THỰC TRẠNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNGTHỜI GIAN QUA
2.2.4. Kinh phí đầu tư cho dạy nghề
Hàng năm, tỉnh Ninh Bình rất quan tâm đến công tác đào tạo nghề, rất nhiều chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ công tác đào tạo nghề cũng như tạo điều kiện cho người lao động tham gia học nghề.
Năm 2005, theo quyết định số 655 ngày 17/3/2005 của UBND tỉnh hỗ trợ trực tiếp tiền đào tạo nghề cho lao động của tỉnh như sau:
+ Hộ có diện tích đất thu hồi 30-50% tổng diện tích đất nông nghiệp có lao động trong độ tuổi được hỗ trợ 2.500.000 đồng/1 lao động.
+ Hộ có diện tích đất thu hồi 50-70% tổng diện tích đất nông nghiệp có lao động trong độ tuổi lao động được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề 2 lao động.
+ Hộ có diện tích đất thu hồi trên 70% tổng diện tích đất nông nghiệp có lao động trong độ tuổi được hỗ trợ toàn bộ số lao động trong hộ.
Năm 2007, tỉnh đã có quyết định số 1556/2007/QĐ-UBND ngày 31/07/2007 về “Ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào khu công nghiệp, khu du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” trong đó ưu tiên hỗ trợ kinh phí dạy nghề cho doanh nghiệp mỗi đối tượng học nghề tối đa không quá 2 triệu đồng. Trong năm 2008, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án số 15/ĐA-UBND về “công tác giảm nghèo đến năm 2010” trong đó mỗi năm dành 2,5 tỷ đồng để tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho lao động 23 xã nghèo trong tỉnh. Vừa qua, Tỉnh cũng hết sức chú trọng công tác dạy nghề cho người nghèo. Năm 2009, trong chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo với tổng kinh phí là 5.795 triệu đồng, tỉnh đã đầu tư 415 triệu đồng (chiếm 7,1%) vào dạy nghề cho người nghèo.