Gia đình:
- Gia đình là bối cảnh xã hội quan trọng nhất, qua đó diễn ra quá trình xã hội hóa của cá nhân.
- Gia đình chính là cái xã hội thu nhỏ mà lần đầu tiên cá nhân được tiếp xúc, là nhóm sơ cấp đầu tiên góp phần hình thành nhân cách của cá nhân. Thông qua gia đình, cá nhân học hỏi các chuẩn mực, các giá trị mà xã hội đề cao.
- Gia đình giúp cá nhân hình thành: + Nhận thức về chính mình + Thái độ, sở thích
+ Niềm tin, mục đích của cuộc sống + Tôn giáo, tín niệm
+ Học hỏi vai trò về giới tính
+ Sở đắc những vị trí, vai trò xã hội do gia đình để lại: giai cấp, tầng lớp xã hội, chủng tộc, tôn giáo, …
- Gia đình là nơi đầu tiên truyền cho cá nhân những ý niệm về giới tính, trên lĩnh vực này, phần lớn những gì chúng ta xem là bẩm sinh ở bản thân của cá nhân thực ra đều là sản phẩm của văn hóa, kết hợp vào nhân cách của chúng ta thông qua xã hội hóa. Cũng chính tại gia đình, trong hầu hết các nền văn hóa, trẻ được dạy rằng con trai cần phải mạnh mẽ, dũng cảm, …, con gái cần phải dịu dàng, … Xã hội hóa giới tính luôn là một trong những chức năng quan trọng nhất của gia đình.
- Không phải tất cả những gì trẻ nhận được từ gia đình cũng do sự truyền thụ có chủ ý của cha mẹ mà chính bầu không khí trong gia đình, chính môi trường sống của gia đình đã để lại những dấu ấn sâu sắc lên nhân cách của trẻ, tác động đến cái nhìn về chính mình, về thế giới xung quanh của trẻ em.
Giáo dục ở nhà trường:
- Nhà trường là nơi cá nhân được tiếp xúc với tính đa dạng xã hội, tương tác với những thành viên không phải trong gia đình, được dạy dỗ nhiều điều mới lạ.
- Nhà trường không chỉ dạy cho trẻ những kiến thức, kỹ năng để sau này đảm trách các vai trò trong xã hội mà còn truyền đạt những giá trị của xã hội, đề cao lối sống chủ đạo của xã hội. (Không chỉ là đạo đức lối sống mà còn phải dạy cả đạo đức nghề nghiệp)
- Tính đa dạng xã hội ở nhà trường thường tạo ra nhận thức rõ ràng hơn về vị trí của mình trong cấu trúc xã hội đã hình thành trong quá trình xã hội hóa ở gia đình.
- Thông qua việc dạy học và giáo dục nhân cách, nhà trường củng cố những quan niệm về giới tính. (Ví dụ: những hình ảnh thường thấy trong sách giáo khoa: nam làm bác sĩ, kỹ sư, bộ đội, công an; nữ thường làm y tá, giáo viên, …)
Bạn bè:
- Trong môi trường xã hội hiện nay, nhóm bạn bè của trẻ rất đa dạng, phong phú: bạn cùng xóm, bạn học (ở trường, ở các lớp học thêm, ở trung tâm ngoại ngữ tin học, …), bạn qua internet, bạn qua các phương tiện khác.
- Nhóm bạn thân cùng tuổi là một môi trường xã hội đặc biệt của trẻ vì chỉ ở môi trường này trẻ mới được độc lập, thoát khỏi sự kiểm soát và áp đặt của người lớn, do đó trẻ thường chia sẻ những điều mà các em không muốn chia sẻ với người lớn như: model quần áo, sở thích về âm nhạc, giải trí, những tò mò về giới tính, về tình dục, …
- Do sự biến đổi nhanh của xã hội nên những mối quan tâm của cha mẹ và con cái rất khác nhau, người ta đã nói đến khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng xa khiến trẻ và cha mẹ khó gặp nhau.
- Ngày nay, áp lực của nhóm bạn thân cùng tuổi rất mạnh, trẻ thường phải tuân thủ theo các chuẩn mực của nhóm để được chấp nhận.
- Tuy nhiên, nhóm bạn thân cùng tuổi thường chỉ có ảnh hưởng lên những nguyện vọng trước mắt và ngắn hạn của thanh thiếu niên, trong khi gia đình vẫn còn có ảnh hưởng lên các nguyện vọng, ước mơ về lâu dài của lớp trẻ.
Phương tiện truyền thông đại chúng:
- Các phương tiện truyền thông đại chúng như: vô tuyến truyền hình, đài phát thanh, Internet, báo chí, … Ngày nay, các phương tiện truyền thông đại chúng có ảnh hưởng rất lớn đến cách ứng xử của thanh thiếu niên, nhất là vô tuyến truyền hình.
- Các phương tiện truyền thông đại chúng đem lại rất nhiều lợi ích trong việc giải trí, giáo dục, nó đem đến nhiều kiến thức về các nền văn hóa, về các dân tộc, gia tăng sự quan tâm của con người đến những vấn đề xã hội trên thế giới. (Ví dụ: chương trình Dư địa chí, Việt Nam đất nước con người, phim tài liệu, ký sự, phim ảnh, …)
- Ngược lại, các phương tiện truyền thông đại chúng cũng có những hạn chế như: có quá nhiều hình ảnh bạo lực, chiến tranh, tình dục, … (Ví dụ: những cảnh bạo lực, chiến tranh, những cảnh nóng bỏng trong quan hệ nam nữ, … xuất hiện với tần suất rất cao, những trang web đồi trụy, game online, …)
Những tác nhân khác:
- Chỗ làm việc là một tác nhân quan trọng vì nếu đang trong độ tuổi lao động và không thất nghiệp thì thời gian ở chỗ làm việc chiếm một phần lớn. Với những kiến thức, kỹ năng đã thu nhận được, ở chỗ làm việc, con người tiếp tục được xã hội hóa thành nghề nghiệp và ứng xử phù hợp với nghề nghiệp đó. Dấu ấn của nghề nghiệp trong xã hội hóa có thể thấy rõ qua bệnh nghề nghiệp.
- Những đoàn thể chính trị – xã hội khác mà cá nhân tham gia cũng là những nhân tố ảnh hưởng đến quá trình xã hội hóa
Kết luận:
Xã hội hóa là một quá trình phức tạp, nó là quá trình tương tác giữa các yếu tố xã hội và cá nhân. Càng hiểu rõ cơ chế vận hành của xã hội hóa, con người càng có nhiều tự do hơn trong ứng xử của mình.