tiếp cận và cơ sở hạ tầng kỹ thuật * Khả năng tiếp cận và hệ thống giao thông

Mù Cang Chải là huyện nằm ở phía Tây của Tỉnh Yên Bái. Từ Hà Nội có thể đến Mù Cang Chải theo tuyến Hà Nội – Sơn Tây – Trung Hà – Thanh Sơn – Thu Cúc - Nghĩa Lộ, qua Tú Lệ rồi đến Mù Cang Chải với quãng đường dài 300km theo Quốc lộ 32. Theo tuyến này, du khách phải qua nhiều đèo núi cao như Đèo Khế và nhất là Đèo Khau Phạ với độ cao lên đến hơn 2000m so với mực nước biển. Quốc lộ 32 mấy năm gần đây đã được nâng cấp liên tục khiến cho việc tiếp cận Tú Lệ và Mù Cang Chải trở nên dễ dàng hơn nhiều. Hiện tại chỉ có một số đoạn ngắn qua Nghĩa Lộ đi Tú Lệ và một đoạn trên Đèo Khau Phạ đang trong quá trình tu sửa và gia cố đường còn xấu. Ngoài ra, đoạn đèo Khau Phạ có một vài điểm có nguy cơ lở đất trên núi xuống vào mùa mưa lũ. Đoạn đường từ Ngã ba Kim đi thị trấn Mù Cang Chải (khoảng 18km) mặt đường tuy được rải nhựa bằng phẳng nhưng có một số đoạn nguy hiểm vì sát với vực sâu của suối Nậm Kim. Tuy nhiên, xét tổng thể thì việc tiếp cận Mù Cang Chải theo tuyến này tại thời điểm hiện tại tương đối dễ dàng so với các năm trước. Cung đường này mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm khác nhau, ấn tượng nhất bắt đầu từ cánh đồng Mường Lò mênh mông nằm giữa các ngọn núi thấp bao bọc xung quanh. Lúa Mường Lò đã đi vào dân gian với câu nói “nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò.” Tiếp theo, từ Nghĩa Lộ vượt qua quãng đường khoảng 50km núi đồi ngoằn nghoèo nhiều đèo dốc, du khách sẽ đặt chân đến Tú Lệ, một điểm dừng chân không thể bỏ qua đối với bất kỳ lữ khách nào. Quang đường qua xã Tú Lệ đã được rải bê tông nhựa nhẵn, đẹp và thuận tiện cho giao thông qua lại.

Ngoài tuyến trên có thể đến Mù Cang Chải theo tuyến khác cũng qua Quốc lộ 32 như Hà Nội – Lào Cai (thường đi tàu từ Hà Nội lên Lào Cai), rồi từ Lào Cai lên Sapa vượt Đèo Ô Quý Hồ sang Bình Lư, Than Uyên rồi đến Mù Cang Chải. Đoạn từ Lào Cai đi Mù Cang Chải

khoảng 160km. Từ thành phố Lào Cai cho đến hết địa phận Than Uyên của Lai Châu đi qua Quốc lộ 4D rồi sang Quốc lộ 32 đường đi rất đẹp. Theo cung này, du khách phải qua Đèo Ô Quý Hồ rất hiểm trở với độ cao trên 2500m so với mực nước biển nhưng phong cảnh lại rất ngoạn mục. Du khách ưa mạo hiểm sẽ có cơ hội được trải nghiệm những cảm giác khác lạ khi qua khu vực này. Phía dưới chân đèo Ô Quý Hồ đi Bình Lư còn một số đoạn đang được nâng cấp, dự kiến đến giữa 2012 có thể sẽ hoàn thành. Đi hết Than Uyên là đến địa phận của Mù Cang Chải. Đoạn từ Bình Lư qua Than Uyên rồi sang Mù Cang Chải địa hình thoai thoải dễ đi hơn nhưng khi bắt đầu sang địa phận Mù Cang Chải cho đến gần trung tâm thị trấn (vẫn theo Quốc lộ 32) đường vẫn chưa được nâng cấp, mặt đường nhiều chỗ đã xuống cấp. Tuy nhiên, việc đi lại ở mức có thể chấp nhận được. Cũng từ Lào Cai có thể đi theo đường 279 bắt đầu từ Phố Ràng qua Bảo Thắng, Văn Bàn rồi vượt đèo Khau Co là sang Than Uyên gặp Quốc lộ 32 và đi về phía Đông Nam khoảng 40 cây là đến trung tâm thị trấn Mù Cang Chải.

Các đường khác cũng có thể đến được Mù Cang Chải như đi từ Hà Nội qua Hòa Bình đi Sơn La, qua Mường La rồi đến Ngã Ba Kim của Mù Cang Chải rồi về Tú Lệ - Hà Nội. Cũng có một số du khách tiếp cận theo tuyến Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên – Than Uyên – Mù Cang Chải – Tú Lệ - Hà Nội.

Hiện tại, có nhiều nhà xe khai thác tuyến Quốc lộ 32 từ Hà Nội đi Than Uyên và thị xã Lai Châu đi qua Tú Lệ và Mù Cang Chải. Có nhiều xe chất lượng cao như hãng xe Hải Vân, Khánh Thủy, Hưng Thành… đi từ Hà Nội và các nhà xe khác từ các tỉnh như Thái Nguyên, Thái Bình cũng qua tuyến này. Nhìn chung, theo đánh giá của tác giả khả năng tiếp cận Khu vực Mù Cang Chải là ở mức chấp nhận được. Trong một vài năm tới khi các dự án nâng cấp Quốc lộ 32 hoàn thành

thì việc tiếp cận khu vực này không còn là vấn đề quá phải lo lắng, nhất là khi dự án đầu tư xây dựng đoạn đường từ Mường La (Sơn La), qua Nậm Chiến đi Ngã Ba Kim (đoạn giao Quốc Lộ 32) đi Mù Cang Chải được hoàn thành thì vấn đề tiếp cận cũng trở nên đa dạng hơn và chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn đối với nhiều du khách khi có thể mở rộng cung đường khám phá từ phía Hòa Bình - Mai Châu – Mộc Châu - Sơn La – Mường La sang Mù Cang Chải và tiếp tục khám phá Tây Bắc.

Về hệ thống cơ sở hạ tầng nội huyện, tại khu vực trung tâm thị trấn huyện Mù Cang Chải, hệ thống đường xá đã được trải nhựa rất đẹp. Ngoài ra, các đường thứ cấp từ trung tâm huyện lỵ đến tất cả các trung tâm xã của huyện đều đã được nâng cấp và bê tông hóa, thuận tiện cho việc tiếp cận của người dân cũng như du khách. Trong ba xã của Mù Cang Chải nơi có hệ thống ruộng bậc thang được công nhân là Danh thắng quốc gia năm 2007, ngoài hệ thống đường bê tông đến trung tâm xã, hệ thống đường mòn vào các bản và xuyên qua các khu vực ruộng bậc thang vẫn là những con đường đất. Tuy nhiên, những con đường nhỏ này lại có thể trở thành những tuyến đường đi bộ ngắm cảnh hấp dẫn và quan trọng trong phát triển các tour du lịch khám phá ruộng bậc thang, cảnh quan thiên nhiên và các bản làng người Mông nằm xen kẽ những khu ruộng bậc thang lưng chừng núi.

Với khu vực Tú Lệ, ngoài trục đường chính là Quốc lộ 32 chay qua xã, hệ thống giao thông giữa các bản trong xã hiện vẫn là những con đường đất chưa được nâng cấp. Vào mùa mưa, thường khó đi vì hay lầy và gây trơn trượt.

* Các cơ sở ý tế:

Về cơ sở y tế, khu vực xã Tú Lệ hiện có một trạm y tế với 01 bác sỹ và 08 y tá và nhân viên, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho tổng

dân số của xã khoảng 5.500 người. Hệ thống trang thiết bị y tế còn thiếu thốn và lạc hâu.

Tại khu vực Mù Cang Chải, hiện có một bệnh viên đa khoa huyện tại trung tâm thị trấn Mù Cang Chải, phía bên kia suối Nậm Kim và trên đường xuống bản Kim Nọi với sức chứa 80 giường bệnh, 03 bác sỹ và 20 y tá, nhân viên. Trước đây khi giao thông còn chưa được phát triển, việc đi lại của đồng bào gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây khi giao thông đã vào đến tận các trung tâm xã cộng với việc nhiều hộ gia đình đã có phương tiện xe máy nên việc khám sức khỏe và chữa bệnh cũng thuận tiện hơn nhiều. Tại tất cả các xã đều đã có trạm y tế cơ sở xã, tuy nhiên điều kiện vật chất kỹ thuật còn kém và đội ngũ y bác sỹ thiếu trầm trọng.

* Hệ thống chợ:

Tại khu vực Tú Lệ, có một chợ nằm phía bên phải Quốc lộ 32 hướng từ Nghĩa Lộ lên. Chợ còn đơn sơ và chưa nhiều mặt hàng. Tuy nhiên, dọc theo hai bên đường bản Pom Ban, có nhiều hộ kinh doanh bán lẻ và bán cả các loại thực phẩm. Chợ họp cả sáng lẫn chiều. Nổi bật trong các phiên chợ nơi đây là các loại đặc sản Nếp Tú Lệ, măng rừng, cá suối, lợn mán và một số trái cây như Sơn Tra (Táo Mèo), Mận. Ngoài ra, các thực phẩm và các đồ gia dụng khác đều được nhập từ dưới đồng bằng lên.

Tại Mù Cang Chải, toàn huyện hiện có 02 chợ bán kiên cố là chợ Trung Tâm và chợ Ngã Ba Kim (Púng Luông), 01 chợ tạm là chợ Khau Mang. Chợ Trung Tâm và chợ Ngã Ba Kim có diện tích là 300m2, đây là trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp của các cụm xã xung quanh [60]. Ngoài ra, dọc theo trục chính huyện lỵ, cũng có một số đại lý quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu của người dân và du khách.

* Hệ thống viễn thông

Tại khu vực Tú Lệ, hệ thống viễn thông cũng đã đến được nơi đây, kể cả mạng Internet. Duy mạng truyền hình cáp là chưa có nên dẫn tới việc truyền hình không bắt được nhiều kênh hấp dẫn, nhất là các kênh thể thao – giải trí.

Tại khu vực Mù Cang Chải, hệ thống viễn thông cũng tương đối tốt, tại trung tâm huyện lỵ có một bưu cục II và tại khu vực Ngã Ba Kim (Púng Luông) có một bưu cục III hoạt động đầy đủ các nghiệp vụ cơ bản. Ngoài ra, mạng internet đã được kết nối. Tuy nhiên hệ thống truyền hình cáp thì vẫn chưa tới được khu vực này. Trong tương lai khi hệ thống truyền hình cáp được phủ sóng lên khu vực này sẽ tạo ra sự đa dạng hơn cho hệ thống truyền hình nơi đây và làm giảm đi sự tẻ nhạt như hiện nay.

* Hệ thống điện:

Tại khu vực Mù Cang Chải, hiện nay toàn huyện có hai trạm thuỷ điện nhỏ là Nậm Mơ ở xã Hồ Dề công suất xây dựng 20KW, công suất thực phát là 12KW và thuỷ điện Nậm Kim (xã Kim Nọi) công suất xây dựng 140KW. Hiện đường điện đã đến được tất cả các xã trong huyện.

Tại khu vực Tú Lệ, theo ông Sầm Văn Mới tất cả các bản hiện nay đều đã có điện trừ bản Khau Thán - một bản duy nhất của người Mông trên núi cao là chưa có điện. Kế hoạch của xã là đến đầu năm 2012, sẽ đưa điện về bản này.

* Hệ thống nước sinh hoạt

Hiện nay, các khu vực này chưa có hệ thống cung cấp nước sạch. Cả hai khu vực vẫn sử dụng nước tự nhiên dẫn từ các dòng suối trên núi xuống. Tại khu vực trung tậm Huyện Mù Cang Chải, nước có được

xử lý sơ bộ tại một số trạm xử lý nước, nhưng quy mô còn đơn sơ và nhỏ, mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của người dân tại trung tâm huyện lỵ vào thời điểm hiện nay. Trong thời gian tới, cần xây dựng hệ thống nước sạch để có thể đảm bảo phục vụ nhu cầu của du khách.

Một phần của tài liệu Khai thác ruộng bậc thang khu vực Mù Cang Chải và vùng phục cận cho phát triển du lịch (Trang 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)