Phát triển kỹ năng dùng TLTK để trả lời câu hỏi

Một phần của tài liệu Một số biện pháp phát triển kỹ năng tự học cho học sinh qua sử dụng tài liệu tham khảo trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông (Trang 69 - 72)

10. Cấu trúc của luận văn

2.4.3.Phát triển kỹ năng dùng TLTK để trả lời câu hỏi

Để làm nổi bật nội dung cơ bản của tiết học, HS cần trả lời được hệ thống câu hỏi, bài tập liên quan. Các câu hỏi đó không chỉ giới hạn ở việc làm cho HS ghi nhớ, tái hiện kiến thức mà còn giúp các em hiểu biết vững chắc, sâu sắc những sự kiện cơ bản; biết phân tích, đánh giá về lịch sử. Với những loại câu hỏi yêu cầu HS tái hiện kiến thức đã học “như thế nào?” thì HS chỉ cần dựa vào kiến thức trong SGK để trả lời còn đối với những loại câu hỏi yêu cầu HS phải giải thích, chứng minh thì đòi hỏi các cần phải sử dụng thêm các loại TLTK. Bên cạnh đó, các em phải phát huy các thao tác tư duy: phân tích, tổng hợp, so sánh, đánh giá. Do đó, phát triển kỹ năng sử dụng TLTK để trả lời câu hỏi góp phần quan trọng giúp HS lĩnh hội kiến thức một cách hệ thống.

Để rèn luyện cho HS kỹ năng sử dụng TLTK để trả lời câu hỏi, GV cần tiến hành các công việc sau:

- Nêu câu hỏi cho HS

- Gọi một HS đọc to đoạn TLTK hoặc yêu cầu HS tự đọc - Tổ chức cho HS trả lời bằng hệ thống câu hỏi mở

- Nhận xét và bổ sung câu trả lời của HS

Để trả lời câu hỏi bằng việc sử dụng TLTK, HS cần thực hiện các bước cụ thể:

- Bước 1: Xác định rõ yêu cầu của câu hỏi, ghi nhớ (gạch chân) các từ để hỏi như: như thế nào? Tại sao? Giải thích? Trình bày?... Đây là công việc cần thiết, là cơ sở để HS giải quyết vấn đề đúng hướng

- Bước 2: Dựa vào yêu cầu câu hỏi, đọc TLTK, vận dụng kiến thức, kết hợp với SGK, suy nghĩ trả lời.

- Bước 3: Hoàn thành câu trả lời, tự kiểm tra câu trả lời và trình bày trước lớp

- Bước 4: Các HS khác lắng nghe ý kiến, nhận xét, bổ sung câu trả lời của bạn.

Điều quan trọng trong việc phát triển kỹ năng sử dụng TLTK để trả lời câu hỏi là GV đưa ra hệ thống câu hỏi khoa học, hợp lý. Trong dạy học lịch sử có thể sử dụng nhiều loại câu hỏi như câu hỏi nêu sự phát triển, câu hỏi mang nội dung tìm kiếm từng phần hoặc so sánh, phân tích, lựa chọn sự kiện, hiện tượng lịch sử. Vấn đề là GV phải kết hợp được cả nghiệp vụ sư phạm và kiến thức chuyên môn đặt ra một hệ thống câu hỏi gợi mở sao cho hợp lý để dẫn dắt HS khai thác kiến thức từ TLTK. Qua câu hỏi gợi mở, GV kích thích được trí tò mò, ham hiểu biết, sáng tạo trong suy nghĩ, giúp bài học lịch sử không còn khô khan, khó tiếp thu và làm sáng tỏ hơn những kiến thức được thể hiện trong SGK. GV cần xây dựng hệ thống câu hỏi đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với từng đối tượng và trình độ nhận thức của HS. Muốn vậy, GV phải kết hợp các dạng câu hỏi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, đảm bảo ba mức độ nhận thức: biết, hiểu, vận dụng.

Ví dụ: khi dạy học mục 4, phần II, bài 17: “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ sau 2-9-1945 đến trước 19-12-1946”, để cụ thể hóa biện pháp trước mắt giải quyết những khó khăn về tài chính, Đảng ta đã phát động “Tuần lễ vàng”, toàn dân tham gia hưởng ứng trong đó có nhiều tấm gương về sự đóng góp cho cách mạng, tiêu biểu là gia đình ông Trịnh Văn Bô. Để phát triển kỹ năng trả lời câu hỏi qua sử dụng TLTK cho HS, GV thực hiện như sau:

- Cung cấp cho HS tài liệu tham khảo (phụ lục 7), yêu cầu HS đọc - Đặt các câu hỏi gợi mở

+ Gia đình ông Trịnh Văn Bô đã đóng góp như thế nào cho cách mạng?

+ Em có nhận xét gì về sự đóng góp của gia đình ông Trịnh Văn Bô nói riêng và của nhân dân ta nói chung trong việc giải quyết khó khăn về mặt tài chính sau cách mạng tháng Tám?

- Sau khi HS trả lời, GV nhận xét và khái quát.

Để trả lời được câu hỏi của GV, HS cần thực hiện các bước sau:

- Đọc kỹ câu hỏi để xác định yêu cầu trọng tâm của câu hỏi: như thế nào? Nhận xét?

- Dựa vào kiến thức trong TLTK và câu hỏi gợi mở của GV để xâu chuỗi trả lời:

+ Gia đình ông Trịnh Văn Bô – nhà tư sản yêu nước đã đóng góp tính từ ngày đầu khởi nghĩa cho đến hết “Tuần lễ vàng” là 5.147 lạng vàng, có khi đem đóng góp cho cách mạng tới 9/10 tài sản gia đình.

+ Từ đó, các em sẽ tự rút ra nhận xét về tinh thần đóng góp của nhân dân, thể hiện lòng yêu nước đồng thời sự kiện này có ý nghĩa chính trị sâu sắc, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Tuần lễ vàng sẽ chứng tỏ cho đồng bào toàn quốc và cho toàn thế giới biết rằng trong lúc chiến sĩ Việt Minh trên các mặt trận quyết hi sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ vững nền độc lập tự do của nước nhà, thì đồng bào ở địa phương, nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hi sinh chút vàng để phụng sự Tổ Quốc.

- Các HS khác lắng nghe ý kiến, nhận xét và bổ sung câu trả lời của bạn.

Bằng việc trả lời các câu hỏi như vậy, nội dung kiến thức dần hé mở, HS tự khai thác mọi góc cạnh của kiến thức thể hiện qua tài liệu lịch sử, đồng thời làm rõ trọng tâm kiến thức và tự mình rút ra kết luận cần thiết. Quá trình HS nghiên cứu TLTK như vậy sẽ giúp các em khắc sâu kiến thức, phát triển kỹ năng tư duy, rèn luyện kỹ năng đọc sách, TLTK.

Một phần của tài liệu Một số biện pháp phát triển kỹ năng tự học cho học sinh qua sử dụng tài liệu tham khảo trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông (Trang 69 - 72)