- Các nguồn vốn khác: Vốn tài trợ, vốn đầu tư phát triển, vốn ủy thác đầu tư để cho vay
a. Độc quyền phát hành giấy bạc ngân hàng và tiền kim loại đồng thời điều tiết khối lượng tiền trong lưu thông
lượng tiền trong lưu thông
NHTW là tổ chức độc quyền phát hành giấy bạc ngân hàng và tiền kim loại theo các quy định của pháp luật hoặc theo sự phê duyệt của Chính phủ (về lượng tiền phát hành, loại tiền, các loại mệnh giá). Khối lượng tiền mà NHTW cung ứng cho lưu thông ảnh hưởng trực tiếp đến tổng phương tiện thanh toán cho xã hội và do đó có ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, việc xác định đúng số lượng tiền cần phát hành, thời điểm và phương thức phát hành có vai trò vô cùng quan trọng để đảm bảo ổn định tiền tệ và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau thì các nguyên tắc phát hành tiền cũng không giống nhau.
Trước thập niên 30 của thế kỷ XX, phần lớn các nước đều thực hiện chế độ lưu thông tiền giấy khả hoán (tiền giấy có thể tự do đổi ra vàng theo tiêu chuẩn giá cả của nó). Do vậy việc phát hành tiền giấy trong giai đoạn này bị ràng buộc chặt chẽ vào số lượng vàng đang có tại ngân hàng. Cơ chế này đã tự động điều chỉnh lưu lượng tiền giấy trong lưu thông. Lúc đầu số lượng tiền giấy lưu hành được đảm bảo bằng 100% lượng vàng dự trữ tại ngân hàng. Dần dần, việc sử dụng tiền giấy trở nên quen thuộc nên tiền giấy phát hành vào lưu thông có thể vượt lượng vàng dự trữ nhưng vẫn nằm trong một tỷ lệ khống chế nhất định của Nhà nước.
Thời kỳ này, lưu thông tiền tệ đã trải qua 2 chế độ dự trữ vàng:
- Chế độ dự trữ vàng cố định: mức dự trữ vàng so với giấy bạc ngân hàng phát hành vào lưu thông theo tỉ lệ 1/1. Điển hình là Anh.
- Chế độ dự trữ vàng linh hoạt: lượng vàng dự trữ của ngân hàng phát hành bằng một tỷ lệ nhất định so với lượng giấy bạc được phát hành vào lưu thông, thường từ 25% - 40%. Ví dụ Thụy Sĩ quy định tỷ lệ dự trữ vàng là 40%.
Từ thập niên 30 của thế kỉ XX trở đi, phần lớn các nước đã lần lượt cắt đứt mối quan hệ giữa tiền giấy với vàng. NHTW đảm nhận chức năng phát hành tiền trên một cơ sở rộng rãi hơn, đó là dựa vào nhu cầu thực tế của nền kinh tế và trực tiếp là phát hành tiền có bảo đảm bằng giá trị hàng hoá thông qua cơ chế tín dụng. Đây là cơ sở của việc phát hành tiền tệ ngày nay.
Theo chế độ này, việc phát hành tiền của NHTW được thực hiện trên cơ sở tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng phát hành tiền vào lưu thông theo nhu cầu tiền tệ phát sinh do tăng trưởng kinh tế đòi hỏi, thông qua cơ chế tín dụng ngắn hạn và được đảm bảo bằng giá trị hàng hoá thể hiện trên kỳ phiếu thương mại và các chứng từ nợ khác. Vì vậy, tiền phát hành vào lưu thông được đảm bảo bằng khối lượng
hàng hoá, dịch vụ; làm cho tổng khối lượng tiền tệ phù hợp với tổng giá trị hàng hoá và dịch vụ trên thị trường. Mặt khác, việc phát hành tiền thông qua cơ chế tín dụng còn giúp ngân hàng xác định được thời hạn tiền quay trở về nơi phát hành, ngăn chặn hiện tượng lạm phát, đồng thời tạo điều kiện cho NHTW thực hiện việc kiểm soát khối lượng tiền tệ cung ứng theo nhu cầu của mục tiêu ổn định tiền tệ. Tuy nhiên trên thực tế, không có sự bảo đảm chắc chắn rằng lúc nào việc phát hành tiền cũng được dựa trên cơ sở hàng hoá thực có trong lưu thông. Nếu việc phát hành tiền được dựa trên cơ sở các chứng từ thương mại khống sẽ làm khối lượng tiền phát hành lớn hơn khối lượng hàng hoá có trong lưu thông gây nên hiện tượng lạm phát trong nền kinh tế.
Khi đưa tiền vào lưu thông, các chủ thể có thể phát hành các loại tiền: giấy bạc ngân hàng, tiền đúc bằng kim loại, bút tệ và các chứng khoán có tính thanh khoản cao. Tuy nhiên, lượng giấy bạc ngân hàng luôn là loại tiền cơ bản nhất. Do đó để đáp ứng nhu cầu lưu thông tiền mặt, NHTW thường phải in hoặc đúc sẵn một số lượng tiền tệ nhất định để dữ trữ. Thông thường, khối lượng tiền dự trữ này gồm những loại tiền có hình dáng, kích cỡ, màu sắc, mệnh giá,... hoàn toàn giống tiền đang lưu hành (thường chỉ khác số sêri, năm in ấn,...). Loại dự trữ này dùng để thay thế những đồng tiền trong lưu thông bị rách nát, dơ bẩn. Trong trường hợp tiền đang lưu hành có triệu chứng mất giá nghiêm trọng hoặc bị làm giả cần phải thay thế bằng tiền mới thì khối lượng tiền dự trữ còn có thể bao gồm những loại tiền có hình dáng, kích cỡ, hoa văn, màu sắc, mệnh giá,... khác những đồng tiền đang lưu hành.
Tuy giấy bạc ngân hàng không phải là thành phần duy nhất cũng chưa hẳn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng tiền cung ứng nhưng lại là yếu tố chi phối quyết định đến các thành phần tiền khác của các khối tiền. Cụ thể, các NHTM không thể tạo tiền nếu không có giấy bạc ngân hàng từ NHTW. Những phương tiện chuyển tải giá trị do Nhà nước và các doanh nghiệp phát hành thì tính thanh khoản thấp hơn so với giấy bạc ngân hàng. Mặt khác, với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán và hoạt động ngân hàng, NHTW nắm trong tay các công cụ thực thi chính sách tiền tệ, qua đó có thể điều tiết khả năng cung ứng của các chủ thể khác. Bởi thế, hoạt động cung ứng tiền của NHTW tác động một cách trực tiếp đến độ tăng, giảm của tổng cung tiền tệ trong nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng đến cả sản xuất và tiêu dùng.
Trong điều kiện lưu thông tiền khả hoán thì khối lượng tiền trên thực tế sẽ phù hợp với nhu cầu của lưu thông hàng hóa một cách tự phát thông qua cơ chế đúc và đổi tiền tự do. Ngày nay, thời đại của lưu thông tiền giấy bất khả hoán, bản thân tiền giấy không thể tự điều tiết được giữa chức năng phương tiện trao đổi và thanh toán với chức năng phương tiện cất trữ giá trị. Do đó, việc phát hành giấy bạc ngân hàng của NHTW phải đảm bảo phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế cả về số lượng lẫn cơ cấu cũng như yêu cầu quản lý vĩ mô. Đồng thời, NHTW cần phải kiểm soát toàn bộ khối lượng tiền cung ứng, tổ chức công tác điều hòa lưu thông tiền tệ, kiểm soát quá trình tạo tiền của các NHTM nhằm vừa đảm bảo đủ phương tiện trao đổi và thanh toán, vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát trên cơ sở các căn cứ như: tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, tỷ lệ lạm phát, tình trạng của cán cân thanh toán quốc tế, thực trạng thu chi ngân sách Nhà nước, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng giai đoạn,...