Để phát triển bất kỳ loại hình du lịch nào, trước hết cần phải có đội ngũ làm công tác về quản lý du lịch nói chung và các cán bộ nhân viên thực hiện các hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch. Như đã đề cập trong phần thực trạng nguồn nhân lực ở Chương 1, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch ở cả Mù Cang Chải và khu vực phụ cận còn thiếu trầm trọng. Đội ngũ chuyên trách quản lý các hoạt động du lịch tại đây chưa có. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nguồn nhân lực hiện nay lại chủ yếu là các cán bộ và nhân viên làm việc tại các cơ sở lưu trú chứ, nhà hàng chưa được đào tạo bài bản, khiến cho việc phục vụ mới chỉ dừng lại ở mức đáp ứng nhu cầu ăn ở mà thôi.
Để đáp ứng nhu cầu của sự phát triển và những đòi hỏi về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần phải có kế hoạch tổ chức cán bộ, lập ra bộ phận chuyên trách quản lý các hoạt động du lịch, thực hiện các chương trình huấn luyện và đào tạo cụ thể nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ để họ có thể thực hiện quản lý một cách tốt nhất các hoạt động du lịch tại đây.
Đối với cộng đồng nông thôn, người nông dân với tư cách là chủ nhân của ruộng bậc thang, chính là nguồn nhân lực quan trọng cần phải được quan tâm và được ưu tiên trong việc trang bị kỹ năng nghề nghiệp và được tạo cơ hội việc làm tại chỗ vừa tạo thu nhập cho họ vùa phát huy được quyền làm chủ của họ. Ngoài các kiến thức về nghiệp vụ, cần phải trang bị kỹ năng sống cho họ, kết hợp với ngành nông, lâm nghiệp tổ chức phổ biến kiến thức cho họ về chăn nuôi, trồng trọt để họ có khả năng cung cấp chính nguồn lương thực thực phẩm phục vụ dân cư và phục vụ cho hoạt động du lịch nhằm hạn chế tối đa việc nhập lương thực thực phẩm từ bên ngoài vào. Đối với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ cao hơn, cần được ưu tiên trong việc tuyển chọn cho các vị trí quản lý du lịch và có thể đào tạo nâng cao để họ có thể trở thành những cán bộ có thể đào tạo tiếp các thế hệ sau và bằng cách đó có thể khiến họ gắn bó lâu dài với du lịch, với quê hương và cộng đồng mình, đảm bảo trong tương lai Mù Cang Chải và Tú Lệ sẽ có một đội ngũ các nhà quản lý, điều hành, hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ là người dân tộc thiểu số có trình độ làm du lịch chuyên nghiệp, yêu nghề, có thu nhập ổn định với chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về du lịch đi đôi với việc thúc đẩy cộng đồng cùng hiểu được những giá trị của các di sản văn hóa, những danh lam thắng cảnh và những lợi ích về tinh thần, vật chất mà du lịch đã mang lại cho họ nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần tự hào về vốn quý di sản văn hóa để có họ trách nhiệm trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa bản địa cũng như bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên khác.
Nguồn nhân lực từ cộng đồng ở Mù Cang Chải và Tú Lệ tuy rất sẵn nhưng cũng sẽ rất khó khăn trong quá trình đào tạo và sử dụng vì trên 90% cư dân ở đây là người Mông, nhiều trong số họ thậm chí nói
tiếng Kinh cũng chưa thạo. Chính vì thế, trong khi còn đang ở giai đoạn ban đầu, cần có định hướng và kế hoạch cụ thể để thực hiện đào tạo sớm nguồn nhân lực này.
3.2.2.3.. Phát triển hệ thống cơ sở lưu trú
Có thể nói, cơ sở lưu trú ở Mù Cang Chải hiện còn ở mức chất lượng thấp. Qua khảo sát của tác giả, có thể thấy số lượng phòng hiện nay chủ yếu mới đáp ứng được nhu cầu lưu trú cơ bản của khách, còn các dịch vụ bổ sung hầu như chưa có, ngay cả Internet hay các kênh truyền hình cáp. Chính vì thế, để đáp ứng nhu cầu hiện tại và trong tương lai, cần tăng cường cải thiện chất lượng buồng phòng hiện tại và đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên của các cơ sở lưu trú hiện nay.
Ngoài ra, để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng trong tương lai và phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững và bảo tồn hệ thống ruộng bậc thang tại khu vực được công nhận là danh thắng quốc gia, cần phát triển các loại cơ sở lưu trú thân thiện với môi trường như như nhà nghỉ sinh thái (eco-lodge). Tại các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình có thể phát triển các loại hình lưu trú tại nhà dân. Tuy nhiên cần phải tiến hành đào tạo cho cộng đồng địa phương khi họ tham gia kinh doanh du lịch cũng như cải tạo điều kiện vệ sinh thôn bản vì đại đa số các gia đình vẫn xây dựng các công trình phụ, chuồng trâu, chuồng lợn sát với nhà ở gây mất vệ sinh môi trường. Hiện tại Bản Kim Nọi gần khu trung tâm thị trấn Mù Cang Chải cũng đã có mô hình tại nhà dân nhưng hiện mới chỉ có 01 nhà là điều kiện vệ sinh và các công trình phụ trợ cần thiết để kinh doanh chuyên nghiệp. Các hộ khác cũng đón khách nhưng lượng khách chưa nhiều.
Tại khu vực trung tâm thị trấn Mù Cang Chải có thể xây dựng các nhà nghỉ, khách sạn từ quy mổ nhỏ để phục vụ nhu cầu trong tương lai.
Nói chung, chính quyền địa phương cần có chủ trương chính sách hợp lý để người dân có thể có cơ hội tham gia đầu tư vào các cơ sở lưu trú từ quy mô nhỏ như loại hình lưu trú tại nhà dân cho tới các nhà nghỉ và khách sạn từ 1-2 sao vừa phù hợp với quỹ đất hạn hẹp nơi vùng cao này vừa giúp nâng cao nguồn thu và đáp ứng nhu cầu lưu trú ngày càng tăng cao của khách du lịch. Với tốc độ tăng trưởng lượng khách năm sau tăng gần gấp đôi so với năm trước như hiện nay thì cơ sở lưu trú cũng phải tăng theo, trong đó nên chú trọng đến loại hình lưu trú tại nhà dân (homestay) để vừa đáp ứng nhu cầu này vừa tạo công ăn việc làm cho cộng đồng nông thôn tăng thêm thu nhập.