Vào cuối thế kỷ XIX đầy thế kỷ XX, công nghiệp hoá và đi cùng với nó là quá trình đô thị hóa mạnh mẽ làm nảy sinh vô số những vấn đề xã hội tiêu cực và phức tạp tại các đô thị. Thực trạng đó đã thu hút sự chú ý của các nhà XHH phương Tây.
Từ những năm 20, ở châu Âu và Bắc Mỹ đã hình thành môn khoa học với tên gọi XHH về đời sống đô thị (Sociology of Urban life) hay XHH đô thị (Urban Sociology).
Ban đầu, bộ môn XHH đô thị đã có một hệ vấn đề nghiên cứu hết sức rộng. Theo tác giả cuốn sách XHH về các vùng đô thị (Sociology of Urban Regions) A.Boskoff thì: “Gia đình và hôn nhân, giáo dục trẻ em tội phạm và đặc biệt là tội phạm trẻ em, sự di cư, vấn đề chủng tộc, người già, sức khoẻ, tâm lý giai cấp – xã hội, tôn giáo, học vấn và các xu hướng trong đời sống xã hội” là phạm vi các vấn đề XHH đô thị nghiên cứu.
Bản chất của việc nghiên cứu XHH đô thị chính là khảo sát các thành tố sau: - Các thành tố không gian – vật chất đó bao gồm: không gian kiến trúc, quy hoạch, cảnh quan đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cả điều kiện khí hậu, sinh thái tự nhiên…
- Các thành tố tổ chức – xã hội: là cộng đồng dân cư sống trên lãnh thổ đô thị với tất cả những thể chế, luật lệ hiện hành tại đó.
Các khoa học như kiến trúc, quy hoạch, xây dựng đô thị, sinh thái học đô thị, đã dành sự quan tâm trước hết cho việc tạo ra những bộ phận hay toàn bộ không gian vật chất – hình thể của đô thị. Các yếu tố tổ chức – xã hội nếu được đề cập thì chỉ như là yếu tố thứ yếu. Trong khi đó, XHH đô thị lại hướng sự chú ý trước hết tới yếu tố cộng đồng dân cư đô thị với những đặc điểm kinh tế – xã hội của nó, có sự thích ứng hay hoà nhập của cộng đồng này với môi trường vật chất – hình thể
của đô thị. Vì thế, hai nhóm bộ môn khoa học này tất yếu phải có liên hệ với nhau dưới nhiều hình thức.