Cơ sở vật chất, trang thiết bị và thuốc

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số giải pháp tăng cường kiểm soát lây nhiễm cúm A ở các bệnh viện huyện của tỉnh Quảng Ninh (Trang 69)

1.2.1.1. Cơ sở vật chất, trang thiết bị chung

Hầu hết bệnh viện các tuyến đã sẵn sàng cho việc thu dung người bệnh, song cơ sở vật chất (khu điều trị cách ly và số khoa có tiềm năng thu dung) lại chưa đủ đáp ứng một khi dịch bùng phát với lưu lượng người bệnh lớn. Thực tế, các bệnh viện cũng đã có khu điều trị cách ly. Tổng số bệnh viện có khu điều trị cách ly chiếm 73,7%, trong đó tuyến tỉnh chỉ chiếm 71,8% và tuyến huyện có chiếm 74,4% có khu điều trị cách ly. Các bệnh viện tỉnh và huyện đều có sơ đồ mặt bằng. Tỷ lệ BV có sơ đồ mặt bằng ở cả hai tuyến gộp lại là 95,8%; trong đó ở tuyến tỉnh là 96,5% và ở tuyến huyện là 95,6% [27].

Các bệnh viện đã thiết lập các khu hoặc các đơn vị cách ly điều trị cúm, song tỷ lệ bệnh viện có buồng hoặc đơn vị cách ly điều trị cúm cao hơn nhiều so với tỷ lệ bệnh viện có khu cách ly cúm riêng biệt tại các bệnh viện. Chỉ khoảng 2/3 số bệnh viện có khu cách ly cúm riêng biệt, nhưng có tới 91,2% số bệnh viện có buồng hoặc đơn vị cách ly điều trị cúm. Theo báo cáo, hiện nay toàn quốc chỉ có 31 bệnh viện có buồng cách ly điều trị cúm có buồng đệm (một số thiết kế buồng cách ly áp lực âm (chiếm 4,6%), trong đó có 10 bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 6,1%), 21 bệnh viện tại tuyến huyện (chỉ chiếm 4,2%). Trong khi tỷ lệ BV có khu cách ly riêng biệt dường như tương đồng ở cả hai tuyến thì tỷ lệ bệnh viện có buồng/đơn vị cách ly cúm ở tuyến huyện lại cao hơn so với tuyến tỉnh (93.6% so với 83.4%). Số phòng cách ly trung bình tại một bệnh viện tỉnh là 4,5, còn tại một bệnh viện huyện là 2,4 [27].

Việc sử dụng biển hiệu xanh, vàng, đỏ để khoanh vùng đơn vị/phòng cách ly cúm chưa được phổ biến ở cả hai tuyến. Chỉ có 37.9% bệnh viện sử dụng hình thức khoanh vùng này (35% ở tuyến tỉnh, 46% ở tuyến huyện).

Trong trường hợp có cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1, các bệnh viện còn có thể sử dụng một số khoa lâm sàng khác (ngoài khu cách ly điều trị hiện nay)

để tiếp nhận người bệnh, song tỷ lệ này không cao. Bốn khoa được nhắc tới nhiều nhất là khoa truyền nhiễm, khoa nhi, khoa hồi sức cấp cứu, khoa nội tổng hợp.

Hầu hết bệnh viện có hội đồng/ban chống nhiễm khuẩn (96,3%) và 86,7% bệnh viện có khoa - tổ chống nhiễm khuẩn. Như vậy, việc thực hiện nghiêm túc quy chế bệnh viện trong việc thành lập hội đồng/ban chống nhiễm khuẩn và khoa/tổ chống nhiễm khuẩn vẫn còn sự chênh lệch. Tuy nhiên tình hình hoạt động và vai trò của hội đồng/ban chống nhiễm khuẩn, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và hoạt động của khoa/tổ chống nhiễm khuẩn của các bệnh viện chưa được tìm hiểu sâu.

Theo số liệu đã thu thập được, có sự chênh lệch lớn về số bệnh viện có quy trình thu gom rác thải tại các tuyến, tổng số các bệnh viện có quy trình thu gom, xử lý rác thải liên quan tới cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1chiếm 63,0%, trong đó tỷ lệ tại tuyến tỉnh là 79,1%, tuyến huyện chỉ là 57,8%. Việc lưu trữ chất thải và công tác giặt là, thu gom và xử lý đồ vải lây nhiễm liên quan tới cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1 vẫn chưa được phủ toàn bộ các bệnh viện. Số bệnh viện có khu lưu giữ chất thải y tế lên tới 77,1%, trong đó tuyến tỉnh 81,6%, tuyến huyện là 75,4% [27].

1.2.1.2. Trang thiết bị liên quan đến chẩn đoán và điều trị cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1

Các trang thiết bị chính được sử dụng trong điều trị cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1 tại bệnh viện các tuyến gồm Xquang di động, máy thở xâm nhập và không xâm nhập, máy thở có Monitor và máy CPAP. Cả tuyến tỉnh và huyện đều được trang bị bốn loại máy này để chẩn đoán và điều trị cúm, song số lượng còn rất hạn chế. Trong khi số lượng máy thở có Monitor tại tuyến tỉnh là 3,18 chiếc/bệnh viện thì số lượng máy thở có Monitor tại tuyến huyện chỉ là 0,42 chiếc/bệnh viện. Sự phân bố máy thở có Monitor là hợp lý

vì đối với bệnh viện tuyến huyện, khả năng thở máy còn hạn chế do chưa đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất hỗ trợ khác (hệ thống oxy, năng lực hồi sức cấp cứu). Đáng lưu ý số máy điện tim của tuyến tỉnh có tới 413 chiếc (2,53 chiếc/bệnh viện) thì tại tuyến huyện chỉ có 67 chiếc (0,13 chiếc/bệnh viện). Lý do chủ yếu là đối với bệnh viện huyện, thường chỉ trang bị chung 1 máy điện tim cho toàn bệnh viện, không bố trí riêng máy điện tim cho đơn vị điều trị cúm.

Máy X quang di động sử dụng để chụp tại giường có vai trò quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi điều trị các trường hợp suy hô hấp nặng và theo dõi tổn thương phổi trong cúm. Hiện nay số bệnh viện tỉnh mới chỉ có 128 chiếc (0.78 chiếc/bệnh viện) và bệnh viện tuyến huyện cũng chỉ có 131 chiếc, trung bình khoảng 0,26 chiếc/bệnh viện [27]. Điều này thể hiện số lượng máy Xquang di động vẫn rất hạn chế trong bệnh viện các tuyến. Nhìn chung Xquang di động ở cả hai tuyến còn hoạt động tốt (ít khi trục trặc). Tỷ lệ bệnh viện báo cáo tình trạng máy hoạt động tốt ở tuyến tỉnh là 53% và ở tuyến huyện là 53%. Hầu hết các bệnh viện đã và đang sử dụng Xquang di động, song tần suất sử dụng chưa thật thường xuyên, nhất là với tuyến huyện. Gần 62% bệnh viện tỉnh báo cáo sử dụng rất thường xuyên Xquang di động trong khi đó chỉ dưới 1/3 bệnh viện huyện sử dụng Xquang di động rất thường xuyên.

Khoảng gần một nửa bệnh viện cho rằng máy thở có chức năng thở xâm nhập và không xâm nhập của các bệnh viện này (ở cả hai tuyến) còn hoạt động tốt. Tỷ lệ này ở tuyến tỉnh là 46% và ở tuyến huyện là 42%. Bên cạnh đó, có trên 13% ở bệnh viện tỉnh và trên 17% ở bệnh viện huyện rơi vào tình trạng thường xuyên trục trặc. Một tỷ lệ tương đương các bệnh viện cho rằng họ có máy thở bị hỏng, không thể đưa vào sử dụng (13% cho tuyến tỉnh và 17% cho tuyến huyện) [27].

Trên 70% bệnh viện cho rằng máy thở có Monitor (với cả hai tuyến) còn hoạt động tốt. Tỷ lệ này ở tuyến tỉnh là 71% và ở tuyến huyện là 73%. Tỷ lệ BV tỉnh báo cáo máy trục trặc là 12% và tuyến huyện là 7%. Tần suất sử dụng máy ở tuyến tỉnh cao hơn tuyến huyện: trong khi có tới gần 2/3 bệnh viện tỉnh sử dụng rất thường xuyên (65%), thì chỉ chưa đầy 1/3 bệnh viện huyện sử dụng ở mức độ này. Vẫn còn tỷ lệ đáng kể máy thở chức năng cao có Monitor rất hiếm được sử dụng hoặc không bao giờ được sử dụng. Tỷ lệ này chiếm khoảng 12% BV tỉnh và 17,4% BV huyện [27].

Ngoài bốn loại trang thiết bị chủ yếu nói trên, các bệnh viện còn có một loạt thiết bị điều trị hồi sức cấp cứu, song việc trang bị và dự phòng này vẫn ở mức khiêm tốn. Cụ thể là, ở cả hai tuyến, trong số 11 hạng mục được liệt kê, chỉ có máy monitor, máy hút dịch là phổ biến hơn cả, có mặt tại phần lớn các bệnh viện (từ 70-80%). Các thiết bị khác như bơm tiêm điện, máy truyền dịch, máy tạo nén oxy, giường hồi sức cấp cứu, máy đo độ bão hòa oxy chỉ có mặt tại khoảng một nửa số bệnh viện ở cả hai tuyến. Hệ thống oxy và khí nén trung tâm còn rất hạn chế ở tuyến tỉnh và rất hiếm ở tuyến huyện, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hồi sức hô hấp tại các bệnh viện này

Các thiết bị bảo hộ cá nhân phòng lây nhiễm cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1 được các bệnh viện liệt kê bao gồm 7 hạng mục: 1. Bộ trang phục bảo hộ cá nhân, 2. Khẩu trang N95, 3. Găng tay, 4. Kính bảo hộ, 5. Áo choàng, 6. Mũ, 7. Bọc giấy. Trong số này, phổ biến nhất là bộ quần áo bảo hộ cá nhân và khẩu trang N95. Tỷ lệ bệnh viện báo cáo có hai hạng mục này chiếm trên 70% tại tuyến tỉnh và tuyến huyện (theo thứ tự trên). Trung bình tại mỗi bệnh viện tỉnh có 270 bộ bảo hộ cá nhân và tại mỗi bệnh viện huyện là 191 bộ. Số lượng trung bình khẩu trang N95 là 348 chiếc tại tuyến tỉnh và 275 chiếc tại tuyến huyện [27].

Hai xét nghiệm rất quan trọng trong chẩn đoán cúm là PCR và realtime PCR chỉ được thực hiện ở một số ít tỉnh và bệnh viện trung ương. Cụ thể là chỉ có 9,6% bệnh viện tỉnh báo cáo là có khả năng xét nghiệm PCR. Bên cạnh đó, mới chỉ có 5,3% bệnh viện tỉnh trong tổng số gửi lại phiếu báo cáo là có khả năng làm xét nghiệm realtime PCR.

Xét nghiệm đo nồng độ khí trong máu động mạch tại khoa xét nghiệm cũng chỉ có thể được thực hiện tại 20,2% bệnh viện tỉnh và 9,4% bệnh viện huyện trong số gửi lại phiếu.

1.2.1.3. Về thực trạng thuốc điều trị cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1 (Tamiflu)

Cho đến thời điểm kết thúc nghiên cứu (01/2010), thuốc điều trị cúm chủ yếu vẫn là Tamiflu (Oseltamivir). Kênh phân phối chủ yếu từ Bộ Y tế tới các sở y tế rồi đến các bệnh viện các tuyến: tỉnh, huyện, xã. Các sở đều có hệ thống giám sát sử dụng thuốc để điều phối kịp thời. Tính đến thời điểm kết thúc nghiên cứu, các sở y tế đều cho rằng họ có đủ cơ số thuốc Tamiflu để ứng phó với dịch cúm. Trong quá trình ứng phó điều trị cúm, các tỉnh đều đã thực hiện tốt chủ trương luân chuyển thuốc để đảm bảo không có thuốc quá hạn sử dụng và lãng phí thuốc.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số giải pháp tăng cường kiểm soát lây nhiễm cúm A ở các bệnh viện huyện của tỉnh Quảng Ninh (Trang 69)