Chu chuyển các nguồn vốn trong nền kinh tế

Một phần của tài liệu những vấn đề cơ bản về tiền tệ (Trang 25 - 27)

- Các tổ chức tài chính trung gian đảm nhận những hoạt động trung gian như:

a. Chu chuyển các nguồn vốn trong nền kinh tế

Vai trò quan trọng nhất của các tổ chức tài chính trung gian là chu chuyển nguồn lực tài chính từ nơi thừa đến nơi thiếu. Trong bối cảnh hội nhập, các tổ chức tài chính trung gian không chỉ là kênh chuyển tải nguồn lực tài chính từ các chủ thể thừa vốn đến các chủ thể thiếu vốn trong nước mà còn là kênh chuyển tải nguồn lực tài chính từ những nhà đầu tư quốc tế đến những người đi vay quốc tế.

Trong nền kinh tế thị trường, các tổ chức tài chính trung gian có thể huy động các nguồn tiền thông qua các kênh sau đây:

- Kênh huy động vốn đầu tư ở trong nước:

+ Huy động vốn đầu tư trong nước thông qua các dịch vụ đầu ra: Các tổ chức tài chính trung gian khai thác các nguồn vốn tiết kiệm trong xã hội thông qua việc triển khai các dịch vụ đầu ra mà chủ yếu là phát hành các sản phẩm tài chính như kỳ phiếu, các chứng chỉ tiền gửi tiết kiệm, hợp đồng bảo hiểm,… với nhiều kỳ hạn khác nhau.

Trong nền kinh tế thị trường, tiết kiệm của khu vực dân cư giữ vị trí rất quan trọng trong hệ thống tài chính. Các tầng lớp dân cư có thể lựa chọn các kênh đầu tư như đầu tư qua các tổ chức tài chính trung gian, mua chứng khoán trên thị trường chứng khoán, trực tiếp đầu tư vào hoạt động kinh doanh,… Mỗi kênh đầu tư đều có những ưu và nhược điểm nhất định. Kênh đầu tư qua các tổ chức tài chính trung gian có ưu điểm nổi bật là: Chi phí giao dịch thấp, độ an toàn cao, rủi ro ít, các tổ chức tài chính trung gian tỏ ra có ưu thế trong quá trình đánh giá và chọn lựa đầu tư vốn. Tuy nhiên, nếu như môi trường kinh tế vĩ mô không ổn định, thị trường tài chính và các công cụ tài chính yếu kém thì các tổ chức tài chính trung gian khó mà phối hợp và chuyển tải nhanh chóng nguồn vốn tiết kiệm của khu vực dân cư cho các tổ chức và cá nhân cần vốn.

+ Huy động vốn đầu tư qua thị trường vốn trong nước

Với sự chuyên môn hóa về mua bán các loại chứng khoán, thị trường chứng khoán được xem như một cơ sở hạ tầng tài chính để các tổ chức tài chính trung gian thực hiện chính sách huy động vốn của các nhà đầu tư thông qua việc phát hành các loại chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu,… trên thị trường chứng khoán.

- Kênh huy động vốn đầu tư từ nước ngoài:

Các tổ chức tài chính trung gian huy động vốn đầu tư nước ngoài qua các hình thức:

+ Tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để thực hiện cho vay theo các chương trình tín dụng chỉ định của các nhà tài trợ nước ngoài. Nguồn vốn ODA có ưu điểm là chi phí sử dụng thấp và quy mô vốn lớn nhưng lại có nhược điểm là bên tiếp nhận nguồn vốn này phải chấp nhận những điều kiện và ràng buộc khắt khe về thủ tục chuyển giao vốn. Mỗi tổ chức tài trợ đều có những phương cách và thông lệ riêng trong việc cung cấp ODA nhằm đạt được những mục tiêu riêng biệt của họ. Thực tế cho thấy, việc khai thác nguồn vốn này đã mang lại những hệ quả tốt lẫn xấu trong việc tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn này.

+ Huy động vốn đầu tư qua thị trường vốn quốc tế

Ưu điểm của kênh này là mở ra cho các tổ chức tài chính trung gian trong nước một thị trường huy động vốn rộng lớn. Thế nhưng, việc tìm kiếm vốn trên thị trường tài chính quốc tế vẫn có nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là các tiêu chuẩn tín nhiệm chặt chẽ đặt ra đối với các chứng khoán để được chấp nhận giao dịch tại các thị trường tài chính quốc tế. Việc phát hành trái phiếu quốc tế đòi hỏi các tổ chức tài chính trung gian phải tuân thủ các thông lệ quốc tế, những thủ tục này rất phức tạp, gây ra nhiều trở ngại trong việc tiếp cận kênh huy động này.

Trong xu thế tự do hóa tài chính, thị trường chứng khoán sẽ mở ra nhiều cơ hội để cho các định chế tài chính trung gian trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài giao lưu vốn với nhau trên thị trường chứng khoán. Tuy vậy, kênh huy động vốn này luôn chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn, gây bất ổn cho các tổ chức tài chính trung gian. Cũng chính ở đây, nếu giá cả chứng khoán do những hoạt động đầu cơ đẩy lên cao thì tạo nên kinh tế ảo hoặc bong bóng rất nguy hiểm và làn sóng khủng hoảng tài chính - tiền tệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trên cơ sở huy động được các nguồn tài chính từ các tổ chức và các cá nhân trong nền kinh tế, các tổ chức trung gian tài chính sẽ chuyển nguồn vốn này đến những nơi cần vốn thông qua các hình thức cho vay, chiết khấu các giấy tờ có giá, bảo lãnh, cho thuê tài chính, cung cấp các dịch vụ tài chính, các hoạt động đầu tư,... Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả của các nguồn vốn trong nền kinh tế.

Như vậy, các tổ chức tài chính trung gian chính là cầu nối trung gian giữa những người có nhu cầu sử dụng tạm thời các nguồn tài chính với những người có khả năng cung ứng chúng.

Một phần của tài liệu những vấn đề cơ bản về tiền tệ (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(64 trang)
w