người khu vực Mù Cang Chải
* Điều kiện tự nhiên
Huyện Mù Cang Chải nằm ở phía Tây tỉnh Yên Bái, cách Hà Nội 300km và cách thành phố Yên Bái 180km, có tọa độ địa lý từ 21039’ đến 21050’ vĩ độ Bắc, 103056’ đến 104023’ kinh độ Đông; phía Bắc giáp huyện Văn Bàn - tỉnh Lao Cai; phía Nam giáp huyện Mường La - tỉnh Sơn La; phía Đông giáp huyện Văn Chấn; phía Tây giáp huyện Than Uyên - tỉnh Lai Châu. Đây Là khu vực núi cao bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn, bao gồm nhiều dãy núi liên tiếp nhau chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam ở độ cao trung bình 1.000m so với mặt biển. Giữa các dãy núi là các khe suối thuộc lưu vực sông Hồng và sông Đà. Tổng diện tích đất tự nhiên trong toàn huyện là 1.201,96km2 [60].
Toàn huyện có 13 xã và một thị trấn: Nậm Có, Cao Phạ, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Dế Su Phình, Nậm Khắt, Mồ Dề, Kim Nọi, Chế Tạo, Hồ Bốn, Khau Mang, Púng Luông và thị trấn Mù Cang Chải với 110 thôn bản, 100% số xã và thị trấn thuộc khu vực III. Trung tâm huyện
đặt ở thị trấn Mù Cang Chải với diện tích 7,42km2 nằm gọn trong thung lũng [60].
Khu vực Mù Cang Chải nằm trong hệ thống núi Hoàng Liên Sơn, được cấu tạo bằng đá macma, có lớp vỏ phong hóa khá dày. Cách ngày nay chừng 150 triệu năm, trong chu kỳ tạo núi Inđôxini với những vận động mạnh đã tạo ra những uốn nếp khổng lồ và kèm theo đó là hàng loạt những đứt gãy chờm nghịch làm cho đá vôi tầng giữa có tuổi cổ hơn lại nằm chờm lên đá phiến – đá vôi tầng trên có tuổi trẻ hơn. Trong quá trình tạo núi, có nhiều hoạt động xâm nhập macsma làm cho đá trong vùng bị biến chất và ngay tới khi quá trình này coi như chấm dứt (vào cuối Đại trung sinh, cách đây chừng 30 triệu năm), các khối đá xâm nhập vẫn còn chọc xiên qua nhiều nơi trong dải Hoàng Liên Sơn [20; tr.80], trong đó có Sà Phình và Púng Luông ở khu vực Mù Cang Chải. Trong điều kiện nhiệt đới và á nhiệt đới ẩm, các đá này đều có lớp vỏ phong hóa khá dày ở chân núi, các sườn dốc, nước bề mặt hoạt động mạnh đã làm cho đá gốc lộ trơ trụi.
Đến vận động tạo tân sinh tuy không mãnh liệt nhưng vẫn còn nâng cao chỗ này, đứt gãy chỗ kia. Các dòng nước bị đào xẻ xuống rất sâu, các sườn núi trở nên dốc và bị chia cắt hơn, mặc dù các đỉnh cũng cong giữ lại, ven các chân núi có những nón vật khổng lồ, địa hình được “trẻ hóa” trở lại, tạo nên hệ thống khe, suối, hẻm, vực rất phức tạp. Nên đặc điểm chung của địa hình lúc này là núi cao, chia cắt mạnh [20]. Vùng này tập trung những đỉnh núi cao nhất của tỉnh (cao nhất là đỉnh Púng Luông (2.985m), ngoài ra còn nhiều đỉnh cao trên 2.000m như Mồ Dề (2.100); Hàng Giàng (2.050m); Chế Tạo với ba đỉnh: La Háng (2.050m); Kể Cả (2.055m); Phu Ba (2.512m), …
Trong thời kỳ hiện đại, các vận động tân kiến tạo vẫn tiếp tục nâng lên, hạ xuống với cường độ và hướng thay đổi khác nhau. Có lẽ ở
Việt Nam chưa ở đâu ta nhận thấy sức mạnh ghê ghớm của tự nhiên như ở khu vực này. Và tất yếu, ở nơi đây cũng nổi lên sức mạnh phi thường của con người khi tồn tại trong sự hùng vĩ này của thiên nhiên.
Khí hậu Mù Cang Chải mang tính chất tiểu vùng rõ rệt, nhiệt độ trung bình là 190C, mát mẻ về mùa hạ và lạnh về mùa đông. Nơi đây vẫn được mệnh danh là “xứ sở của mây mù, núi cao và khe sâu”.
Ở sâu trong nội địa nên Mù Cang Chải chịu ảnh hưởng của thời tiết khô nóng vào thời kỳ đầu mùa hạ, trong các thung lũng chịu ảnh hưởng của hiệu ứng “phơn” của các dãy núi vùng biên giới Việt – Lào đến với luồng gió mùa từ phía Tây thổi sang, bình quân một năm có trên 40 ngày khô nóng, trong đó có 10 ngày đặc biệt khô nóng. Tuy nhiên thời kỳ khô nóng thường rất ngắn, chỉ khoảng 2 tháng (tháng 3 và tháng 4) [7].
Những áp thấp tàn dư của bão di chuyển tới đây gây mưa kéo dài. Lượng mưa trung bình ở Mù Cang Chải là 1.604,9mm. Mùa mưa ở đây bắt đầu sớm (tháng 4) và cũng kết thúc sớm (tháng 9). Lượng mưa trong mùa mưa chiếm 90% lượng mưa cả năm, thời gian còn lại của năm (từ tháng 10 đến tháng 3) thường rất ít. Lượng mưa khá dồi dào ở Mù Cang Chải đã đem lại cho vùng núi này nguồn tài nguyên thủy lực phong phú, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển kinh tế trong tương lai. Ngược lại, đó cũng là những khó khăn cho dân cư bởi địa hình dốc đứng lại có những thung lũng hẹp dễ gây nên lũ ống, lũ quét khá nghiêm trọng, tạo dòng chảy mạnh làm xói mòn đất, gây bạc màu nhanh chóng, đặc biệt có nguy cơ gây sụt lún đất. Thế nhưng, cư dân đã có biện pháp tích cực hạn chế dòng chảy và cải tạo đất đai tạo nên những thửa ruộng bậc thang nối dài từ chân suối lên tận lưng núi – nơi đồng bào có thể canh tác mấy trăm năm nay mà vẫn cho năng suất cao và ổn định.
Độ ẩm của Mù Cang Chải tương đối thấp so với các vùng khác, trung bình là 81%/năm, trên các núi cao tăng lên 82-90%/năm. Hàng năm hình thành một kỳ khô từ giữa mùa đông đến đầu mùa hạ và một thời kỳ ẩm trong suốt mùa hạ đến đầu mùa đông, độ ẩm chênh lệch từ 8 – 10%.
Mù Cang Chải có nhiều nắng. Số giờ nắng một năm là 1.710 giờ, thời kỳ nhiều nắng nhất là cuối mùa đông, đầu mùa hạ.
Bảng 2.1: Tổng hợp khí tượng thủy văn của Trạm Mù Cang Chải (năm 2009) Nhiệt độ TB (0C) Số giờ nắng (h) Lượng mưa TB (mm) Độ ẩm tương đối (%) Cả năm 19.8 1,710 1,604.9 81 Tháng 1 12.3 124 0.6 82 Tháng 2 18.1 201 13.1 74 Tháng 3 19.7 166 33.9 69 Tháng 4 21.9 165 132.4 76 Tháng 5 22.7 146 278.8 81 Tháng 6 23.5 85 302.7 87 Tháng 7 24.0 102 545.3 90 Tháng 8 23.5 165 156.9 83 Tháng 9 22.1 145 112.5 80 Tháng 10 20.5 126 15.3 82 Tháng 11 15.9 152 7.6 78 Tháng 12 13.9 133 5.8 84
Nguồn: Cục thống kê Tỉnh Yên Bái
Mù Cang Chải chủ yếu là đất Feralit vàng đỏ á nhiệt đới (ở độ cao 900m trở lên). Các yếu tố đất đai, khí hậu ở đây rất thích hợp với các loại cây ôn đới và một số loại cây bản địa như thông, sơn tra, mận
và một số loại dược liệu quý khác (như đẳng sâm, hà thủ ô, sa nhân…) cùng một số loại cây lấy dầu.
Mù Cang Chải cũng có thế mạnh về rừng với tổng diện tích khoảng 30.000ha, xen giữa rừng là các thung lũng hẹp, các triền ruộng bậc thang được dày công khai phá hàng trăm năm nay. Ruộng bậc thang ở các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Su Phình có nhiều “mâm xôi” khổng lồ, tạo nên vẻ đẹp riêng có, đặc sắc của huyện vùng cao này. Bãi cỏ Hàng Giàng thuộc xã Lao Chải là tiềm năng đồng cỏ chăn nuôi lớn nhất huyện. Cánh đồng lớn nhất là Nậm Khắt với diện tích 217ha, thứ đến là cánh đồng Kim Nọi và Nậm Có. Đây là những nơi cung cấp lương thực chủ yếu của địa phương.
* Đặc điểm dân cư
Mù Cang Chải có dân số không đông, mật độ thưa. Thời nhà Lý, Mù Cang Chải thuộc Châu Đăng. Đời Hậu Lê thuộc Châu Chiêu Tấn, Phủ An Tây trong Thừa tuyên Hưng Hóa. Ngày 28 tháng 6 năm 1906, Thực dân Pháp đặt Châu Than Uyên bao gồm cả huyện Mù Cang Chải. Năm 1955, Chính phủ thành lập khu tự trị Thái – Mèo, trong đó có Mù Cang Chải (27 tháng 10 năm 1962 được Quốc hội đổi thành Khu tự trị Tây Bắc). Ngày 18/10/1957, Chính phủ thành lập Châu Mù Cang Chải. Khi mới thành lập Huyện Mù Cang Chải chỉ có 1.200 người. Theo số liệu thống kê của Cục Thông kê tỉnh Yên Bái, năm 2009 tổng dân số huyện là 49.160 người, mật độ dân cư là 41 người/m2, trong đó khu vực nông thôn là 46.698 chiếm gần 95%.Toàn huyện có 4 tộc người là: Mông, Kinh, Thái và Tày, trong đó người Mông chiếm đa số (89%).
Người Mông ở Mù Cang Chải chia thành 4 nhóm: Mông Đơ (Mông Trắng); Mông Đu (Mông Đen); Mông Lình (Mông Hoa); Mông Si (Mông Đỏ). Sự phân biệt giữa các nhóm Mông chủ yếu dựa vào trang, y phục của phụ nữ và đặc điểm ngôn ngữ.
Mông Hoa là nhóm đông nhất, chiếm trên 60% dân số, tập trung tại các xã Cao Phạ, Nậm Khắt, Nậm Có, Púng Luông, La Pán Tẩn, Dế Su Phình, Chế Cu Nha, Kim Nọi.
Tiếp đến là Mông Đỏ chiếm 30% dân số, sống xen kẽ với người Mông Hoa ở các xã Kim Nọi, Mồ Dề, Chế Tạo, Khau Mang, Lao Chải, Hồ Bốn.
Nhóm Mông Đen sống ở các xã: Nậm Có, Khau Mang, Lao Chải.
Nhóm Mông Trắng có số lượng ít nhất sống ở một số bản của xã Hồ Bốn…
* Khái quát về lịch sử tộc người.
Người Mông vào Mù Cang Chải cách ngày nay khoảng hơn 200 năm và di cư làm nhiều đợt. Cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, người Mông ở Quý Châu (Trung Quốc) nổi dậy chống sự cai trị của nhà Thanh nhưng tất cả các cuộc khởi nghĩa đều bị thất bại,phải di cư xuống Vân Nam và Việt Nam, vào Bắc Hà (Lào Cai), qua Sa Pa, Than Uyên sang Mù Cang Chải. Người Mông ở Mù Cang Chải vẫn coi “Lồng Cống”, “Lồng Mù” (nay là xã Nậm Có) là vùng đất tổ [5, tr.41]. Khi chết, trong bài hát chỉ đường phải dẫn linh hồn về vùng đất này và từ đó mới được về trời. Nhóm người Mông đầu tiên đến đây thuộc họ Vàng, Họ Thào, Họ Giàng, Họ Sùng, Cứ, Hồ, Hảng, Mùa, Lý, Phàng, Lầu,…Trong đó họ Giàng là đông nhất.
Tiếng Mông thuộc nhóm ngôn ngữ Mông – Dao trong ngữ hệ Nam Á [26; tr.10]. Do chiếm tỷ lệ đa số nên ở Mù Cang Chải tiếng Mông là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất, trình độ dân trí của người Mông còn chưa cao, đặc biệt là phụ nữ, nên mọi hoạt động xã hội còn gặp nhiều khó khăn.
Truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm là vốn quý trong lịch sử của nhân dân các dân tộc Mù Cang Chải. Thế kỷ thứ XVIII, giặc từ Vân Nam tiến đánh vùng Thập Châu, nhân dân Mù Cang Chải đã ủng hộ những cánh quân của phong trào khởi nghĩa Hoàng Công Chất tiến đánh thắng lợi củng cố được chính quyền phong kiến vùng Tây Bắc.
Năm 1872, giặc Cờ Vàng từ phương Bắc tràn xuống nước ta, chúng tràn qua Púng Luông, Nậm Khắt sang Sơn La. Đây là đội quân hết sức tàn ác và dã man, đi đến đâu chúng đốt sạch, giết sạch đến đó. Khi đó, Giàng Nủ Giao ở Púng Luông đã dũng cảm đứng lên, chiêu tập dân binh, dựa vào núi rừng, ròng dã chiến đấu tiêu diệt giặc. Năm 1880, giặc phải rút chạy.
Từ tháng 10 năm 1885, Thực dân Pháp đánh chiếm Yên Bái, từ đây chúng thường xuyên tấn công sang Văn Chấn, Mù Cang Chải. Năm 1888, chúng dựng lại đồn Tú Lệ, từ đó đánh lên thượng huyện Văn Chấn và đèo Khau Phạ, Kim Nọi rồi sang Sơn La nhưng quân giặc bị quân của Giàng Nủ Giao, Thào Chín Lù chặn đánh mọi ngả, chúng rút ra Nghĩa Lộ, nghĩa quân Giàng Nủ Giao có điều kiện củng cố lực lượng. Năm 1889, nghĩa quân phối hợp với thủ lĩnh người Dao – Đặng Phúc Thành kiểm soát và củng cố vùng Văn Chấn. Nhiều lần tổ chức đánh địch ở Khau Phạ, Kim Nọi, Tú Lệ, Gia Hội gây cho địch nhiều thiệt hại. Trong những năm 1892, 1894, 1896 các nghĩa quân ở Mù Cang Chải đã làm cho Thực dân Pháp gặp nhiều khó khăn khi bình định khu vực này [7].
Điển hình nhất là cuộc đấu tranh chống Thực dân Pháp của đội du kích Cao Phạ với gần 200 chiến sĩ đã lập nhiều chiến công. Với những thành tích nổi bật đó, năm 2000, xã Cao Phạ đã vinh dự được Nhà nước phong danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”
trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 2006, Nơi thành lập đội du kích Khau Phạ đã được UBND tỉnh Yên Bái công nhận là di tích lịch sử - cách mạng [44].
* Khái quát về văn hóa tộc người
Một trong những đặc điểm nổi bật về vấn đề cư trú của người Mông là họ thường cư trú ở những sườn đồi và sườn núi cao, địa hình hiểm trở. Người Mông ở Mù Cang Chải có kinh nghiệm làm ruộng bậc thang rất giỏi [7]. Đặc biệt là sau những cuộc vận động định canh định cư và cấm phá rừng làm nưỡng rẫy, diện tích ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải được mở rộng nhiều hơn.
Người Mông trú trọng chăn nuôi gia đình, hầu như gia đình nào cũng có trâu, bò hoặc ngựa làm sức kéo, thồ hàng và dùng trong sinh hoạt. Việc thu hái lượm lâm sản như sơn tra (táo mèo), hoàn liên, hà thủ ô, thảo quả, lấy mật ong và săn bắt chim, thú… khá được chú trọng. Cũng như đồng bào Mông ở nhiều nơi trên vùng núi Tây Bắc, dệt vải bằng sợi lanh là một nghề phổ biến của cộng đồng người Mông ở Mù Cang Chải. Hầu như người phụ nữ Mông ở đâu cũng tranh thủ tước lanh để dệt vải. Ngoài ra, hoạt động đan lát cũng khá thành thạo phục vụ nhu cầu tự cung tự cấp. Đặc biệt là nghề rèn đúc rất nổi tiếng với kỹ thuật khá công phu với nhiều sản phẩm nổi tiếng như dao, cuốc, lưỡi cày, nòng súng kíp,…không chỉ phục vụ nhu cầu tại chỗ mà còn được đem bán cho các đồng bào dân tộc khác tại các phiên chợ vùng cao nơi đây.
Nguồn lương thực chủ yếu của đồng bào là lúa (lúa nương, lúa nước), ngoài lúa ra là ngô. Các loại rau xanh tự trồng hoặc hái lượm ở trong rừng, trong đó nổi bật nhất là cải Mèo vốn được coi là một đặc sản của người Mông vùng Tây Bắc. Người Mông khá tiết kiệm với các
loại thức ăn, với các loại thịt, cá thường mang rang khô, nướng khô và cho muối mặn để ăn được lâu.
Thức uống của đồng bào tương đối đơn giản. Hàng ngày họ uống nước lá cây, nước chè, đi làm nương thì uống nước từ trong khe suối chảy ra. Ngoài ra, đồng bào uống rượu tự nấu, và với người Mông chén rượu thể hiện tình cảm chân thành, đằm thắm của người mời đối với người được mời [26]. Mỗi khi khách quý đến nhà bao giờ người Mông cũng mời chén rượu. Đồng bào hút thuốc khá phổ biến, thuốc do đồng bào tự trồng, phơi và thái thành sợi, hút như người Kinh hút thuốc lào. Trước đây, khi thuốc phiện chưa bị cấm đồng bào còn hút thuốc phiện nhưng từ khi cấm trồng cây thuốc phiện thì việc hút thứ thuốc này không còn nữa.
Người Mông ở nhà đất, nguyên liệu làm nhà là gỗ, mái lợp truyền thống là gỗ pơmu chẻ mỏng, nhà phải có ít nhất ba gian, gian giữa thờ cúng tổ tiên. Họ sống ở những triền núi cao, việc đi lại, vận chuyển rất khó khăn. Trước khi mở các con đường lớn, họ chủ yếu đi bộ, có ngựa thồ hàng hoặc gùi hàng trên lưng. Đến nay, nhiều con đường vào các bản, xã đã được đổ bê tông hoặc đã được chỉnh trang lại cộng với việc nhiều gia đình đã mua được xe máy nên việc đi lại cũng thuận tiện hơn.
Trang phục của người Mông khá phong phú, mỗi loại trang phục của mỗi nhóm lại thể hiện thị hiếu thẩm mỹ và phản ánh thế giới quan của mình một cách khác nhau. Trang phục của đồng bào gồm có váy, áo, thắt lưng, tạp dề, khăn, mũ đội đầu, xà cạp, v.v…Áo phụ nữ Mông có cổ là một miếng vải được thêu sặc sỡ. Váy của phụ nữ Mông là váy mở xếp nếp xòa rộng.
Tín ngưỡng truyền thống của người Mông là thờ đa thần. Họ thờ cúng tổ tiên và thờ cũng ông, bà, cha mẹ. Đối với đồng bào việc thờ
cúng tổ tiên là nghi lễ tín ngưỡng có tính cộng đồng cao. Họ luôn hướng về tổ tiên và coi đó là một biểu hiện quan trọng để bảo tồn giữ