- Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật: nhận uỷ thác và làm đại lý trong lĩnh vực
a. Chức năng trung gian tín dụng
Hoạt động chính của ngân hàng thương mại là đi vay để cho vay. Điều đó chứng tỏ rằng một trong các chức năng quan trọng của ngân hàng thương mại là làm trung gian tín dụng. Ngân hàng thương mại thực hiện chức năng trung gian tín dụng khi nó đóng vai trò là cầu nối giữa những người có vốn dư thừa (người cho vay) và những người có nhu cầu về vốn (người đi vay).
Thông qua việc huy động, khai thác các khoản vốn tiền tệ tạm thời nhàn rỗi trong nền kinh tế, ngân hàng hình thành nên quỹ cho vay để cấp tín dụng cho nền kinh tế. Với chức năng này ngân hàng thương mại vừa đóng vai trò là người đi vay, vừa đóng vai trò là người cho vay.
Chức năng trung gian tín dụng của ngân hàng được mô tả qua sơ đồ sau:
Chủ thể cung vốn - Hộ gia đình, cá nhân - Các tổ chức xã hội - Các tổ chức kinh tế - Nhà nước Huy động vốn Ngân hàng thương mại Cho vay Chủ thể cầu vốn - Các tổ chức kinh tế - Nhà nước - Các tổ chức xã hội - Hộ gia đình, cá nhân
Thứ nhất, với tư cách là người đi vay, ngân hàng thương mại huy động các nguồn vốn từ các chủ thể tiết kiệm, có vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế thông qua các nghiệp vụ:
+ Nhận tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm của các tổ chức, cá nhân. + Phát hành kỳ phiếu, trái phiếu ngân hàng để huy động vốn trong xã hội.
+ Vay vốn của ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính khác
Thứ hai, với tư cách là người cho vay, ngân hàng thương mại cấp tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho các chủ thể trong nền kinh tế xã hội thông qua các nghiệp:
+ Cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn + Chiết khấu chứng từ có giá
Với chức năng trung gian tín dụng, ngân hàng thương mại đã góp phần tạo lợi ích cho tất cả các bên tham gia, bao gồm: Người gửi tiền, người vay tiền và bản thân ngân hàng thương mại, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Đối với người có vốn nhàn rỗi (người gửi tiền), họ thu lợi từ khoản tiền tạm thời nhàn rỗi của mình dưới hình thức lãi tiền gửi mà ngân hàng trả cho họ. Hơn nữa ngân hàng còn đảm bảo cho sự an toàn về khoản tiền đó và cung cấp các dịch vụ thanh toán tiện lợi.
Đối với người đi vay, họ sẽ thỏa mãn được nhu cầu vốn để kinh doanh, đáp ứng nhu cầu chi tiêu, thanh toán mà không phải chi phí nhiều cho việc tìm kiếm nơi cung úng vốn tiện lợi, chắc chắn và hợp pháp.
Đối với ngân hàng thương mại, họ sẽ tìm kiếm được lợi nhuận từ chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Lợi nhuận này chính là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của ngân hàng thương mại.
Đối với nền kinh tế, thông qua chức năng này ngân hàng thương mại đã góp phần bổ sung thêm một kênh điều chuyển các nguồn vốn cho nền kinh tế, làm phong phú thêm hệ thống các kênh dẫn vốn, phục vụ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Chức năng trung gian tín dụng được xem là chức năng quan trọng nhất của ngân hàng thương mại vì nó phản ánh bản chất của ngân hàng thương mại là đi vay để cho vay, nó quyết định sự tồn tại và phát triển của ngân hàng thương mại. Đồng thời chức năng trung tín dụng cũng là cơ sở để thực hiện các chức năng khác.