6. Dự kiến cấu trúc của luận văn
1.4.1. Ngoại khoá giúp sinh viên mở rộng,nâng cao kiến thức
Khối lượng tri thức nhân loại ngày càng tăng lên nhanh chóng. Các dự báo khoa học cho thấy vào thập niên đầu của thế kỷ 21, cứ khoảng 5 năm tri thức nhân loại lại tăng gấp đôi. Nhà trường không thể cung cấp tất cả nguồn tri thức đó mà chỉ có thể trang bị cho sinh viên kiến thức cơ bản của các ngành học. Ngay trong những bài học trên lớp, sinh viên cũng chỉ có thể học được những kiến thức cơ bản nhất, những khái niệm những quy tắc chung nhất mà thôi. Còn rất nhiều kiến thức khác cần phải nắm, phải hiểu, phải vận dụng được vào trong thực tế cuộc sống của mình nhưng lại chưa được đưa và cũng không thể đưa hết vào trong chương trình. Vì thế ngoại khoá là một trong những cách thức, những con đường tốt nhất giúp sinh viên bổ sung, mở rộng, tích luỹ thêm những kiến thức cần thiết cho mình, hiểu biết, vận dụng vào trong cuộc sống hàng ngày của bản thân. Mặt khác mỗi sinh viên là một chủ thể của quá trình học tập của mình, mang trong mình những tiềm năng to lớn về trí nhớ, lập luận, quan sát, giao tiếp. Hoạt động ngoại khoá tạo cho các em khả năng phát huy, đa dạng hoá tất cả những tiềm năng đó. Hoạt động ngoại khoá tạo điều kiện để các em tham gia, có dịp thể hiện những hiểu biết của mình, bổ sung, phát triển những tri thức cần thiết. Cụ thể hơn, hoạt động ngoại khoá nếu được tổ chức tốt sẽ phát huy được những tác dụng chủ yếu về mặt cung cấp tri thức sau đây:
- Mở rộng kiến thức các môn học
- Bổ sung, cập nhật những kiến thức cần thiết
- Là điều kiện rèn luyện, củng cố và nâng cao các kỹ năng giao tiếp, tìm tòi, phát hiện và hệ thống hoá thêm những kiến thức khác để làm giàu vốn tri thức cho mình
- Nâng cao hiểu biết các giá trị truyền thống dân tộc, khơi dậy tình yêu với khoa học, những ham muốn tìm tòi sáng tạo, giải thích những hiện tượng tự nhiên – xã hội có cơ sở khoa học.