- Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật: nhận uỷ thác và làm đại lý trong lĩnh vực
b. Chức năng trung gian thanh toán
Ngân hàng thương mại thực hiện chức năng trung gian thanh toán khi nó thực hiện các yêu cầu thanh toán của khách hàng. Khi thực hiện chức năng này, thông thường các ngân hàng thương mại trích một khoản tiền trong tài khoản tiền gửi để thanh toán tiền hàng hoặc nhập vào một khoản tiền gửi của khách hàng từ bán hàng hoá hoặc các khoản thu khác theo lệnh của họ.
Thực hiện chức năng trung gian thanh toán, ngân hàng thương mại trở thành thủ quỹ cho khách hàng. Trên thực tế, khi việc thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt giữa các chủ thể trong nền kinh tế gặp nhiều hạn chế và rủi ro cao, đã tạo nên nhu cầu và gia tăng khối lượng thanh toán qua ngân hàng.
Chức năng trung gian thanh toán được thể hiện qua sơ đồ sau: Người trả tiền Yêu cầu thanh toán Ngân hàng thương mại Kết quả thanh toán Người thụ hưởng
Khi thực hiện chức năng trung gian thanh toán, ngân hàng thương mại thường thực hiện các nghiệp vụ cơ bản sau:
- Mở tài khoản tiền gửi giao dịch cho khách hàng: các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đều có quyền mở tài khoản giao dịch tại bất kỳ một ngân hàng thương mại nào mà họ cho là thuận tiện. Các ngân hàng thương mại có nghĩa vụ đáp ứng nhu cầu mở tài khoản giao dịch cho khách hàng khi họ đáp ứng các yêu cầu theo quy định về việc mở và sử dụng tài khoản giao dịch tại ngân hàng. Chức năng trung gian thanh toán của ngân hàng thương mại chỉ được thực hiện khi các khách hàng tham gia có tài khoản giao dịch tại ngân hàng. Do vậy, thủ tục mở tài khoản phải chặt chẽ nhưng đơn giản, đảm bảo bí mật, an toàn cho khách hàng.
- Quản lý và cung cấp các phương tiện thanh toán cho khách hàng: thanh toán qua ngân hàng là phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, nó được thực hiện thông qua việc phản ánh trên sổ sách ngân hàng. Do đó, các chứng từ dùng làm căn cứ hạch toán vào sổ sách phải chuẩn xác do ngân hàng cung cấp và kiểm soát, có như vậy mới đảm bảo cho quá trình thanh toán được nhanh chóng, an toàn và chính xác. Vì vậy, ngân hàng thiết kế và cung cấp cho khách hàng các phương tiện thanh toán khác nhau như: giấy chuyển tiền, uỷ nhiệm chi, séc, thư tín dụng,… Những phương tiện này vừa phải đáp ứng yêu cầu quản lý và kiểm soát chặt chẽ, đồng thời vừa phải đáp ứng yêu cầu linh hoạt, tiện lợi và dễ sử dụng.
- Tổ chức và kiểm soát quy trình thanh toán giữa các khách hàng: Để đảm bảo yêu cầu thanh toán nhanh chóng, an toàn, chính xác và tiện lợi, ngân hàng phải tổ chức và kiểm soát quy
trình thanh toán giữa các khách hàng. Tuỳ theo từng phương thức thanh toán sẽ có những quy trình khác nhau, khách hàng cảm nhận được những tiện ích và ưu điểm của từng phương thức để lựa chọn cho từng giao dịch thanh toán thích hợp.
Những dịch vụ thanh toán của ngân hàng thương mại ngày càng được ưa chuộng vì nó đem lại sự thuận tiện, nhanh chóng, an toàn và tiết kiệm chi phí cho các chủ thể trong nền kinh tế.
Việc các ngân hàng thực hiện chức năng trung gian thanh toán có ý nghĩa rất to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế, cụ thể:
Đối với khách hàng của ngân hàng thương mại, nhờ các công cụ thanh toán do NHTM phát hành ngày càng đa dạng (séc, thẻ thanh toán, ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi...) mà khách hàng có thể lựa chọn được một phương tiện thanh toán thích hợp, hạn chế được những rủi ro do việc nắm giữ và thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt và mang lại nhiều tiện ích khác.
Đối với ngân hàng thương mại, khi thực hiện chức năng này sẽ tạo điều kiện tăng thêm thu nhập từ cung cấp dịch vụ thanh toán vừa huy động thêm nguồn vốn để cho vay (số dư tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng).
Đối với nền kinh tế, nhờ thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng đã giảm được lượng tiền mặt trong lưu thông, tiết kiệm chi phí lưu thông tiền mặt như in ấn, tiếp nhận và bảo quản tiền mặt, qua đó góp phần giảm chi phí cho xã hội. Đồng thời ngân hàng thương mại góp phần giám sát kỷ luật tài chính, giữ gìn kỷ cương kinh tế - tài chính trong toàn xã hội.