8. Cấu trúc của luận văn
1.4.1. Học để biết – kĩ năng sống liên quan đến “nhận thức”
Khi học để biết tức là không quan tâm đến việc tiếp thu kiến thức đã được cấu trúc sẵn. Điều quan tâm khi đó là làm sao để nắm vững được các công cụ học tập, nói cách khác đó là học cách học chứ không phải học kiến thức. Có thể xem, học để biết vừa là phương tiện vừa là mục đích của cuộc sống. Nếu xem đó là phương tiện, cần phải học để hiểu thế giới xung quanh mình, ít nhất là hiểu để có thể sống một cuộc sống được tôn trọng, phát triển một kĩ năng nghề nghiệp và giao tiếp với người khác. Nếu xem cách học để biết là một mục đích, thì việc học này phải xuất phát từ sự yêu thích tìm hiểu và khám phá kiến thức. Kiến thức càng rộng thì càng hiểu được nhiều khía cạnh của cuộc sống hơn. Với cách nhìn việc học như thế thì mọi trẻ em, dù sống ở nơi nào, cũng phải được có cơ hội tiếp cận với một nền giáo dục khoa học và trở thành một người bạn của khoa học trong suốt cuộc đời. Vì thế, học để biết chính là học cách học thế nào để phát triển sự tập trung, rèn luyện kĩ năng ghi nhớ và nâng cao khả năng tư duy.
Kĩ năng ghi nhớ chọn lọc là công cụ đắc lực cho việc loại bỏ dòng thông tin không tích cực. Do vậy, con người cần phải biết lựa chọn những dữ kiện để ghi nhớ. Khi dữ kiện đã được ghi nhớ, con người có khả năng thiết lập các mối liên hệ giữa các dữ kiện với nhau tốt hơn. Khả năng đặc trưng của con người về việc liên kết các dữ kiện được ghi nhớ là một quá trình không thể tự nhiên mà có, quá trình này phải qua luyện tập, trau dồi một cách cẩn thận từ lúc còn bé. Kĩ năng suy nghĩ (tư duy) là điều mà trẻ học được đầu tiên từ cha mẹ và thầy cô. Quá trình rèn luyện để hình thành và phát triển kĩ năng tư duy cần phải chứa đựng trong đó kĩ năng giải quyết vấn đề thực tế và kĩ năng tư duy trìu tượng. Quá trình này kéo dài suốt cả cuộc đời và có thể được nâng cao bởi các trải nghiệm khác của con người (18).