Giải pháp về quy hoạch phát triển du lịch

Một phần của tài liệu Khai thác ruộng bậc thang khu vực Mù Cang Chải và vùng phục cận cho phát triển du lịch (Trang 107)

Ruộng bậc thang là tài sản vô giá của đồng bào các dân tộc nơi đây. Từ nhiều trăm năm nay, nó là hình thức canh tác đem lại an ninh lương thực cho đồng bào miền cao, giúp họ “an cư lạc nghiệp”, tránh được tình trạng du canh du cư, đốt nương làm rẫy, phá hủy tài nguyên thiên nhiên.

Chính vì thế, muốn phát triển du lịch dựa trên cơ sở khai thác nguồn tài nguyên này, trước nhất cần phải có quy hoạch phát triển, trong đó cần có quy hoạch phát triển tổng thể và quy hoạch phát triển riêng cho du lịch. Nếu ở khu vực đồng bằng, hiện tượng lấy đất nông nghiệp để làm các khu đô thị, các khu công nghiệp, các dự án giao thông, các dự án sân golf v.v...diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây đang làm thu hẹp diện tích canh tác nông nghiệp của người nông dân, thì ở khu vực miền núi quá trình này có vẻ như ít bị tác động bởi những điều này hơn. Tuy nhiên, đô thị hóa là xu thế tất yếu, đồng thời với mức độ dân số ngày càng tăng lên vì thế việc đất nông nghiệp bị thu hẹp ngay cả ở những khu vực miền núi là điều khó tránh khỏi. Chính vì thế, cần phải có các biện pháp quy hoạch phát triển lâu dài.

Bài học kinh nghiệm từ Banaue cho thấy mặc dù đây là khu vực có cảnh quan ruộng bậc thang đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới và việc phát triển du lịch đã đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, nhưng do thiếu các giải pháp hiệu quả về quy hoạch, dẫn đến tình trạng xây dựng tràn lan, phát triển du lịch không đi đôi với công tác bảo tồn dẫn đến môi trường sinh thái tự nhiên suy thoái và môi trường xã hội –

nhân văn bị ảnh hưởng tiêu cực. Ngoài ra, chính sự phát triển du lịch khiến cho rừng bị phá hủy để lấy gỗ làm nhà, chế tác các đồ thủ công mỹ nghệ làm đồ lưu niệm, làm đường, làm các công trình xây dựng khác và đặc biệt nhiều thửa ruộng bậc thang cũng được san lấp để lấy diện tích xây dựng các công trình như khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng...Đặc biệt, sự phát triển của du lịch đã tạo ra nhiều công việc giúp người dân kiếm tiền một cách dễ dàng hơn mà lại ít vất vả hơn như nghề hướng dẫn du lịch, lái xe, các công việc trong các khách sạn, nhà hàng, các cửa hàng lưu niệm...khiến nhiều nông dân, đặc biệt là nam không còn quan tâm tới công việc của nhà nông. Kết quả là, nhiều thửa ruộng bậc thang bị bỏ hoang vừa là do thiếu nguồn nước do rừng bị phá hủy, vừa do nhiều người không còn quan tâm canh tác nữa. Chính vì thế, hiện nay Di sản này đang nằm trong danh sách có nguy cơ bị rút ra khỏi danh sách các di sản văn hóa của nhân loại. Trong khi đó, tại khu vực Nguyên Dương – Hồng Hà Trung Quốc mà tiêu biểu là tại bản Thanh Khẩu với kế hoạch bảo tồn cụ thể, quy hoạch bài bản và mục tiêu phát triển rõ ràng đã cho thấy một mô hình phát triển du lịch nông thôn bền vững và hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân nông thôn.

Như vậy vai trò của quy hoạch là hết sức quan trọng và là yếu tố phải được quan tâm thực hiện đầu tiên trước khi đẩy mạnh phát triển du lịch.

Với khu vực danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải, đây là một khu vực đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh thắng quốc gia năm 2007 và hiện đang được lập hồ sơ để đệ trình lên UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới, chính vì thế việc lập quy hoạch bảo tồn và phát triển là hết sức cần thiết. Hiện nay, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh đã lập đề cương quy hoạch cho

thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải và sẽ triển khai quy hoạch trong thời gian tới.

Qua việc nghiên cứu các bài học kinh nghiệm ở Banaue và Nguyên Dương trong Chương 1 cũng như qua khảo sát thực tiễn tại khu vực nghiên cứu cho thấy việc lập quy hoạch còn phải chú trọng đến sự kết hợp hài hòa giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch trồng rừng, quy hoạch xây dựng nhà ở, quy hoạch giao thông với quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật như điện, nước...để sao cho không chỉ bảo tồn tốt hệ thống ruộng bậc thang và các giá trị văn hóa bản địa, hệ sinh thái tự nhiên mà còn tạo cơ sở cho việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững.

Một phần của tài liệu Khai thác ruộng bậc thang khu vực Mù Cang Chải và vùng phục cận cho phát triển du lịch (Trang 107)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)