Trong 50 năm kể từ ngày thành lập nước CHND Trung Hoa năm 1949, giáo dục hướng nghiệp Trung Quốc đã trải qua một quá trình điều chỉnh, sửa chữa, chứng minh, cải thiện và phát triển bền vững. Trung Quốc đang là hiện tượng của kinh tế thế giới hiện đại, có tốc độ tăng GDP hàng năm vào loại cao nhất thế giới và tương đối ổn định trong nhiều năm (trên 7%). Trung Quốc là nước thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá khá thành công trong thời gian qua và theo đó diện tích đất đai canh tác cũng bị thu hẹp nhanh chóng. Trước tình hình đó Chính phủ Trung Quốc tập trung phát triển nguồn nhân lực nông thôn thực hiện phương châm “ly nông bất ly hương” và tiếp theo đó là chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo, dạy nghề tích cực đào tạo nhân lực chuyên môn kĩ thuật cho các khu vực đô thị hoá nhanh, những ngành mới phát triển như điện tử, công nghiệp lắp ráp, chế tạo, chế biến thực phẩm… Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc đề ra chính sách phát triển các khu đô thị vừa và nhỏ để phát triển công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong khu vực đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp nông thôn hợp tác với các doanh nghiệp nhà nước đào tạo lao động chuyên môn kĩ thuật đáp ứng nhu cầu đổi mới lao động theo quá trình phát triển. Về mặt tổ chức quản lý, Trung Quốc đã chuyển hướng từ hệ thống quản lý tập trung sang giao quyền cho các địa phương và các cơ sở đào tạo. Đào tạo nghề và đào tạo chuyên nghiệp chủ yếu do cấp tỉnh thực hiện. Chính quyền tỉnh căn cứ vào nhu cầu lao động của địa phương mà mở các khoá đào tạo, các trường, các cơ sở đào tạo. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn liền với việc thu hút lao
động có tay nghề vào các khu công nghiệp, khu kinh tế; đồng thời đào tạo nghề cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các vùng nông thôn.
Với mục tiêu xây dựng một hệ thống giáo dục nghề nghiệp và kỹ thuật, đào tạo toàn diện nhiều cấp độ, Trung quốc đang phát triển các trường đào tạo nghề và kỹ thuật bậc đại học, các trường trung học nghề và trung học kỹ thuật, các trường trung học bách khoa, các trường kỹ thuật, các trung tâm đào tạo nghề, các tổ chức đào tạo nghề do cộng đồng đảm nhiệm, do đó đã tăng cường công tác đào tạo cho những lao động thanh niên mới bước vào thị trường lao động, những người đang phải làm việc và cả những người bị thôi việc. Các khoá đào tạo trước khi vào làm việc từ 1 đến 3 năm được tổ chức cho những học sinh tốt nghiệp phổ thông, những người không đỗ vào đại học. Các trường kỹ thuật và các trung tâm đào tạo nghề đang được điều chỉnh và tổ chức lại thành những cơ sở đào tạo có chất lượng. Một cơ chế mà căn cứ vào đó “thị trường dẫn dắt việc đào tạo và đào tạo thúc đẩy việc làm” hay dạy và học nghề trên cơ sở nhu cầu về lao động của thị trường và thực tế sản xuất đang được hình thành. Một hệ thống danh mục nghề đang được giới thiệu và một hệ thống cấp trình độ nghề đã được xây dựng cho những người lao động ở mọi trình độ, từ lao động ở trình độ cơ bản tới những người ở trình độ cao.