- Các nguồn vốn khác: Vốn tài trợ, vốn đầu tư phát triển, vốn ủy thác đầu tư để cho vay
b. Sử dụng vốn (cho vay và đầu tư)
* Hoạt động cho vay: Là hoạt động sinh lợi chủ yếu của NHTM, thực chất đây là quá trình
ngân hàng cho các tổ chức và cá nhân vay theo các hình thức khác nhau, bao gồm:
- Cho vay ứng trước: Là hình thức cho vay trong đó NHTM cung cấp cho người đi vay một
khoản tiền nhất định để sử dụng trước. Người đi vay chỉ phải trả lãi vào lúc hoàn trả vốn gốc. Cho vay ứng trước có hai loại:
+ Cho vay ứng trước có bảo đảm, bao gồm:
Cho vay bảo đảm bằng các động sản như hàng hóa, tài sản hay chứng từ (cho vay cầm cố): là hình thức cho vay trên cơ sở cầm cố tại ngân hàng các tài sản, có thể là hiện vật như vật tư hàng hóa hoặc các giấy tờ sở hữu hàng hóa, các chứng từ thanh toán, chứng từ có giá, ... số tiền cho vay bằng một tỷ lệ phần trăm của giá trị tài sản cầm cố, tỷ lệ này cao hay thấp là tùy vào quan hệ của ngân hàng và khách hàng, vào uy tín của khách hàng. Ngân hàng sẽ quản lý tài sản cầm cố trong suốt thời hạn vay và chỉ hoàn lại khi thu đủ nợ cả gốc và lãi. Trong trường hợp người đi vay không có khả năng trả nợ khi đến hạn, ngân hàng có quyền bán tài sản cầm cố để thu nợ.
Cho vay bảo đảm bằng bất động sản như đất đai, nhà cửa (cho vay thế chấp): Là hình thức cho vay trên cơ sở nắm giữ các giấy tờ chứng thực quyền sở hữu hợp pháp về bất động sản đem thế chấp. Cho vay thế chấp khác với cho vay cầm cố ở chỗ trong thời hạn vay người đi vay vẫn được quyền sử dụng tài sản thế chấp, ngân hàng chỉ nắm giữ giấy tờ gốc.
Cho vay bảo đảm bằng sự bảo lãnh của bên thứ ba (cho vay có bảo lãnh): Bên bảo lãnh lập hồ sơ bảo lãnh tại ngân hàng và cam kết hoàn trả nợ nếu bên đi vay không có khả năng thanh toán. Ngân hàng cũng có thể đề nghị bên bảo lãnh phải có tài sản cầm cố hoặc thế chấp tại ngân hàng.
+ Cho vay ứng trước không có đảm bảo: Là hình thức cho vay chỉ dựa vào uy tín của khách hàng đối với ngân hàng mà không cần có tài sản thế chấp, cầm cố hoặc sự bảo lãnh của bên thứ ba. Do vậy, hình thức này còn được gọi là cho vay tín chấp. Hình thức này thường chỉ được áp dụng với các khách hàng có uy tín, có quan hệ thường xuyên với ngân hàng.
- Cho vay theo hạn mức tín dụng: Là hình thức cho vay trong đó việc cho vay và thu nợ
được thực hiện phù hợp với quá trình luân chuyển vật tư hàng hóa của người vay, với điều kiện mức dư nợ tại bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đã ký kết không được phép vượt quá hạn mức tín dụng đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Theo hình thức này, khi chấp nhận cho vay, ngân hàng và khách hàng sẽ ký hợp đồng tín dụng theo kỳ (thường là quý), trong đó thể hiện một số nội dung cơ bản sau: hạn mức tín dụng; số vòng quay vốn vay; tổng doanh số trả nợ trong quý. Sau khi ký hợp đồng tín dụng, khách hàng có thể vay làm nhiều lần nhưng đồng thời khi có tiền thu bán hàng, người vay phải nộp toàn bộ vào tài khoản tiền vay để đảm bảo doanh số trả nợ và vòng quay vốn tín dụng, phần còn lại chuyển về tài khoản tiền gửi để sử dụng. Lãi vay thường được ngân hàng tính và thu vào ngày cuối của tháng. Hình thức cho vay này thường được áp dụng với các khách hàng có nhu cầu vay vốn thường xuyên.
- Cho vay thấu chi: Là hình thức cấp tín dụng ứng trước đặc biệt, trong đó ngân hàng cho
phép khách hàng chi vượt quá số dư trên tài khoản tiền gửi thanh toán trong một hạn mức và một khoảng thời gian nhất định trên cơ sở hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng. Khác với cho vay ứng trước, mức tín dụng thỏa thuận cho vay thấu chi chưa phải là khoản tiền mà ngân hàng cho vay mà chỉ khi nào khách hàng sử dụng (chi vượt số dư) thì mới được coi là số tiền cho vay được cấp phát và bắt đầu tính tiền lãi. Hình thức này thường áp dụng cho những khách hàng có khả năng tài chính mạnh và có uy tín.
- Cho vay chiết khấu chứng từ: Là hình thức cho vay ngắn hạn được thực hiện trên cơ sở các
chứng từ có giá với đặc điểm là toàn bộ lãi tiền vay được thanh toán ngay tại thời điểm cấp vốn. Các chứng từ có giá bao gồm: các loại tín phiếu, kỳ phiếu, trái phiếu do Kho bạc Nhà nước, NHTW, NHTM và các tổ chức tài chính phát hành; các loại sổ tiết kiệm có kỳ hạn, các chứng chỉ tiền gửi; bộ chứng từ thanh toán, ...
Các chứng từ trên được chấp nhận chiết khấu nếu thỏa mãn các điều kiện sau: được phát hành hợp pháp;phải được bảo toàn mệnh giá và có khả năng chuyển nhượng; không bị tẩy xóa; còn trong hạn thanh toán (chưa đáo hạn)
Thông thường, NHTM và người sở hữu chứng từ có thể thỏa thuận lựa chọn các phương thức chiết khấu sau:
+ Chiết khấu toàn thời gian còn lại của chứng từ có giá: Là phương thức mua hẳn giấy tờ có giá theo giá chiết khấu và khách hàng chuyển giao ngay quyền sở hữu giấy tờ có giá đó cho ngân hàng. Khi đến hạn thanh toán, ngân hàng có toàn quyền thanh toán với người phát hành.
+ Chiết khấu có thời hạn: Là phương thức mua các chứng từ có giá theo thời hạn và giá chiết khấu, đồng thời kèm theo cam kết của khách hàng về việc mua lại chứng từ có giá đó vào ngày hết hạn chiết khấu. Nếu hết hạn chiết khấu mà khách hàng không thực hiện cam kết mua lại chứng từ có giá thì ngân hàng là chủ sở hữu hợp pháp và hưởng toàn bộ quyền lợi phát sinh từ các chứng từ có giá đó.
Các nguyên tắc cho vay:
- Vốn vay phải được hoàn trả đúng hạn cả gốc và lãi: Ngân hàng là người đi vay rồi cho
vay lại. Khi đi vay, ngân hàng bị cam kết những ràng buộc nhất định nên khi cho vay ngân hàng cũng phải có những cam kết nhất định để đảm bảo khả năng thanh toán cho ngân hàng. Nếu nguyên tắc này được tôn trọng thì vốn được lưu thông từ nơi thừa đến nơi thiếu. Nếu không thì vốn lưu thông sẽ không thông suốt.
Người đi vay phải hoàn trả vốn vay cho ngân hàng đúng hạn cả gốc và lãi vì: Ngân hàng là doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ nên ngân hàng sẽ đặt ra nguyên tắc bảo toàn vốn, nợ cho vay phải thu hồi đủ gốc, lãi là chi phí sử dụng vốn của người đi vay đồng thời là thu nhập của ngân hàng để trang trải các chi phí hoạt động của ngân hàng và đảm bảo cho ngân hàng có lợi nhuận.
Trong kinh doanh, ngân hàng phải ngăn ngừa, đề phòng rủi ro tín dụng là người đi vay không có khả năng trả nợ cho ngân hàng. Muốn vậy, ngân hàng phải kiểm soát quá trình vận động của vốn để có biện pháp thu hồi vốn và đưa ra các điều kiện.
- Để đề phòng rủi ro, ngân hàng không dồn vốn cho số ít khách hàng vay.
Ở Việt Nam, theo nội dung của QĐ 457/ QĐ - NHNN ngày 19/4/2005 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước, các tỷ lệ này như sau:
+ Đối với ngân hàng, tổ chức tín dụng trong nước: Tỷ lệ dư nợ cho vay đối với một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng, đối với nhóm khách hàng là không vượt quá 50% vốn tự có của ngân hàng.
+ Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Tỷ lệ dư nợ cho vay đối với một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng nước ngoài, đối với nhóm khách hàng là không vượt quá 50% vốn tự có của ngân hàng nước ngoài.
* Hoạt động đầu tư: Là nghiệp vụ dùng vốn của mình mua các loại chứng khoán hoặc góp
vốn đầu tư theo dự án. Bộ phận vốn được NHTM sử dụng trong hoạt động đầu tư phải có tính ổn định cao, chủ yếu là vốn tự có.