Nhật Bản là nước thuộc nhóm quốc gia phát triển nhất trên thế giới và khu vực Châu Á, là quốc gia có ít tài nguyên thiên nhiên, bởi vậy, phát triển nguồn nhân lực là chính sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản. Trên cơ sở phân tích những hạn chế về tài nguyên, các nhà khoa học Nhật Bản đã
cho rằng, sở dĩ Nhật Bản phát triển được như ngày nay là sớm có chính sách phát triển nguồn nhân lực hợp lý và Nhà nước đã đầu tư thoả đáng cho phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trong ngành công nghiệp và các ngành kinh tế mũi nhọn. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Nhật Bản được thể hiện từ việc phát triển giáo dục phổ thông, dạy nghề và phát triển lao động kỹ thuật trình độ cao… Nhật Bản là một trong những nước có mức đầu tư cho giáo dục - đào tạo tương đối lớn (khoảng 5% GDP). Hệ thống phát triển giáo dục, đào tạo ở Nhật được coi trọng ngay từ khi trẻ em chưa đến trường. Hệ thống giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp phát triển khá hoàn chỉnh và theo một định hướng rất rõ ràng. Đào tạo theo định hướng cầu lao động và phù hợp với thị trường lao động, thông qua hệ thống tuyển dụng lao động rộng khắp, phổ biến nhất là hệ thống tuyển dụng lao động mới tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc các trường chuyên nghiệp (Đại học, Cao đẳng, Dạy nghề). Đặc điểm nổi bật nhất của đào tạo và dạy nghề của Nhật Bản là khuyến khích hình thức đào tạo nghề tại công ty hơn cả trong 3 hình thức đào tạo nghề cơ bản là đào tạo tại trường, đào tạo tại công ty và đào tạo kết hợp ở cả 2 nơi. Một điểm đáng chú ý nữa là hệ thống giáo dục của Nhật Bản tỏ ra rất hiệu quả và toàn diện nên chất lượng học sinh nông thôn và thành thị không có khoảng cách lớn làm cơ sở để phát triển nguồn nhân lực nông thôn có trình độ cao sau này. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng rất khuyến khích học sinh nông thôn tiếp tục học lên đại học và hiện nay có khoảng 50% học sinh nông thôn tốt nghiệp PTTH tiếp tục theo học các chương trình đại học.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo nghề nghiệp, Chính phủ Nhật Bản quy định các chuẩn đào tạo nghề mang tính pháp lý. Các chuẩn đào tạo nghề này bao gồm: yêu cầu đào tạo, các nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, thời gian và thời lượng đào tạo, các phương tiện cần thiết cho đào tạo, số
lượng học viên trong một lớp, tỷ lệ giáo viên/học sinh, kiểm tra… cho mỗi khoá học. Các chuẩn đào tạo được xem xét liên tục để có thể chỉnh sửa cho phù hợp với sự thay đổi của thị trường lao động và môi trường. Các chuẩn được xây dựng cho các khoá đào tạo được phân loại theo các loại nghề.