8.1. Khái niệm cơ cấu xã hội
Khái niệm được nhắc đến nhiều trong trường phái xã hội học Bungari. Theo quan niệm này thì xã hội là một hệ thống cực kì phức tạp gồm có nhiều hệ thống nhỏ khác nhau. Mỗi hệ thống nhỏ này lại có cơ cấu riêng, gồm những thành phần tác động lẫn nhau một cách đặc thù. Được xem xét như một hệ thống hoàn chỉnh hữu cơ và tự phát triển (nhờ các mâu thuẫn nội tại của nó), xã hội là một cơ cấu rất sâu mà sự hoạt động và sự phát triển của cơ cấu này chứa đựng những điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của hệ thống xã hội, cơ cấu đó là CCXHHCXH.
Cơ cấu xã hội học là mặt cắt ngang của hệ thống xã hội, là một cơ cấu nhiều chiều và nhiều khía cạnh.
Khía cạnh thứ nhất của cơ cấu xã hội học nhiều chiều có liên quan đến một số hoạt động mà qua đó, xã hội có thể phát triển và tồn tại; đó là các hoạt động: 1) Sản xuất vật chất; 2) Sản xuất phi vật chất (khoa học, nghệ thuật, vv.); 3) Lao động tái sản xuất xã hội - sản sinh ra con người; 4) Hoạt động quản lí xã hội và quản lí các nhóm người khác; 5) Hoạt động giao tiếp của con người tức là sự phân công lao động xã hội học, và các chức năng quan trọng nhất của con người. Đồng thời, khía cạnh này còn bao hàm cả các hoạt động liên quan đến sự tái tạo môi trường sinh thái của con người, là những hoạt động cần thiết cho sự sống còn cho chính sự tồn tại của xã hội loài người.
Khía cạnh thứ hai của cơ cấu xã hội học nhiều chiều là hoạt động của con người được thực hiện trong khuôn khổ các quan hệ xã hội nhất định và thông qua các thiết chế nhất định (tổ chức và các hình thức cộng đồng).
Khía cạnh thứ ba của cơ cấu xã hội học nhiều chiều là sự phân biệt các kiểu hoạt động cơ bản và các quan hệ, các thiết chế tương ứng với chúng. Do đó, cơ sở cho sự hình thành phạm trù cơ cấu xã hội học là một tiêu chuẩn ba thành phần hoạt động (lao động, quan hệ xã hội và thiết chế xã hội). Cơ cấu xã hội học là sự tác động qua lại giữa các lĩnh vực cơ bản của xã hội (các thành phần cơ bản của hệ thống xã hội) đã hình thành trên cơ sở các kiểu hoạt động cơ bản - thống nhất với các quan hệ và thiết chế tương ứng.
Cơ cấu xã hội là trung tâm nghiên cứu của xã hội học, nó phản ánh toàn bộ sự khác biệt của các phần tử xã hội, nó cho ta thấy rõ nét nhất sự liên kết xã hội và khả năng xung đột xã hội trong các giai đoạn phát triển xã hội. Mục tiêu cơ bản của chúng ta khi nghiên cứu cơ cấu xã hội là phải thấy rõ sự khác biệt về địa vị, vai trò, chức năng xã hội của các phần tử tồn tại trong xã hội, đồng thời thấy rõ khả năng xung đột giữa các giải pháp làm giảm thiểu chúng. Có nhiều cách tiếp cận để đến với khái niệm cơ cấu xã hội (đôi khi còn gọi là cấu trúc xã hội).
Theo sách “công tác xã hội học” của Liên Xô (trước đây): Cơ cấu xã hội là mối liên hệ vững chắc của các thành tố trong hệ thống xã hội. Những thành tố cơ bản là các cộng đồng xã hội bao gồm các giai cấp, các dân tộc các nhóm nghề
nghiệp, nhóm nhân khẩu lãnh thổ, nhóm chính trị. Mỗi cộng đồng xã hội lại có cấu thành phức tạp với những tầng lớp bên trong và những mối liên hệ giữa chúng.
Khái niệm cơ cấu xã hội của Parsons: Cơ cấu xã hội là tổng thể các mối quan hệ tiêu chuẩn hoá, bền vững của các chủ thể xã hội. Một đặc điểm nổi bật của cơ cấu xã hội là chủ thể hành động thực hiện những vai trò xã hội nào đó đối với nhau. Parsons nhấn mạnh đén vị thế, vai trò và chức năng của các phần tử tồn tại trong xã hội.
Cách tiếp cận của những định nghĩa trên đây đã nhấn mạnh đến cấu trúc tập đoàn xã hội (nhóm lớn), mối liên hệ giữa các thành tố cơ bản của xã hội. Từ nội dung của các lý thuyết xã hội học về cơ cấu xã hội và các khái niệm cơ cấu xã hội đã nêu trên, chúng ta có thể đưa ra định nghĩa sau đây về cơ cấu xã hội:
Cơ cấu xã hội là tổng thể các phần tử cấu thành xã hội trong mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, là một hệ thống lớn, bao gồm nhiều hệ thống nhỏ và nhỏ dần đến đơn vị cơ bản là con người. Những thành phần quan trọng nhất của cấu trúc xã hội là vị thế, vai trò, chức năng xã hội của các phần tử.
Xét cơ cấu xã hội theo các mối liên kết xã hội, chúng ta thấy cơ cấu xã hội có hai dạng liên kết là liên kết sơ cấp và liên kết thứ cấp. Liên kết sơ cấp là liên kết trực tiếp giữa các cá nhân theo sở thích, nguyện vọng và truyền thống để đảm bảo đời sống xã hội hàng ngày. Liên kết này đã tạo ra cơ cấu xã hội theo nhóm với những mục đích nhất định trong hành động xã hội. Liên kết thứ cấp là liên kết giữa cá nhân với nhau trong hoạt động xã hội nhằm đạt được những nhu cầu về quyền lợi và lợi ích xã hội nhất định. Liên kết này có thể có tính chất cưỡng bức, bắt buộc đối với các cá nhân. Cá nhân có thể chấp nhận điều đó để đạt được điều gì đó cho minh. Liên kết này đã hìh thành các tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân trong quan hệ và nằm trong hệ thống phân công lao động xã hội. Với cách nhìn nhận này, cơ cấu xã hội thể hiện trong thực tế là các nhóm xã hội và các tổ chức xã hội. Các nhóm xã hội, đã thoả mãn các nhu cầu hàng ngày của cuộc sống, bao gồm các nhóm: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đồng môn, đồng sở thích,… Các tổ chức xã hội thường liên kết lại với nhau thành hệ thống (là một tiểu hệ thống xã hội) bao gồm có: hệ thống tổ chức nhà nước, hệ thống các tổ chức chính trị, hệ thống tổ chức đoàn thể xã hội, hệ thống các tổ chức kinh tế, hệ thống các tổ chức tôn giáo. Các hệ thống tổ chức nhằm đạt được mục đích của mình. Do vậy, các hệ thống tổ chức có thể thống nhất với nhau, cũng có thể đối lập nhau. Vì vậy, xung đột xã hội là một tất yếu, bởi vì các mục đích thường không đồng nhất với nhau giữa các hệ thống tổ chức xã hội đó.
Xét sự khác biệt giữa các lớp người kông có phạm vi tổ chức, cơ cấu xã hội thể hiện mối quan hệ và tương tác giữa các cộng đồng người có các đặc trưng khác biệt về vị thế, vai trò và chức năng xã hội bao gồm các loại: giai cấp, chủng tộc, dân tộc, giới tính, thế hệ, trình độ học vấn,… Các lớp người này luôn va chạm và xung đột với nhau trên bình diện khắp xã hội đã ảnh hưởng tới đời sống xã hội của số đông công chúng. Chúng ta nghiên cứu bản chất của các khác biệt này để có các giải pháp đồng cảm xã hội nhằm giảm thiểu va chạm và xung đột xã hội.
Xét về mặt thời gian, cơ cấu xã hội thể hiện sự tương tác giữa cơ cấu cũ và cơ cấu mới trong quá trình biến đổi xã hội. Trong thực tế, có rất nhiều yếu tố lạc hậu, các khuôn mẫu khắt khe áp chế mạnh các thành viên trong xã hội đã được các quy định mới bãi bỏ hoặc số động công chúng tẩy chay, song dư âm và ảnh hưởng của nó còn trong một số không lớp các thành viên xã hội. Do vậy, các va chạm và xung đột giữa cái cũ và cái mới thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng tới cuộc sống xã hội.
Từ phân tích trên, chúng ta có thể tóm tắt đặc trưng cơ bản của cơ cấu xã hội như sau:
Cơ cấu xã hội không chỉ được xem xét như là một tổng thể tập hợp các bộ phận cấu thành xã hội mà còn được xem xét về mặt kết cấu và hình thức tổ chức bên trong của một hệ thống tổ chức xã hội.
Cơ cấu xã hội là sự thống nhất của hai mặt các thành phần xã hội và các mối liên hệ về vị thế, vai trò và chức năng xã hội giữa chúng và trong nội bộ của chúng.
Cơ cấu xã hội vừa có tính lịch sử, vừa có tính chất thời đại và mang nặng dấu ấn của thời đại. Cơ cấu xã hội thể hiện đậm nét đặc trưng của từng giai đoạn phát triển xã hội.
Cơ cấu xã hội vừa có tính kế thừa, vừa có tính biến đổi và phát triển theo xu hướng phát triển của thời đại.
Nghiên cứu cơ cấu xã hội có ý nghĩa rất lớn đối với quản lý xã hội đặc biệt trong xã hội hiện đại khi nhà nước can thiệp ngày càng nhiều vào đời sống xã hội. Nghiên cứu cơ cấu xã hội giúp chúng ta nhận thức được các đặc trưng của xã hội trong từng giai đoạn phát triển lịch sử. Qua quan sát cơ cấu cơ cấu xã hội, từ sự khác nhau của cơ cấu xã hội chúng ta có thể phân biệt được sự khác nhau của một xã hội trong từng giai đoạn phát triển cụ thể cũng như có thể phân biệt, so sánh sự khác nhau của xã hội này với xã hội khác. Nghiên cứu cơ cấu xã hội giúp chúng ta hiểu được các thành phần cơ cấu xã hội, hiểu rõ vị trí, vai trò, chức năng của mỗi thành phân đó trong cơ cấu để đảm bảo tính hệ thống của cơ cấu và nghiên cứu động lực phát triển xã hội. Nghiên cứu cơ cấu xã hội để thấy được quan hệ tương tác giữa các thành phần của cơ cấu xã hội, hiểu rõ bản chất của các quan hệ đó dưới dạng các quy luật xã hội, tiến tới giải thích được hành vi của các cá nhân, các nhóm xã hội và toàn bộ xã hội trong những thời gian và không gian cụ thể. Nghiên cứu cơ cấu xã hội sẽ cho chúng ta một bức tranh tổng quát về xã hội học, từ đó có thể hoạch định được chiến lược, xây dựng mô hình cơ cấu xã hội tối ưu bảo đảm sự vận hành có hiệu quả, thực hiện tốt các vai trò xã hội theo chiều hướng tiến bộ. Nghiên cứu cơ cấu xã hội đặc biệt là sự nghiên cứu sự phân tầng xã hội, về vị thế và vai trò xã hội của các nhóm, về mối quan hệ giữa các yếu tố kinh tế và quan hệ xã hội trong cơ cấu xã hội, giúp chúng ta có cơ sở khoa học để vạch ra một chính sách xã hội đúng đắn nhằm phát huy những nhân tố tích cực điều chỉnh và khắc phục những hiện tượng lệch chuẩn, những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động xã hội.
Cơ cấu xã hội là phạm trù cơ bản của xã hội học, là một trong những nội dung quan trọng nổi bật, chiếm vị trí trọng tâm của xã hội học. Phạm vi nghiên cứu của xã hội học về cơ cấu xã hội rất rộng, nó đề cập đến những thành tố cơ bản của cơ cấu xã hội: vị thế, vai trò, nhóm xã hội và các thiết chế xã hội, mối liên hệ tác động lẫn nhau theo nhiều chiều của các thành tố này trong quá trình biến đổi và phát triển của xã hội. Ở đây, chúng ta đi sâu vào nghiên cứu các phân hệ cơ cấu xã hội cơ bản - được coi như một cách tiếp cận hệ thống khi nghiên cứu xã hội học về cơ cấu xã hội.