- Các nguồn vốn khác: Vốn tài trợ, vốn đầu tư phát triển, vốn ủy thác đầu tư để cho vay
b. Mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia
Mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ quốc gia là tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và kiểm soát lạm phát, các mục tiêu cụ thể là:
- Phát triển kinh tế, gia tăng sản lượng:
Sự tác động vào quá trình phát triển kinh tế, gia tăng sản lượng do nhiều yếu tố khác nhau và rất phức tạp. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, muốn kinh tế tăng trưởng thì nhất thiết phải thực hiện tái sản xuất mở rộng trên cơ sở khai thác triệt để các nguồn vốn tiềm năng trong và ngoài nước. Trong việc thực hiện mục tiêu này, vai trò của NHTW rất quan trọng. Với chức năng là trung tâm tín dụng, dưới sự chỉ đạo của NHTW thông qua chính sách tiền tệ, các ngân hàng huy động sẽ huy động một cách triệt để các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội, trên cơ sở đó phân phối lại cho các chủ thể cần vốn để phát triển kinh tế.
- Tạo công ăn việc làm:
Trong nền kinh tế thị trường, khi sức lao động trở thành hàng hoá thì hiện tượng thất nghiệp là một hiện tượng tất yếu xảy ra. Do vậy, tạo công ăn việc làm là một yêu cầu bức thiết và thường trực của các quốc gia
Việc làm nhiều hay ít, tăng hay giảm, nói chung chủ yếu phụ thuộc vào tình hình tăng trưởng kinh tế. Khi nền kinh tế được mở rộng và phát triển thì việc làm được tạo ra nhiều hơn, thất nghiệp giảm, và ngược lại. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, khi tăng trưởng kinh tế đạt được do kết quả của cải tiến kỹ thuật thì việc làm có thể không tăng mà thậm chí còn giảm. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu này, NHTW phải vận dụng các công cụ của mình góp phần tăng cường đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Những phân tích trên cho thấy vai trò của NHTW trong việc thực hiện mục tiêu này là phải vận dụng các công cụ của mình góp phần tăng cường đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Mặt khác, phải tham gia tích cực vào việc chống suy thoái kinh tế, tạo ra sự tăng trưởng kinh tế ổn định, vững chắc, nhằm mục đích khống chế tỷ lệ thất nghiệp không vượt quá tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên, gia tăng khối lượng công ăn việc làm.
- Kiểm soát lạm phát:
Trong điều kiện lưu thông tiền vàng hoặc tiền giấy tự do chuyển đổi ra vàng, thì khối lượng tiền thực tế sẽ phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế một cách tự phát thông qua cơ chế tự do đúc và đổi tiền. Ngày nay, thời đại của chế độ lưu thông tiền giấy bất khả hoán, lạm phát là một hiện tượng tất yếu xảy ra. Một nền kinh tế chỉ có thể tăng trưởng được trong một môi trường ổn định về tiền tệ - giá cả. Trong điều kiện đó, NHTW phải luôn coi việc kiểm soát lạm phát là một trong những mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia.
Thường thì lạm phát vừa phải là mục tiêu phấn đấu của các NHTW trong vấn đề kiểm soát lạm phát. Vì theo kết quả nghiên cứu được công bố năm 1960 của nhà kinh tế học người Mỹ, tên là A.W Philips, thì lạm phát và thất nghiệp tỷ lệ nghịch với nhau. Cụ thể, cứ giảm 1% tỷ lệ lạm phát thì tỷ lệ thất nghiệp tăng 2%. Mặt khác, mức lạm phát quá thấp thì nền kinh tế dễ rơi vào tình trạng suy thoái. Mà tăng trưởng kinh tế, khống chế tỷ lệ thất nghiệp và kiềm chế lạm phát đều là các mục tiêu cần đạt đến của chính sách tiền tệ quốc gia.
Rõ ràng, sự phối hợp ba mục tiêu này là rất quan trọng. Bởi vì không phải cùng một lúc cả ba mục tiêu đó đều có thể thực hiện được mà không có sự mâu thuẫn với nhau. Do vậy, khi đặt các mục tiêu cho chính sách tiền tệ quốc gia cần phải có sự dung hoà. Cụ thể là phải tuỳ lúc, tuỳ thời, tuỳ điều kiện cụ thể mà sắp xếp thứ tự ưu tiên. Muốn vậy, NHTW phải luôn nắm bắt được thực tế diễn biến của quá trình thực hiện các mục tiêu, nhằm điều chỉnh chúng khi có sự thay đổi bằng những giải pháp thích hợp.
4.3.3.2. Các công cụ để thực thi Chính sách tiền tệ quốc gia
Công cụ chính sách tiền tệ quốc gia là các hoạt động của NHTW nhằm tác động đến cung tiền và lãi suất, qua đó nhằm đạt được các mục tiêu của chính sách tiền tệ. NHTW sử dụng hai nhóm công cụ chính sách tiền tệ đó là: nhóm công cụ gián tiếp (thị trường) và nhóm công cụ trực tiếp (hành chính).