Bình Dương là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ và là một trong những tỉnh thực hiện quá trình công nghiệp hóa đầu tiên ở nước ta. Với chủ trương “Trải chiếu hoa, thảm đỏ”, với cơ chế thông thoáng hấp dẫn các nhà đầu tư, tỉnh Bình Dương đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2007-2010 là 14,5%. Là một tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao, Bình Dương trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi sự đáp ứng nguồn nhân lực về công nhân kỹ thuật rất lớn.
Trong thời gian qua, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên dạy nghề thể hiện qua quy mô phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề trong tỉnh. Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đang cố gắng xây dựng những trung tâm dạy nghề chất lượng cao đồng thời kêu gọi, khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để mọi người tham gia tích cực vào chủ trương xã hội hóa dạy nghề. Trong giai đoạn 2002-2009, công tác dạy nghề ở Bình Dương đã đạt được những thành tựu quan trọng. Cụ thể, trong những năm qua, công tác dạy nghề ở Bình Dương đã đi vào ổn định và có bước phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực kỹ thuật của thị trường lao động trên địa bàn. Số cơ
sở dạy nghề đã được nâng lên về số lượng: nếu như năm 2002 số cơ sở dạy nghề chỉ có 22 thì năm 2009 là 40 cơ sở. Theo khảo sát các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2009 thì năng lực của toàn bộ hệ thống mạng lưới dạy nghề khoảng 26.000 học viên, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu lao động qua đào tạo. Dự kiến việc mở rộng và phát triển hệ thống các cơ sở dạy nghề đến năm 2020 có 100 cơ sở dạy nghề đào tạo các lĩnh vực có hàm lượng chất xám, kỹ thuật cao như công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, điện tử công nghiệp... đào tạo nghề cho hơn 700.000 người. Chất lượng công tác đào tạo nghề của tỉnh đã có những bước chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ học sinh học nghề ra trường có việc làm khoảng 80%, trong đó có 90% vào làm tại các khu công nghiệp. Cơ sở vật chất đào tạo nghề được tích cực quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn.
Đạt được những thành tựu đó là do công tác đào tạo nghề đã được quan tâm chỉ đạo rất lớn của tỉnh. Cụ thể:
- Sự đầu tư bằng các nguồn vốn từ ngân sách nhằm nâng cấp, xây dựng, cải tạo các trường, các trung tâm dịch vụ việc làm với phương châm “Đào tạo gắn kết với giải quyết việc làm”, điều này đã nâng cao khả năng đào tạo của các cơ sở dạy nghề đồng thời giới thiệu và giải quyết việc làm cho người lao động vào làm việc tại các khu công nghiệp
- Với phương châm đẩy mạnh cả hai hướng: dạy nghề cho lao động nông thôn và dạy nghề để cung ứng lao động cho các khu công nghiệp, Bình Dương đã và đang đầu tư mở rộng, xây dựng thêm một số trung tâm, trường dạy nghề.
- Sở LĐ – TB&XH tỉnh đưa ra định hướng đào tạo đa dạng theo yêu cầu của thị trường lao động. Các cơ sở dạy nghề của Nhà nước đảm nhận vai trò chính trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn và những ngành nghề
tư nhân không tham gia đào tạo. Mở rộng và đa dạng các loại hình đào tạo: đào tạo nghề truyền thống ở các làng nghề, kèm cặp tại xưởng, vừa học vừa làm.
Ngoài những thành tựu đạt được, thì công tác đào tạo nghề ở tỉnh Bình Dương vẫn còn nhiều hạn chế mà nhiều địa phương gặp phải trong quá trình công nghiệp hóa: Số cơ sở dạy nghề trên địa bàn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, các cơ sở không chỉ ít về số lượng, mà lại còn bố trí phân tán. Ngành nghề đào tạo vẫn là ngành nghề chạy theo kiểu “ mì ăn liền” như may công nghiệp, lái xe, bảo trì cơ điện...mặt khác, việc phân bố thời gian đào tạo giữa lý thuyết và thực hành chưa hợp lý, chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, phần lớn tập trung vào đào tạo ngắn hạn (90% số học viên hệ ngắn hạn), thiếu trường dạy nghề cho khu vực nông thôn.
Trên đây là những kinh nghiệm về đào tạo nghề mà một số quốc gia trên thế giới cũng như một số tỉnh của Việt Nam đã từng trải qua. Đây là những kinh nghiệm hết sức quý báu, rút ra cho Ninh Bình rất nhiều bài học bổ ích trong việc hoàn thiện và tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nghề.