5. Kết cấu của luận văn
1.5.1.1. Kinh nghiệm Cộng hoà Liên bang Đức
Là một đất nước có ngành thống kê phát triển gần như sớm nhất châu Âu, nên ngành thống kê CHLB Đức là hình mẫu của nhiều ngành thống kê các nước trên thế giới. Là thành viên của hệ thống thống kê thế giới, có mục
tiêu hoạt động là thống kê, dự báo tình hình kinh tế xã hội, kinh tế quốc tế, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực ngành thống kê.
Tổng số nhân lực của ngành thống kê CHLB Đức là 8.573 người (tính đến thời điểm 31/12/2011)
Có hai cách phân loại nhân lực của ngành thống kê CHLB Đức:
Thứ nhất, phân loại căn cứ vào sự ràng buộc pháp lý của lao động. Tổng số nhân sự được chia thành ba nhóm, gồm: 5.394 công chức (là những người được bổ nhiệm công chức suốt đời, không bị sa thải khi ngành thống kê cắt giảm nhân công lao động, hưởng lương theo hệ số A trong bảng lương công chức của Chính phủ); có 2.315 viên chức (thời gian làm việc tại cơ quan thống kê dựa trên thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng nhân sự, là những người có thể bị sa thải khi cơ quan thống kê cần cắt giảm nhân công, hưởng lương theo bảng lương công chức hệ số B), 864 nhân viên, công nhân (là những người làm việc theo hợp đồng lao động ngắn hạn, lao động kỹ thuật giản đơn, hưởng lương theo qui định của Luật Lao động).
Thứ hai, phân loại theo chất lượng công chức. Chất lượng của công chức ngành thống kê CHLB Đức không được đánh giá qua thống kê bằng cấp, mà được phân loại qua ngạch bậc công chức, viên chức. Theo đó, nhân sự của ngành thống kê CHLB Đức được phân thành 5 nhóm, (có thể so sánh một cách tương đương với ngạch công chức của Việt Nam): chuyên viên cao cấp (tạm gọi là cấp bậc loại 1- tác giả luận văn), chuyên viên bậc cao (cấp bậc loại 2), chuyên viên cấp trung (cấp bậc loại 3), chuyên viên (cấp bậc loại 4) và nhân viên, công nhân hợp đồng.
Về phát triển nguồn nhân lực: trong cơ quan thống kê CHLB Đức áp dụng nguyên tắc phát triển nhân lực là tự phát triển và phát triển liên tục. Công tác phát triển nhân sự được bắt đầu ngay sau khi tuyển dụng nhân sự mới. Trong thời gian tập sự (1,5 hoặc 2 năm tùy theo cấp bậc công chức mà người đó thi vào) tất cả nhân viên mới đều tham gia vào khóa đào tạo tại các
cơ sở đào tạo riêng của ngành thống kê CHLB Đức, đó là: Trường Đại học kinh tế có chuyên ngành đào tạo thống kê (tổ chức các khóa đào tạo cho chuyên viên cao cấp và chuyên viên bậc cao), Trường cao đẳng thống kê ở Hachenburg (tổ chức các khóa đào tạo cho chuyên viên bậc trung và chuyên viên) và Trung tâm đào tạo của ngành thống kê nằm trong một số trường đại học (thực hiện các khóa đào tạo ngắn hạn, các lớp bồi dưỡng cho tất cả các đối tượng công chức ngành thống kê. Các cơ sở đào tạo trên của ngành thống kê CHLB Đức chỉ thực hiện các chương trình đào tạo nội bộ dành cho cán bộ thống kê TW, cho cán bộ các Cục thống kê các bang, tiểu bang (với điều kiện tự chịu chi phí) và đào tạo hợp tác quốc tế cho các ngành thống kê các nước khác trong chương trình hợp tác song phương và đa phương. Thống kê CHLB Đức sử dụng nhiều công cụ hỗ trợ trong quản lý phát triển nguồn nhân lực, đó là các bảng phân tích công việc, bản mô tả chức năng và bản mô tả công việc cho từng cấp bậc công chức, viên chức; mạng thông tin nội bộ, chợ việc làm trong mạng nội bộ. Bản mô tả công việc có nội dung về mã số cấp bậc công chức, mức lương tương ứng, thời gian đào tạo cần thiết để bổ nhiệm, trình độ đào tạo, trách nhiệm chuyên môn, quyền hạn chuyên môn. Bản mô tả công việc của từng nhóm công việc là cơ sở để tuyển dụng và đánh giá công chức. Tùy thuộc vào trình độ đào tạo đã có, các ứng cử viên tham gia dự thi tuyển vào cấp bậc công chức viên chức phù hợp; ví dụ, cấp bậc loại 1 chỉ tuyển dụng những người có bằng đại học tổng hợp (hệ đào tạo 5 năm) hoặc sau đại học. Sau khi trúng tuyển, họ được làm việc tại Tổng cục thống kê Trung ương, giao đảm nhận một nhiệm vụ có tính nghiên cứu tổng hợp, được làm quen với tất cả các lĩnh vực công việc của thống kê trung ương và tham gia giải quyết những vấn đề có tính chiến lược của từng lĩnh vực thống kê cụ thể. Đây là nhóm đối tượng để phát triển thành cán bộ lãnh đạo nên sau khi kết thúc thời gian tập sự, họ thường được bố trí tham gia vào các chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý cho các cấp. Cấp bậc loại 2 tuyển dụng người có bằng
cao đẳng hoặc cử nhân (hệ 3 năm), là những cán bộ làm việc trong khối tác nghiệp. Cấp bậc công chức loại 3 yêu cầu ứng viên có bằng trung học chuyên nghiệp về thống kê, về thương mại, kế toán (hệ học 2 năm). Cấp bậc loại 4 dành cho loại công việc giản đơn. ở đây người lao động có thể có quan hệ lao động với ngành là viên chức hoặc là công nhân. Họ làm việc trong các lĩnh vực lao động mang nhiều tính chất thủ công: nhân viên chuyển hàng, văn thư, thợ thủ công, nấu bếp, dọn vệ sinh…
Mọi công chức, viên chức của ngành thống kê CHLB Đức đều có cơ hội được chuyển ngạch, dựa trên cơ sở là năng suất hiệu quả công việc và kết quả đào tạo nâng cao tại các cơ sở đào tạo của Tổng cục thống kê CHLB Đức. Thời gian học để nâng ngạch từ loại 4 lên 3 là 18 tháng, từ loại 3 lên 2 là 18 - 24 tháng, loại 2 lên loại 1 là 21 - 36 tháng. Tất cả các khóa học đều chia làm hai phần lý thuyết (học tại cơ sở đào tạo) và thực hành (học tại nơi làm việc trong ngành thống kê, thông qua việc được giao những công việc có trọng trách và quyền hạn có độ thử thách cao hơn).
Về công tác đánh giá công chức ở Tổng cục thống kê CHLB Đức: là hoạt động được thực hiện định kỳ hàng năm và khi thay đổi vị trí công việc. Công cụ để đánh giá là Bản mô tả công việc và Bản tiêu chí đánh giá. Bản đánh giá có 16 tiêu chí, với 6 - 9 bậc thang điểm ở mỗi tiêu chí. Bản đánh giá được người lãnh đạo trực tiếp thực hiện, có sự trao đổi với Ban nhân sự ở mỗi đơn vị. Người lãnh đạo phải có cuộc trao đổi trực tiếp với đương sự về các ý kiến trong Bản đánh giá trước khi đưa vào lưu tại hồ sơ nhân sự của cá nhân. Về phân cấp quản lý phát triển nhân sự: mỗi người lãnh đạo của từng tổ chức có nhiệm vụ thực hiện phát triển nhân sự cho các nhân viên trực tiếp dưới quyền. Nhiệm vụ này được coi là một yếu tố công việc và được định nghĩa và xác định lượng thời gian thực thi trong Bản mô tả công việc của người lãnh đạo. Kết quả thực hiện công việc này là một trong các cơ sở cho việc đánh giá hiệu quả điều hành quản lý của người lãnh đạo.