1.2.3.1. Kế hoạch phòng chống cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1
Công tác lập kế hoạch và thông tin báo cáo được chuẩn bị khá chu đáo tại các bệnh viện thuộc cả ba tuyến. Hầu hết các bệnh viện đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1. Tỷ lệ bệnh viện đã thành lập ban chỉ đạo là 90% tại tuyến tỉnh, 89% tại tuyến huyện.
Hầu hết bệnh viện đều đã có kế hoạch đối phó với cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1. Tỷ lệ bệnh viện có kế hoạch này ở tuyến tỉnh là 92%, còn ở tuyến huyện là 88%. Các bệnh viện có kế hoạch phòng chống cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1 đã tổ chức hướng dẫn hoặc tập huấn kế hoạch này cho nhân viên của mình. Tỷ lệ bệnh viện phổ biến kế hoạch này cho nhân viên là 95% ở tuyến tỉnh và 96% ở tuyến huyện [27].
1.2.3.2. Khả năng hỗ trợ tuyến dưới và các đơn vị lân cận, tổ chức và chỉ đạo giám sát, kiểm tra dịch
Ngay từ khi có dịch H5N1, các tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo liên ngành phòng chống cúm các cấp (tỉnh, huyện) do Phó Chủ tịch hoặc Chủ tịch tỉnh làm trưởng ban. Hai thành phần chính của Ban chỉ đạo là ngành y tế và giáo dục. Ngành văn hóa thông tin và truyền thông đại chúng cũng vào cuộc để điều phối và triển khai các hoạt động truyền thông cộng đồng.
Ngành y tế hoạt động theo hai hệ thống: dự phòng và điều trị. Mỗi hệ thống có một đội cơ động kiêm nhiệm từ các phòng ban khác nhau. Thông thường, đội cơ động dự phòng lấy cán bộ từ khoa dịch tễ của trung tâm y tế dự phòng tỉnh/trung tâm y tế huyện làm chủ đạo. Đội cơ động điều trị lấy cán bộ từ các khoa/phòng của bệnh viện đa khoa tỉnh/huyện. Về nguyên tắc hai đội dự phòng và điều trị phối kết hợp với nhau để lập kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng chống cúm. Họ họp định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất khi có dịch để phối hợp.
Chức năng hai đội khá độc lập nhưng lại được thực hiện trong một hệ thống có liên kết chặt chẽ. Đội dự phòng thiên về tuyên truyền cộng đồng và thực hiện vệ sinh môi trường. Trong khi ấy, đội điều trị cử người xuống địa bàn dịch để phân loại người bệnh, vận chuyển người bệnh, hoặc hướng dẫn/điều trị tại chỗ. Đôi khi, đội cơ động điều trị chủ động ở lại các bệnh viện dã chiến (được thiết lập tại trường học hoặc công sở) để hướng dẫn hoặc trực tiếp điều trị các chùm ca bệnh. Các cơ sở y tế địa phương cũng vào cuộc bằng cách trực tiếp điều trị và giám sát ca bệnh tại khu cách ly (dã chiến) hoặc tại cộng đồng. Họ cũng chịu trách nhiệm báo cáo tình hình bệnh và hiện trạng trang thiết bị và thuốc lên cấp trên để tiện cho việc lập kế hoạch và phân bổ nguồn lực.
Trong suốt quá trình dịch, truyền thông đại chúng và tại cộng đồng tỏ ra rất hiệu quả. Việc tuyên truyền về mức độ nghiêm trọng và sức lan tràn của dịch cùng với những hình ảnh cụ thể đã thực sự tạo ra những hồi chuông báo động trong toàn cộng đồng.
Hỗ trợ kỹ thuật giữa các đơn vị y tế các tuyến và trong cùng một tuyến phổ biến nhất là sử dụng máy thở. Các bệnh viện Trung ương thường là nơi hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện tỉnh, huyện trong cùng địa bàn. Hình thái/hình thức hỗ trợ này tương đồng giữa các vùng khác nhau trong mẫu
nghiên cứu. Các bác sĩ tuyến huyện được tập huấn dài ngày, được thực hành trên người bệnh. Họ được thực hành trên máy thở giống như loại máy mà bệnh viện họ có (tuyến huyện). Tuy nhiên, các bác sĩ tuyến huyện sau khi được tập huấn rất ít có cơ hội được thực hành tại bệnh viện của họ. Lý do đơn giản là ít người bệnh nặng đến mức phải dùng máy thở. Mặc dù vậy, đây cũng là một ví dụ sinh động về cơ chế phối hợp và hỗ trợ kỹ thuật từ tuyến trung ương, tỉnh cho tuyến huyện.
Một số Sở y tế, trong đó có sở y tế thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Bình có phương án việc tăng cường hỗ trợ kỹ thuật sử dụng máy thở ngay tại tuyến huyện trong trường hợp cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1 bùng phát. Cụ thể là, khi có nhiều người bệnh nặng cần sử dụng máy thở tại một bệnh viện huyện, thì bệnh viện Trung ương tại khu vực hoặc bệnh viện đa khoa tỉnh sẽ cử bác sĩ có kinh nghiệm dùng máy thở về để trợ giúp, hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật. Dần dần, cách này sẽ làm tăng kỹ năng sử dụng máy thở cho bác sĩ tuyến huyện [27].
Như vậy, vi rút cúm đã được nghiên cứu và tìm hiểu từ rất lâu, tuy nhiên, cho đên nay, loài người vẫn chưa có những hiểu biết đầy đủ về vi rút cúm, cơ chế lây bệnh, phổ lâm sàng, thuốc điều trị đặc hiệu và vacxin phòng chống đối với bệnh dịch này. Do vậy, trong thời gian tới, đây vẫn sẽ là những thách thức lớn đối với hệ thống y tế thế giới nói chung và y tế Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, khi dịch cúm A xuất hiện và lây lan nhanh, tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các bộ, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng đều đã tích cực vào cuộc và bước đầu đã khống chế được sự lây lan của đại dịch cúm A. Đặc biệt, với sự đầu tư của Chính phủ và ngành Y tế, năng lực ứng phó với dịch cúm của hệ thống bệnh viện các tuyến tại Việt Nam đã được cải thiện và nâng cao đáng kể, tuy nhiên, mỗi bệnh viện cần phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá lại khả năng
đáp ứng với đại dịch để kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém, tìm giải pháp khắc phục để đối phó hiệu quả khi có đại dịch xảy ra.