Triết lý về sản xuất

Một phần của tài liệu Vai trò của đạo đức kinh doanh trong việc xây dựng thương hiệu của tập đoàn Ford Motor (Trang 39 - 43)

2. Triết lý kinh doanh của Ford Motor

2.1. Triết lý về sản xuất

Đã từ lâu Ford Motor trở thành thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Henry Ford – người sáng lập Ford Motor – không những là một nhà kinh doanh tài ba mà còn là một người có những triết lý và phương trâm kinh doanh đáng để lưu tâm.

Ông là người có quan niệm kinh doanh rất khác biệt và rõ ràng. Theo ông, nếu coi trọng đồng tiền hơn là sản phẩm thì chính đồng tiền ấy sẽ tiêu diệt sản phẩm của mình và phá hủy nền tảng các dịch vụ. Phương châm kinh doanh này đã giúp Henry Ford trở thành một nhà kinh doanh hết sức thành công trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô. Henry Ford nói, “Đừng làm nô lệ của đồng tiền mà hãy tập trung vào công việc và dịch vụ kinh doanh mà mình có được để cung cấp cho khách hàng. Điều này sẽ giúp bạn thành công hơn trong bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào.”

Ford thường nói: “Không nên làm giảm giá trị sản phẩm chúng ta đã chế tạo ra. Cũng đừng nên tìm cách hạ lương thợ xuống thấp. Lại không nên bóc lột khách

hàng. Hãy đem hết năng lực của ta, tận dụng trí thông minh của ta để hoàn mỹ những phương pháp ta đang áp dụng”.

“Những điều tôi đã khám phá về kinh doanh từ thành công đến thất bại trong sự nghiệp của mình nhiều năm qua, vẫn không làm thay đổi quan điểm ban đầu của tôi, đó là: Nếu anh coi trọng đồng tiền hơn sản phẩm của mình thì nó sẽ tiêu diệt sản phẩm của anh và phá hủy nền tảng các dịch vụ”, ông nói, “Đặc tính đáng ngạc nhiên nhất của hoạt động kinh doanh lúc đó là người ta chỉ tập trung vào vấn đề tài chính là chủ yếu, còn vấn đề dịch vụ xã hội chỉ là phụ. Tôi thấy dường như quy luật tự nhiên đang bị đảo lộn - đó là quy luật mà đồng tiền là kết quả của công việc và bạn chỉ nhận được khi đã hoàn thành công việc. Cũng đáng ngạc nhiên không kém là dường như không ai quan tâm nhiều đến việc làm sao để sản xuất tốt hơn mà chỉ cần đảm bảo làm gì cũng phải có lợi nhuận và kiếm được tiền. Nói cách khác, sản phẩm làm ra rõ ràng chẳng quan tâm mấy đến mục đích phục vụ công chúng mà chỉ cần làm sao có thể kiếm được nhiều tiền và không ai cần biết đã làm khách hàng vừa lòng chưa. Chỉ cần bán được hàng là đủ. Người ta không lo rằng những khách hàng không vừa ý sẽ mất lòng tin vào sản phẩm của mình mà chỉ thấy điều đó thật phiền toái, hay thậm chí nhờ vậy họ lại có thể kiếm thêm tiền từ các việc sửa chữa, chỉnh sửa - những việc mà lẽ ra họ đã phải làm ngay từ đầu.

Chẳng hạn trong lĩnh vực kinh doanh ôtô, khi đã bán hàng được rồi thì người ta không quan tâm đến khách hàng của mình nữa. Xe chạy hết bao nhiêu xăng, dịch vụ có tốt không, có khả năng bị hỏng và phải thay thế một số bộ phận không, tất cả các vấn đề đó phụ thuộc vào sự may mắn của chủ nhân chiếc xe. Việc kinh doanh của họ sẽ trở nên tốt đẹp nếu họ có thể bán được các linh kiện với giá cao như họ dự tính, bởi vì khi đã mua ôtô thì chắc chắn người ta phải, hay thậm chí tự nguyện mua các loại linh kiện. Trên quan điểm sản xuất, kinh doanh ôtô không thể dựa trên nguyên tắc trung thực cũng như nguyên tắc khoa học, tuy nhiên, nó cũng không xấu xa hơn các ngành kinh doanh khác.

Quan điểm của tôi lúc đó và ngay cả bây giờ là nếu bạn sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao với giá cả phù hợp thì chắc chắn bạn sẽ nhận được lợi nhuận lớn.

Hơn nữa, khi bắt đầu bạn chỉ nên kinh doanh nhỏ, rồi tự nó sẽ phát triển dần và mang lại lợi nhuận lớn. Nếu bạn không thu được lợi nhuận có nghĩa là bạn đang lãng phí thời gian và không có khả năng kinh doanh. Tôi chưa bao giờ thay đổi quan điểm này nhưng tôi đã nhận ra rằng, thực hiện điều đó trong lĩnh vực kinh doanh như hiện nay sẽ khó lòng có thể phát triển nhanh được.

Nếu anh chỉ nghĩ đến đồng tiền trước mắt mà không quan tâm đến sản phẩm của mình thì anh sẽ luôn sợ bị thất bại và nỗi sợ hãi đó sẽ cản trở việc kinh doanh. Nó khiến anh sợ hãi cạnh tranh, không dám thay đổi cách thức kinh doanh và không dám làm gì để thay đổi tình huống của mình. Thành công sẽ đến với những người luôn nghĩ đến mục đích phục vụ công chúng trước và luôn làm việc theo phương pháp hiệu quả nhất.

Tôi xác định rõ ràng rằng sẽ không bao giờ làm trong một công ty coi trọng đồng tiền hơn sản phẩm, hay các công ty thuộc sở hữu của các giám đốc ngân hàng hoặc các thương gia. Và hơn nữa nếu không có cách nào để tiến hành việc kinh doanh nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng thì tôi cũng sẽ không kinh doanh. Đối với tôi, nền tảng duy nhất của kinh doanh chân chính là để phục vụ công chúng.

Khi đã bán được hàng thì mối quan hệ giữa nhà sản xuất và khách hàng vẫn chưa kết thúc. Ngược lại, đó mới chỉ là bắt đầu mối quan hệ này mà thôi. Trong lĩnh vực kinh doanh ô tô, khi ta bán được hàng thì đó mới là giai đoạn giới thiệu sản phẩm. Nếu sản phẩm của ta không mang lại dịch vụ tốt cho khách hàng thì tốt nhất là ta không nên giới thiệu sản phẩm, nếu không, những quảng cáo tồi đó sẽ làm khách hàng thất vọng. Nếu một thương gia chỉ thu được tiền từ những gì anh ta bán thì anh ta sẽ chẳng có hy vọng được khách hàng thưởng tiền hoa hồng.

Theo quan điểm này, về sau chúng tôi đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt khi kinh doanh ôtô Ford. Giá cả và chất lượng của loại xe này đã tạo ra một thị trường, thậm chí là một thị trường lớn. Chúng tôi đã làm được điều đó. Khách hàng mua ô tô của chúng tôi sẽ tiếp tục được phục vụ chu đáo. Do vậy, nếu nó bị hỏng bất kỳ bộ phận gì, chúng tôi sẽ có trách nhiệm sửa chữa ngay cho họ.

Thế lực của đồng tiền đã khiến người ta luôn chịu áp lực rằng đã đầu tư là phải có lợi nhuận, do vậy họ không mấy quan tâm đến công việc và chính những dịch vụ của họ đã nói lên điều này. Đó là nguyên nhân sâu xa của mọi vấn đề. Nó giải thích tại sao lương của công nhân lại thấp, bởi vì công việc không được tiến hành theo đúng hướng thì làm sao lương có thể cao được. Và nếu người ta không chú tâm vào công việc thì làm sao có thể đạt hiệu quả cao trong công việc. Đa số mọi người không muốn phải gò bó trong công việc của mình vì như thế, họ không được tự do làm những việc mình muốn”.9

Ford không hề phủ nhận vai trò của tiền tệ trong xã hội hiện đại. Theo ông: “Tiền, sau tất cả là cái cực kỳ đơn giản. Nó là một phần không thể thiếu được trong hệ thống trao đổi của chúng ta. Nó là cách thức đơn giản và trực tiếp để chuyển hàng hóa từ một người sang những người khác. Sau tất cả, nó là thứ tối quan trọng và đáng khâm phục nhất. Nó giúp đỡ tất cả và không gây trở ngại”. Một nhà kinh doanh không thể không có tiền. Nhưng nếu anh ta đặt số tiền kiếm được lên trên hết, anh ta sẽ gặp rắc rối. Đặt lợi nhuận lên hàng đầu, điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh ta tự đặt mình dưới một hệ thống, hệ thống đó bị kiểm soát bởi tiền. Và khi ở dưới một hệ thống, tất yếu anh ta phải chịu áp lực, hoặc tồi tệ hơn có thể bị mất tự do. Khi không còn tự do trong công việc, sức sáng tạo của họ sẽ trở về con số 0. Đối với một doanh nghiệp, tiền là vấn đề đầu tiên, nhưng không phải là vấn đề cuối cùng. Điều quan trọng là sử dụng số tiền hiện có như thế nào. Không bao giờ được phép tìm mọi cách để kiếm tối đa lợi nhuận trong thời gian ngắn nhất. Làm việc một cách tập trung và tìm cách hoàn thiện sản phẩm là con đường dẫn tới thành công – đó là nguyên tắc kinh doanh của Henry Ford.

Những triết lý kinh doanh này đã được Henry Ford định hình ngay từ khi Ford Motor được thành lập và trở thành kim chỉ nam cho các hoạt động của công ty trong suốt quá trình phát triển. Có thể khẳng định rằng, những triết lý kinh doanh mang đậm chất đạo đức này đã góp phần không nhỏ trong quá trình xây dựng và gìn giữ hình ảnh Ford Motor trong lòng công chúng.

Một phần của tài liệu Vai trò của đạo đức kinh doanh trong việc xây dựng thương hiệu của tập đoàn Ford Motor (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w