10. Cấu trúc của luận văn
2.4.6. Phát triển kỹ năng ghi chép TLTK
Trong quá trình học tập, HS không thể ghi nhớ ngay toàn bộ khối lượng kiến thức mình được tiếp nhận. Những kiến thức đó sẽ bị quên nếu không được sử dụng, ôn tập. Do đó, việc ghi chép có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ trí nhớ và giúp HS khắc sâu kiến thức. Trong thực tế, khi ghi chép TLTK, HS ghi chép lại toàn bộ tài liệu hoặc chỉ gạch ý, đề mục mà không biết cách chắt lọc những kiến thức cơ bản, giá trị. Điều này hạn chế chất lượng học tập và dẫn đến sự thụ động của HS trong học tập. Để khắc phục tình trang đó, HS cần thực hiện tốt các công việc sau:
- Trước hết, HS phải chuẩn bị tâm thế để ghi chép:
+ HS cần xác định được nguồn TLTK cần ghi chép: tên tài liệu, tác giả, nhà xuất bản (hoặc nguồn xuất xứ)… chuẩn bị các công cụ cần thiết để ghi chép: bút, vở…
+ Lựa chọn chính xác nội dung cần ghi chép bằng cách: tra mục lục, xác định nội dung.
- Quá trình ghi chép, HS cần lưu ý:
+ Dùng các chữ viết tắt và các ký hiệu quy ước một cách nhất quán. Cần ghi chép sạch sẽ, ngay ngắn, rõ ràng.
+ Ghi lại những vấn đề chính có số liệu và niên đại quan trọng, lập niên biểu, ghi các tài liệu gốc, câu nói nổi tiếng của các danh nhân, câu trích trong các tác phẩm kinh điển của Mác-Lênin, Hồ Chí Minh, văn kiện Đảng…
+ Ghi và gạch chân những thuật ngữ, khái niệm khó, những tư tưởng, luận điểm chủ yếu của bài học.
HS có thể ghi chép theo cách riêng của mình bởi việc ghi chép thể hiện sắc thái cá nhân, độc lập, sáng tạo. Ví dụ: HS có thể kẻ trang giấy thành hai
phần: một phần ghi kiến thức cơ bản, một phần nhỏ để bổ sung các kiến thức mới, các câu trích dẫn… Hoặc các em có thể dùng hai loại mực khác nhau nhằm nhấn mạnh những nội dung quan trọng.
Mỗi TLTK thường có phần nội dung quan trọng, nội dung không quan trọng và phần liên kết giữa các nội dung. Nội dung chính thường có dấu hiệu: số lần sử dụng các cụm từ nhiều hơn, có các hình vẽ, số liệu, bản đồ…miêu tả, minh họa cho nội dung đó. HS phải biết ghi chép những nội dung quan trọng, đồng thời đảm bảo tính logic, chặt chẽ giữa các nội dung.
Ví dụ: Tìm hiểu mục I “Âm mưu mới của Pháp-Mĩ ở Đông Dương: Kế hoạch Nava”, bài 20: “Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kết thúc (1953-1954)”, khi ghi chép tài liệu về kế hoạch Nava, HS thực hiện như sau:
- Xác định TLTK: sách “Điện Biên Phủ” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nxb Chính trị Quốc gia, 1994)
- Tra mục lục, lựa chọn nội dung: “Âm mưu mới của địch, kế hoạch quân sự Nava” (trang 68)
- HS đọc TLTK, lựa chọn kiến thức, có thể điền nội dung vào bảng thống kê như sau:
Nội dung Kế hoạch Nava
Nguyên nhân
- Pháp bị sa lầy trong chiến tranh ở Đông Dương + Thất bại liên tiếp trên mặt trận quân sự
+ Thiếu binh lực trầm trọng
+ Sự phản đối mạnh mẽ của dư luận tiến bộ
- Pháp – Mĩ mâu thuẫn. Mĩ dần muốn hất cẳng Pháp.
Với sự thỏa thuận của Oasinhton, Chính phủ Pháp chỉ định Nava làm tổng chỉ huy quân viễn chinh ở Đông Dương. Nội dung - Bước 1: Trong thu- đông 1953 và Xuân 1954, giữ thế
phòng ngự trên chiến trường miền Bắc, thực hiện tiến công chiến lược để bình định miền Trung và nam Đông Dương.
- Bước 2: Từ Thu- Đông 1954, chuyển lực lượng ra chiến trường miền Bắc, thực hiện tiến công chiến lược giành thắng lợi quân sự quyết định, kết thúc chiến tranh
Biện pháp, thủ đoạn
- Tăng cường lực lượng quân Ngụy
+ “Dùng người Việt trị người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”
+ Bần cùng hóa nhân dân vùng tạm chiếm
3/1954: quân Ngụy là 95000 tên
- Rút 1 bộ phận chiếm đóng để tập trung lại: rút lực lượng Âu-Phi tinh nhuệ tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ
Thu đông 1953: 44 tiểu đoàn = 50% lực lượng cơ động toàn Đông Dương
- Xin tăng viện trợ từ Pháp-Mĩ
+ Pháp: 12 tiểu đoàn từ Pháp, Bắc Phi và Triều Tiên sang. + Mĩ: 400 triệu đôla, 123 máy bay, 212 tàu chiến các loại…
Việc hoàn thành bảng thống kê trên giúp HS không những nắm được kiến thức cơ bản mà còn rèn luyện, phát triển năng lực tự học của HS qua TLTK. Bởi các em đã phát hiện và trình bày lại kiến thức. Thêm nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho các em trong việc tự ôn tập kiến thức.
Như vậy, rèn luyện, phát triển cách ghi chép là kỹ năng quan trọng trong quá trình tự học ở nhà của HS. Thông qua hoạt động này, HS lĩnh hội, lưu giữ, và khắc sâu được kiến thức một cách hệ thống. Đồng thời, rèn luyện cho các em kỹ năng lập luận, sáng tạo trong học tập.