Chức năng ngân hàng của các ngân hàng

Một phần của tài liệu những vấn đề cơ bản về tiền tệ (Trang 46 - 48)

- Các nguồn vốn khác: Vốn tài trợ, vốn đầu tư phát triển, vốn ủy thác đầu tư để cho vay

b. Chức năng ngân hàng của các ngân hàng

Khi nghiên cứu về quá trình ra đời của NHTW chúng ta thấy rằng: để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ - tín dụng - ngân hàng và thanh toán, NHTW đã từ bỏ các mối quan hệ tiền tệ - tín dụng - ngân hàng và thanh toán với công chúng, NHTW chỉ thực hiện chức năng ngân hàng đối với các NHTM và các tổ chức tín dụng khác, nghĩa là khách hàng của NHTW trong các quan hệ tiền tệ - tín dụng - ngân hàng và thanh toán là NHTM và các tổ chức tín dụng khác. Chức năng này của NHTW được thể hiện trên các khía cạnh sau:

* NHTW mở tài khoản và nhận tiền gửi của các ngân hàng trung gian

Ngày nay, tất cả các NHTM và các tổ chức tín dụng đều mở tài khoản tại NHTW vì hai lý do: thứ nhất điều này mang lại một phần lợi ích cho ngân hàng trung gian, thứ hai là vì pháp luật quy định bắt buộc. Tiền gửi của các NHTM và các tổ chức tín dụng gửi vào NHTW gồm hai loại:

- Tiền gửi dự trữ bắt buộc: khoản tiền gửi này được quy định bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng có huy động vốn tiền gửi của công chúng. Mức dự trữ bắt buộc cao hay thấp tuỳ thuộc vào quy định của NHTW trong từng thời kỳ cho phù hợp với chính sách tiền tệ. Mức dự trữ bắt buộc được tính theo tỷ lệ % trên từng loại tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn. Khoản tiền gửi này thường không được NHTW trả lãi (tuỳ theo từng quốc gia). Mục đích của việc bắt buộc dự trữ là để giới hạn mức tín dụng tối đa mà NHTM và các tổ chức tín dụngcó

thể cung cấp, tránh trường hợp các NHTM vì hám lợi, huy động được bao nhiêu cho vay bấy nhiêu dẫn đến mất khả năng thanh toán, phương hại đến quyền lợi của người gửi tiền nói riêng và đến nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên theo thời gian, ý nghĩa này giảm dần. Cùng với sự phát triển của thị trường tài chính và xu hướng chứng khoán hoá trong hoạt động ngân hàng, khả năng thanh khoản của các tài sản có do ngân hàng nắm giữ được cải thiện và do đó khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu tiền mặt của các ngân hàng tăng lên. Bên cạnh đó, các hình thức bảo hiểm tiền gửi ra đời đã giảm bớt khả năng xảy ra tình trạng rút tiền ồ ạt khi có thông tin bất thường về một ngân hàng. Vì vậy, tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngày càng giảm ở hầu khắp các quốc gia. Hơn nữa, việc tập trung tiền gửi dự trữ bắt buộc của các NHTM và các tổ chức tín dụng tại NHTW còn là một phương tiện để NHTW có thêm quyền lực điều khiển hệ thống ngân hàng, điều tiết lưu thông tiền tệ trong nền kinh tế.

Ngày nay, dự trữ bắt buộc được nói đến chủ yếu với tư cách là một công cụ của NHTW trong điều hành chính sách tiền tệ. Trên thực tế, các ngân hàng có thể duy trì mức dự trữ lớn hơn yêu cầu của NHTW, do điều kiện kinh doanh cụ thể của ngân hàng, do không cho vay hết hoặc không tìm kiếm được cơ hội đầu tư an toàn. Phần dự trữ này được gọi là dự trữ vượt mức và có thể gửi tại NHTW hoặc có thể để ở két sắt ngay tại NHTM và các tổ chức tín dụng. Sự tăng lên hay giảm xuống của lượng dự trữ vượt mức này phản ánh tình trạng thừa hay thiếu vốn khả dụng của hệ thống ngân hàng và là chỉ tiêu định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHTW.

- Tiền gửi trong thanh toán: ngoài tiền gửi dự trữ bắt buộc, các NHTM và các tổ chức tín dụng còn gửi thêm một khoản tiền gửi thanh toán tại NHTW với mục đích là để đáp ứng nhu cầu thanh toán thường xuyên giữa các ngân hàng với nhau và để điều chỉnh mức dự trữ bắt buộc khi cần. Tiền gửi loại này còn giúp cho NHTM và các tổ chức tín dụng khác có thể thực hiện thanh toán bù trừ qua NHTW. Mặt khác, việc NHTM và các tổ chức tín dụng mở tài khoản thanh toán tại NHTW còn giúp NHTW có thể tận dụng được nguồn vốn tạm thời dư thừa của họ để thực hiện các chức năng của mình.

* NHTW cấp tín dụng cho các NHTM và các tổ chức tín dụng

Như đã trình bày ở phần trước, NHTW phát hành tiền vào lưu thông bằng nghiệp vụ tái chiết khấu, tái cấp vốn. Thực chất, đây là hoạt động cho vay của NHTW đối với NHTM và các tổ chức tín dụng. Khi đó NHTW giữ vai trò chủ động trong vấn đề cho vay. Tuy nhiên, không phải lúc nào NHTW cũng có thể chủ động được trong việc cho vay, đó là khi cần phải cứu các NHTM và các tổ chức tín dụng thoát khỏi bờ vực của sự phá sản. Vì hoạt động chính của NHTM và các tổ chức tín dụng là đi vay để cho vay. Nhưng không phải lúc nào hoạt động của NHTM và các tổ chức tín dụng cũng thuận lợi. Những đợt rút tiền ồ ạt của dân chúng (vì những lý do như: lạm phát cao, dân chúng mất lòng tin vào hoạt động của hệ thống ngân hàng,..) rất dễ lan tràn và làm cho NHTM và các tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán. Trong những trường hợp này, NHTM và các tổ chức tín dụng không thể thu hồi kịp để chi trả, không còn chỗ vay mượn nào khác, các NHTM và các tổ chức tín dụng này tìm đến NHTW vay tiền như là một phương cách cuối cùng. NHTW sẽ cho các NHTM và các tổ chức tín dụng vay thông qua nghiệp vụ tái chiết khấu, tái cầm cố các chứng từ có giá. Về nguyên tắc, NHTW chỉ đóng vai trò là người cho vay cuối cùng đối với các NHTM các tổ chức tín dụng trong trường hợp này vì hai lý do cơ bản như sau:

- Việc NHTW cho NHTM vay là một hoạt động phát hành tiền

- Nếu NHTW dễ dãi trong việc cấp tín dụng cho các NHTM sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại, kết quả là mức độ rủi ro trong hoạt động ngân hàng tăng cao. Cụ thể, nếu một NHTM biết được NHTW sẽ cấp tín dụng cho họ khi gặp khó khăn, thì họ sẽ dám chấp nhận nhiều rủi ro hơn trong kinh doanh để thu được nhiều lợi nhuận vì tin rằng NHTW sẽ cứu nguy cho họ. Đặc biệt là những ngân hàng lớn, họ tin rằng sẽ nhận được tiền vay từ NHTW một cách thường xuyên khi gặp khó khăn vì chính sự phá sản của họ có thể gây nên sự khủng hoảng của hệ thống tài chính - ngân hàng. Rõ ràng đây là một điều nguy hiểm cho nền kinh tế. Bởi vậy, khi NHTW sử dụng công cụ tái cấp vốn để ngăn chặn những nguy cơ sụp đổ ngân hàng, thì cần phải cân nhắc hai mặt lợi hại vừa nêu trên. Cũng chính điều này giải thích tại sao NHTW rất thận trọng, không sử dụng thường xuyên vai trò người cho vay cuối cùng của mình.

Với tư cách là ngân hàng của các ngân hàng, NHTW luôn là chủ nợ và là người cho vay cuối cùng đối với các tổ chức tín dụng thông qua hoạt động tái cấp vốn. Nghiệp vụ này tạo cho NHTW thực hiện vai trò điều tiết khối lượng tiền cung ứng một cách có hiệu quả. Khi cần cung ứng thêm tiền vào lưu thông, NHTW tăng thêm hạn mức tái cấp vốn, giảm lãi suất tái cấp vốn đối

với các NHTM và các tổ chức tín dụng. Ngược lại, khi cần rút bớt tiền khỏi lưu thông, NHTW giảm hạn mức tái cấp vốn, tăng lãi suất tái cấp vốn đối với các NHTM và các tổ chức tín dụng.

* NHTW là trung tâm thanh toán cho hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng

Các NHTM và các tổ chức tín dụng khác đều mở tài khoản và ký gửi các khoản dự trữ bắt buộc và dự trữ vượt mức tại NHTW nên chúng có thể thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt qua NHTW thay vì thanh toán trực tiếp với nhau. Khi đó, NHTW đóng vai trò là trung tâm thanh toán giữa các NHTM và các tổ chức tín dụng.

Thông qua dịch vụ thanh toán, NHTW góp phần tiết kiệm được chi phí thanh toán cho các NHTM và các tổ chức tín dụng và toàn xã hội, đảm bảo vốn luân chuyển nhanh chóng trong hệ thống ngân hàng và phản ánh chính xác quan hệ thanh toán giữa các chủ thể kinh tế trong xã hội. Mặt khác, thông qua hoạt động này, NHTW có thể kiểm tra sự biến động vốn khả dụng của từng NHTM làm cơ sở để có những giải pháp xử lý, kiến nghị kịp thời.

Một phần của tài liệu những vấn đề cơ bản về tiền tệ (Trang 46 - 48)