- Các nguồn vốn khác: Vốn tài trợ, vốn đầu tư phát triển, vốn ủy thác đầu tư để cho vay
a. Nhóm công cụ trực tiếp
Công cụ trực tiếp là công cụ mà thông qua chúng, NHTW có thể tác động trực tiếp đến các mục tiêu mà không phải qua một biến số trung gian nào khác. Các công cụ trực tiếp mà NHTW có thể sử dụng thường là:
* Ấn định lãi suất tiền gửi:
Nếu lãi suất tiền gửi cao sẽ thu hút được nhiều tiền gửi, làm gia tăng nguồn vốn để cho vay. Nếu lãi suất thấp, sẽ làm giảm tiền gửi, giảm khả năng mở rộng cung cấp tín dụng của các NHTM và các tổ chức tín dụng.
Khi NHTW thay đổi các mức ấn định lãi suất tiền gửi, các NHTM và các tổ chức tín dụng phải tuân thủ các mức lãi suất ấn định này, từ đó sẽ làm thay đổi khối lượng tiền tệ, tín dụng trong nền kinh tế. Việc thay đổi các mức ấn định lãi suất tiền gửi sẽ có tác động trực tiếp và nhanh chóng đến khối lượng tiền tệ và tín dụng của nền kinh tế, song nhược điểm của biện pháp này là làm cho các tổ chức tín dụng mất đi tính linh hoạt và quyền tự chủ kinh doanh, giảm khả năng cạnh tranh giữa các ngân hàng, dễ dẫn đến tình trạng ứ đọng vốn nhất thời ở ngân hàng nhưng lại thiếu vốn cho đầu tư hoặc có thể khuyến khích dân chúng dùng tiền vào dự trữ ngoại tệ, bất động sản trong khi ngân hàng hụt hẫng về tiền mặt cũng như nguồn vốn cho vay
* Ấn định khung lãi suất tiền gửi và cho vay hoặc lãi suất cơ bản
NHTW có thể tác động tới khối lượng tiền cung ứng bằng cách quy định và điều chỉnh khung lãi suất (giới hạn tối đa và tối thiểu) hoặc quy định điều chỉnh lãi suất cơ bản và biên độ dao động.
Biện pháp này giúp ngân hàng thương mại được quyền lựa chọn mức lãi suất tiền gửi hoặc lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện cụ thể của mình trong giới hạn khung lãi suất hay biên độ giao động của lãi suất cho phép để kinh doanh, nâng cao được tính độc lập, tự chủ của mỗi ngân hàng, mỗi tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong kinh tế thị trường, lãi suất rất nhạy cảm với đầu tư, nên nhiều khi khung lãi suất do NHTW quy định trở nên gò bó, cứng nhắc, không theo kịp những diễn biến của thị trường.
* Ấn định hạn mức tín dụng đối với các tổ chức tín dụng
Đây là biện pháp NHTW khống chế mức cho vay tối đa đối với NHTM và tổ chức tín dụng. Trên cơ sở quy mô, tình hình hoạt động cũng như khả năng huy động vốn của từng tổ chức tín dụng, NHTW tiến hành phân chia hạn mức tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, đó chính là mức tối đa mà mỗi ngân hàng, mỗi tổ chức tín dụng được phép vay từ NHTW. Việc sử dụng biện pháp này tạo cho NHTW dễ dàng đạt được mục tiêu kiểm soát khối lượng tiền cung ứng. Tuy nhiên trong nền kinh tế thị trường, với sự biến động thường xuyên của cung và cầu tiền vay, biện pháp này tỏ ra không còn linh hoạt phù hợp với sự biến động của nền kinh tế.
Bên cạnh việc quy định hạn mức tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, NHTW còn quy định hạn mức tín dụng đối với nền kinh tế. Trong trường hợp này NHTW có thể quy định giới hạn khối lượng tín dụng mà các tổ chức tín dụng được cung cấp cho nền kinh tế. Công cụ này được sử dụng để kiểm soát chặt chẽ sự mở rộng tín dụng khi mà NHTW thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.
* Phát hành tiền trực tiếp cho ngân sách và cho đầu tư
Khi ngân sách Nhà nước bị thiếu hụt, NHTW phát hành tiền để bù đắp sự thiếu hụt ấy. Biện pháp này làm gia tăng khối lượng tiền trong lưu thông và hậu quả là gia tăng lạm phát.
Vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội có thể được thực hiện thông qua con đường tín dụng ngân hàng. Việc NHTW phát hành tiền trực tiếp cho đầu tư là một biện pháp cần thiết trong điều kiện nền kinh tế suy thoái, dư thừa tiềm năng kinh tế và sẽ mang lại hiệu quả tích cực nếu việc phát hành tiền được sử dụng để khai thác tiềm năng về tài nguyên và con người.