Mục tiêu cơ bản của quản lý dự án đầu tư nói chung là hoàn thành các công việc dự án theo đúng yêu cầu kỹ thuật và chất lượng trong phạm vi ngân sách được duyệt và theo tiến độ thời gian cho phép. Ba mục tiêu này có quan hệ chặt chẽ với nhau. Công thức dưới đây sẽ thể hiện mối quan hệ này:
C=F(P,T,S)
Nguồn: Từ Quang Phương-NXB Lao Động - Xã Hội (2005) "giáo trình quản lý dự án đầu tư"
Trong đó:
- C là chi phí
- P là mức độ hoàn thành công việc (kết quả) - T là yếu tố thời gian
- S là phạm vi dự án
Qua phương trình này chúng ta thấy chi phí (C) là một hàm số gồm ba yếu tố mức độ hoàn thành công việc, yếu tố thời gian, phạm vi dự án. Ba yếu tố trên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tầm quan trọng của từng mục tiêu có thể khác nhau giữa các dự án, giữa các thời kỳ đối với cùng một dự án. Trong quản lý dự án, các nhà quản lý luôn mong muốn đạt được một cách tốt nhất các mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên trong thực tế không hề đơn giản, đôi khi để đạt được kết quả tốt đối với mục tiêu này thường phải hy sinh một hay hai mục tiêu kia. Trong quá trình quản lý dự án thường diễn ra các hoạt động đánh đổi mục tiêu. Dù phải đánh đổi hay không đánh đổi mục tiêu, các nhà quản lý hy vọng đạt được sự kết hợp tốt nhất giữa các mục tiêu.
Hình 1.3: Mục tiêu tổng hợp của dự án
Nguồn: Từ Quang Phương-NXB Lao Động - Xã Hội (2005) "giáo trình quản lý dự án đầu tư"
Cùng với sự phát triển ngày càng cao đối với hoạt động quản lý dự án, mục tiêu của quản lý dự án cũng thay đổi theo chiều hướng gia tăng về lượng và thay đổi về chất. Từ ba mục tiêu ban đầu (hay tam giác mục tiêu) với sự tham gia của các chủ thể gồm chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn đã phát triển thành tứ giác, ngũ giác mục tiêu với sự tham gia của quản lý của Nhà nước.
Hình 1.4: Quá trình phát triển mục tiêu của dự án
Nguồn: Từ Quang Phương-NXB Lao Động - Xã Hội (2005) "giáo trình quản lý dự án đầu tư"