Điều kiện tự nhiên, dân cư, lịch sử tộc người và văn hóa tộc người vùng

Một phần của tài liệu Khai thác ruộng bậc thang khu vực Mù Cang Chải và vùng phục cận cho phát triển du lịch (Trang 56)

người vùng phụ cận (Tú Lệ)

* Khái quát về điều kiện tự nhiên và dân cư

Tú Lệ là một xã nằm ở phía Tây huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, có toạ độ 104o22'30" - 21o46'30. Tú Lệ giáp với xã Cao Phạ của huyện Mù Cang Chải ở phía Tây, xã Nậm Búng – huyện Văn Chấn ở phía Đông, xã Nậm Có – huyện Mù Cang Chải ở phía Bắc và xã Ngọc Chiến – huyện Mường La, tỉnh Sơn La ở phía Nam với tổng diện tích đất tự nhiên là 2.886,77ha, trong đó diện tích đất canh tác nông nghiệp là 729 ha (trong đó diện tích trồng lúa là 213,14ha) chủ yếu phân bố ở thung lũng Tú Lệ được bao bọc bởi ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song.

Theo kết quả điều tra về tình hình nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 do UBND xã Tú Lế tiến hành trong khuôn khổ

Chương trình “Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản” của Tổng cục Thống kê, tổng dân số của xã Tú Lệ tính đến hết năm 2010 là 5.422 người với ba dân tộc sinh sống trên địa bàn xã là dân tộc Thái, dân tộc Kinh và dân tộc Mông, trong đó người Thái chiếm 95% tổng dân số, người Kinh chiếm 3,6% còn người Mông chiếm 1.4% phân bố rải rác trong 11 bản: bản Búng Sủng, bản Phạ Trên, bản Phạ Dưới, bản Nà Loóng, bản Pom Ban, bản Côm, bản Chao, bản Nước Nóng, bản Mạ, bản Tun và bản Khau Thán. Toàn xã có 1.113 hộ với 1.075 hộ làm nông nghiệp và 34 hộ làm thương mại dịch vụ. Tổng số lao động toàn xã năm 2010 là 3.481 người.

Trong số ba nhóm người sinh sống tại xã, người Kinh sống chủ yếu ở hai bản là bản Nước Nóng và bản Pom Ban dọc theo Quốc lộ 32 ở trung tâm xã và sở hữu, vận hành hầu hết các nhà nghỉ khu vực này. Đặc biệt, kể từ khi quốc lộ 32 nâng cấp, trung tâm xã ngày một nhộn nhịp, là điểm dừng chân qua đêm của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Và đó cũng là điều kiện để các mặt hàng nông sản được khách thập phương biết đến, dọc quốc lộ nhiều khách sạn mọc lên, gà đồi, nếp thơm là món ăn ưa thích của nhiều du khách.

* Lịch sử tộc người và văn hóa tộc người

Người Thái ở Tú Lệ cùng với người Thái ở các nơi khác của huyện Văn Chấn đã sinh sống ở đây từ nhiều trăm năm trước. Theo các nhà khoa học và căn cứ vào cuốn sử chép tay của người Thái “Quăm tô Mường” (chuyện kể bản mường) và “Táy Pú sấc” (Bước đường chinh chiến của cha ông) thì vào đầu thế kỷ XI, nhóm người Thái do anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần dẫn đầu đến Việt Nam, nơi di cư đến và định cư đầu tiên là Mường Min (xã Gia Hội, huyện Văn Chấn). [60].

Ở Yên Bái nói chung và Tú Lệ nói riêng, tên người Thái được dùng chính thức và phổ biến. Ngoài ra, người Thái còn tự gọi mình là “Táy”, “ Táy Khao” là Thái Trắng, “ Táy Đăm” là Thái Đen.

Người Thái có nhiều kinh nghiệm đắp phai, đào mương, bắc máng lấy nước làm ruộng [13]. Người Thái ở Tú Lệ sinh sống tại hầu hết các bản phân bố trên những đồi gò thấp đan xen giữa cánh đồng Tú Lệ và dọc theo các chân núi sát với cánh đồng này.

Tiếng Thái nằm trong nhóm ngôn ngữ Tày – Thái, thuộc hệ tiếng nói Thái – Kađai. Đối với người Thái, họ có tín ngưỡng riêng của mình, không theo đạo Phật cũng không tin theo đạo thiên chúa. Họ quan niệm rằng vũ trụ này có ba thế giới, đó là: thế giới Trái đất trần gian (phén đin mưỡng lùm), thế giới nhà Trời (Mưỡng nha) và thế giới Thần linh của những người đã qua đời (Mưỡng phi). Trong đó, thế giới Nhà trời và thế giới Thần linh đã thấm sâu và trở thành tín ngưỡng của dân tộc Thái [23; tr.47]. Còn đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất, người Thái có tục cúng tuần gọi là “Pạt tôông” và hàng năm hay vài năm một lần có cúng nhà gọi là “sên hươn”. Về hôn nhân, người Thái có tục ở rể, vài năm sau, khi đôi vợ chồng đã có con mới về ở bên nhà chồng [2; 180].

Có thể nói người Thái có nhiều phong tục tập quán tốt. Những tập quán này trở thành luật lệ của bản mường, thành lối sống riêng của họ kể từ khi con người sinh ra cho tới khi qua đời, từ sinh đẻ, nuôi con, dạy con học làm người đến việc dạy con cách làm dâu, làm rể, dạy quan hệ ứng xử trong xã hội, cách giao tế với người ngoài và khách đến chơi nhà. Mọi việc ma chay, cưới hỏi đều có tục lệ riêng của mình [23; tr.41].

Người Thái thường ở nhà sàn. Nhà sàn truyền thống của người Thái thường cao để chống thú dữ, dưới gầm sàn để súc vật nhà chăn

nuôi và là nơi các bà, các cô giã gạo, trẻ em chơi đánh đu. Đến này, nhà sàn vẫn là một kiểu kiến trúc được người Thái ở khắp miền Tây Bắc gìn giữ. Ở Tú Lệ, ta vẫn thấy tục người thái để gia súc ở dưới gầm nhà sàn, cối giã gạo và để củi đuốc, một số lương thực khác.

Người Thái có nền văn hóa nghệ thuật lâu đời và là cái nôi của các điệu múa xòe uyển chuyển làm say đắm lòng người. Họ ưa ca hát, từ trẻ đến già gần như ai cũng biết ca hát với rất nhiều điệu hát khác nhau, có những điệu hát đi nương, hát trên cánh đồng làng hay trai gái gặp nhau bên sàn họ ca hát tỏ tình…

Một phần của tài liệu Khai thác ruộng bậc thang khu vực Mù Cang Chải và vùng phục cận cho phát triển du lịch (Trang 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)