6. Dự kiến cấu trúc của luận văn
1.7.2. Quản lý nội dung chương trình hoạt động ngoại khoá
Để quản lí nội dung và chương trình hoạt động ngoại khoá, hiệu trưởng cần nắm bắt yêu cầu ngành học và giáo dục của từng trình độ tuổi sinh viên cụ thể trong chương trình đào tạo, chỉ đạo đảm bảo để chương trình được thực hiện đầy đủ, toàn diện, không cắt xén, đặc biệt là các hoạt động ngoài giờ lên lớp và ngoại khoá. Việc chỉ đạo chương trình và nội dung giáo dục phải đảm bảo tính nguyên tắc, tính hệ thống nhưng cũng phải linh hoạt, sáng tạo, tránh máy móc, cứng nhắc. Các hoạt động ngoại khoá được tổ chức và thực hiện trong thể thống nhất của chương trình. Công tác ngoại khoá của sinh viên không thể là một công việc phụ, một việc tuỳ tiện làm hay không cũng được. Bổ trợ cho kiến thức nội khoá, mở rộng, khắc sâu đồng thời giáo dục tư tưởng tình cảm cho sinh viên là nội dung chủ đạo trong bất kỳ hoạt động ngoại khoá nào. Có thể nội dung không là vấn đề có học ở trên lớp, nhưng nó phải có liên quan đến kiến thức đã được học, không chấp nhận kiến thức trong ngoại khoá là điều hoàn toàn xa lạ với sinh viên.
Các tổ nhóm chuyên môn dựa vào kế hoạch chung của nhà trường trong năm mà có sự sắp xếp nội dung của hoạt động ngoại khoá cho phù hợp theo chủ điểm, theo những mốc thời gian (Nhiều khi trong các tháng có những ngày lễ lớn, các môn khoa học xã hội nên kết hợp sắp xếp theo những mốc thời gian này).
Người giáo viên phụ trách ngoại khoá phải có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt nội dung. Kiến thức mà giáo viên sẽ chuyển tải trong hoạt động ngoại khoá phải đảm bảo một số yêu cầu sau:
- Có tính chính xác: Tri thức truyền đạt phải có độ tin cậy cao, nếu là trích dẫn phải nắm rõ nguồn gốc, xuất xứ, gọi tên đúng bản chất sự vật, hiện tượng.
- Có tính khoa học: Tất cả những tri thức nêu ra phải làm sáng tỏ cho chủ điểm ngoại khoá, có nhiệm vụ khắc sâu, mở rộng chứ không thể tuỳ tiện. Ngay việc sắp xếp cũng phải có trật tự lô gíc chặt chẽ.
- Có tính ứng dụng: Sinh viên tham gia ngoại khoá là dựa trên sự hứng thú và tính tự nguyện, do đó giáo viên tổ chức cần chú ý để các em được thực hành, tránh nặng tính “hàn lâm”. Cần chọn những vấn đề ngoại khoá kích thích sự phát triển tư duy ứng dụng, óc sáng tạo của sinh viên, giúp các em vận dụng kiến thức vào cuộc sống nhanh và hợp lý.
Bên cạnh truyền thụ tri thức, nội dung của hoạt động ngoại khoá còn phải gắn chặt với việc giáo dục tư tưởng tình cảm. Công tác giáo dục tư tưởng cho sinh viên phải luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống. Nó phải cụ thể, tinh tế, linh hoạt có lý, có tình, không trừu tượng, giản đơn, rập khuôn, cứng nhắc. Đối với lưá tuổi sinh viên – tuổi thanh niên, việc giáo dục tư tưởng tình cảm lại càng phải được tiến hành nhẹ nhàng tinh tế. Giáo viên phải biết đi sâu vào tâm hồn, tình cảm của các em để uốn nắn và xây dựng. Chính trong hoạt động ngoại khoá giáo viên có điều kiện để gần gũi sinh viên, nắm vững những biểu hiện tư tưởng tình cảm của các em ngay trong sinh hoạt tập thể. Phạm vi giờ lên lớp không cho phép giáo viên hiểu sâu sắc đối tượng giáo dục vì tư tưởng tình cảm đạo đức của sinh viên không phải là những khái niệm, những công thức, những câu lý luận trong sách vở mà là cái thực trong mối quan hệ với thầy cô, bè bạn.