Các biện pháp phòng, chống dịch cúm

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số giải pháp tăng cường kiểm soát lây nhiễm cúm A ở các bệnh viện huyện của tỉnh Quảng Ninh (Trang 82)

Mục tiêu của các đáp ứng khi dịch chuyển sang giai đoạn lây lan ra cộng đồng là hạn chế số mắc, biến chứng nặng và tử vong, đồng thời giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng của đại dịch cúm tới kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân [3], [12], [16], [19].

Để thực hiện thành công mục tiêu này, cần phải có sự tham gia tích cực và chủ động của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, của cộng đồng và mỗi người dân. Mọi người cần có hiểu biết đúng về bệnh cúm và các biện pháp phòng chống, cần bình tĩnh và không quá lo lắng nhưng cũng không

được chủ quan. Cho tới thời điểm hiện nay, diễn biến của bệnh cúm nhẹ như cúm mùa thông thường, hầu hết các ca bệnh diễn biến nhẹ, không có biến chứng nặng [75], [76], [117].

Tuy nhiên, cần phải phát hiện sớm ca bệnh, tùy tình trạng sức khỏe của người bệnh, số lượng ca bệnh mà tiến hành cách ly và điều trị phù hợp: cách ly điều trị tại nhà khi bệnh nhẹ ở nhóm người có nguy cơ thấp và cách ly điều trị tại bệnh viện đối với những người có triệu trứng nặng và đối với những người có nguy cơ cao. Cần áp dụng các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lan rộng ra cộng đồng. Cần chuyển trọng tâm giám sát sang giám sát sự lây lan bệnh dịch ở cộng đồng.

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, hạn chế tập trung nơi đông người và đóng của trường học trong giai đoạn đầu của đại dịch là có hiệu quả trong việc ngăn chặn lây truyền trong trường học và có thể góp phần làm giảm lây lan trong cộng đồng. Việc đóng cửa trường học phải dựa trên việc phân tích kỹ lưỡng tình hình và nguy cơ lây lan dịch, phải dựa trên việc phân tích các ảnh hưởng của việc đóng cửa trường học đến phát triển kinh tế, xã hội, chăm sóc sức khỏe, sự công bằng và tránh phân biệt đối xử. Việc đóng cửa trường học phải phối hợp với các biện pháp phòng, chống dịch khác [116].

Trong thời điểm dịch bắt đầu lây lan trong cộng đồng, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Trong trường hợp chưa bị nhiễm vi rút, người dân cần tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh cúm, hạn chế tiếp xúc gần với người nghi là có biểu hiện mắc bệnh; hạn chế thời gian ở nơi đông người; tránh đưa tay lên mũi và miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc sát trùng bằng cồn; thông thoáng nơi ở và nơi làm việc; nâng cao sức khỏe bằng việc ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và tập luyện thể thao.

- Trong trường hợp bị mắc bệnh cúm hay có biểu hiện của hội chứng cúm, chúng ta nên ở nhà, nghỉ làm, nghỉ học, tránh tiếp xúc chỗ đông người; thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn xem có cần thiết phải vào bệnh viện không; thông báo cho gia đình và bạn bè biết và hạn chế tiếp xúc với người khác; nghỉ ngơi và uồng nhiều nước, che kín miệng, mũi trước khi ho và hắt hơi bằng giấy thấm mềm, sau đó cho vào túi ni lông và cho vào thùng rác; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch thường xuyên, đặc biệt sau khi ho và hắt hơi; đeo khẩu trang nhằm hạn chế bắn các giọt nước bọt ra những người xung quanh; thông thoáng nơi ở và nơi làm việc, lau chùi thường xuyên bề mặt, dụng cụ đồ vật xung quanh người bệnh bằng các chất tẩy rửa thông thường [13], [14], [15], [53].

Tuy nhiên, những nhóm người sau cần đặc biệt lưu ý khi có các biểu hiện của hội chứng cúm cần phải đến ngay cơ sở y tế để chăm sóc và điều trị kịp thời, tránh diễn biến nặng và có thể tử vong: phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính như bệnh phổi mãn tính, bệnh hen phế quản, bệnh tim, bệnh suy giảm miễn dịch HIV/AIDS, bệnh tiểu đường, bệnh béo phì…[8].

Một biện pháp phòng bệnh cúm là đeo khẩu trang. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang cần đeo đúng lúc và đúng cách, đúng nơi. Đeo khẩu trang thường, khẩu trang y tế chỉ có tác dụng ngăn chặn các giọt nước bọt bắn ra từ người bệnh cúm khi ho, hắt hơi. Cần đeo khẩu trang khi bị cúm, khi ở nơi đông người mà không tiếp xúc gần với người bệnh. Đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần và chăm sóc người bệnh. Đeo khẩu trang không phải là biện pháp duy nhất để phòng bệnh cúm, cần phải kết hợp với biện pháp rửa tay, che miệng khi ho và hắt hơi, hạn chế tiếp xúc nơi đông người [4], [49], [54], [74].

Vắc xin phòng, chống cúm: chủ động tạo miễn dịch - tiêm vaccin là một trong biện pháp được lựa chọn hàng đầu để phòng, chống nhiễm vi rút cúm A và B. Với đặc điểm hay thay đổi tính kháng nguyên cũng như xuất

hiện các chủng vi rút cúm A mới nên việc lựa chọn chủng dự tuyển cho vắc xin cúm tại bắc bán cầu hoặc nam bán cầu phải thực hiện hàng năm dưới sự điều hành của Tổ chức Y tế Thế giới. WHO khuyến cáo, các nước nên mua vắc xin phòng cúm A/H1N1 để cung cấp cho cộng đồng, trước tiên nên ưu tiên cho đội ngũ CBYT để đảm bảo duy trì hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hiện nay, vắc xin cúm A/H1N1 đã được một số hãng vắc xin lớn trên thế giới nghiên cứu thành công, đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra tính an toàn trước khi đưa vào sử dụng trên người. Dự tính, đến cuối năm 2009, đầu năm 2010, vắc xin cúm A/H1N1 có thể được chính thức sử dụng trên người. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có kế hoạch mua vắc xin cúm A/H1N1 để cung cấp cho người dân như Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Điển, Phần Lan, Đài Loan, Thái Lan, Sinhgapo… Việt Nam dự kiến sẽ đặt 5 triệu liều vắc xin phòng cúm A/H1N1 [52], [91], [92].

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy cần phải chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch phòng chống đại dịch ở các cấp. Công tác chuẩn bị càng kỹ lưỡng, cụ thể thì khi dịch xảy ra, sẽ không bị động và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng. Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, cộng đồng để nâng cao nhận thức về nguy cơ của dịch nhưng không làm cho mọi người hoảng sợ và tránh lơ là, mất cảnh giác. Các quyết định về các biện pháp phòng, chống dịch cần phải dựa trên bằng chứng khoa học. Hệ thống chăm sóc y tế và CSSK ban đầu cần phải được tăng cường nâng cao chất lượng chẩn đoán phát hiện sớm, chăm sóc và điều trị người bệnh [7], [43], [44], [48], [66].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số giải pháp tăng cường kiểm soát lây nhiễm cúm A ở các bệnh viện huyện của tỉnh Quảng Ninh (Trang 82)