3.1. Lao niêm mạc miệng.
Lâm sàng: Không phổ biến. Thường gặp ở những người nghiện rượu, đái tháo đường, nhiễm HIV. Biểu hiện tổn thương thường là vết loét mãn tính, đơn độc, ở mặt trên của lưỡi (hình 92) hoặc hàm ếch. Thường liên quan với lao phổi và có triệu chứng toàn thân của lao.
Hình 92. Loét đơn độc, hình sao điển hình mặt trên lưỡi
Xét nghiệm: Sinh thiết, cấy đờm, X.quang phổi.
Chẩn đoán: Cần phân biệt với các loét miệng khác, đặc biệt với giang mai và ung thư biểu mô.
Điều trị: Hoá trị liệu phối hợp.
3.2. Giang mai niêm mạc miệng.
Căn nguyên: Do xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) gây nên. Bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Lâm sàng: Có 2 thể: giang mai bẩm sinh và giang mai mắc phải. Các tổn thương miêm mạc miệng gặp ở giang mai mắc phải. Giang mai tiến triển qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: biểu hiện bằng các săng (chancre) giang mai, hiếm thấy tổn thương này ở niêm mạc miệng. Giai đoạn 2: biểu hiện các vết loét, chợt ở niêm mạc miệng (hình 93). Giai đoạn 3: biểu hiện ở niêm mạc miệng là tổn thương bạch sản (hình 64) và gôm (gumma) giang mai (hình 94).
Hình 94. Tổn thương gôm giang mai ở giai đoạn 3
Xét nghiệm: xét nghiệm tế bào kính phết bề mặt tổn thương hoặc huyết thanh chẩn đoán.
Điều trị: Kháng sinh liệu pháp (tiêm Penicillin, hoặc uống Erythromycin hoặc Tetracycline).
3.3. Viêm lợi loét hoại tử cấp.
Căn nguyên: Do vi khuẩn kỵ khí Anaerobic fusiform và xoắn khuẩn spirochaetes gây ra.
Lâm sàng: Thường gặp ở thanh niên trẻ. Biểu hiện bằng các vết loét ở đầu các nhú lợi, có thể lan rộng dọc bờ lợi (hình 95). Kèm theo có đau, chảy máu lợi, hôi miệng, hiếm hơn có thể có mệt mỏi, chán ăn, nổi hạch cổ.
Hình 95. Viêm lợi loét hoại tử
Xét nghiệm: Xét nghiệm tế bào kính phết.
Chẩn đoán: Phân biệt với viêm miệng herpes, bệnh bạch cầu.
Điều trị: (1) Làm vệ sinh răng miệng, (2) sử dụng các dung dịch súc miệng có chứa chlohexidine, (3) sử dụng kháng sinh Metronidazole, Tetracycline, với phụ nữ có thai thay bằng Penicillin.