CÁC TỔN THƯƠNG TIỀN UNG THƯ MIỆNG.

Một phần của tài liệu GIẢI PHẪU SINH lý TUYẾN nước bọt (Trang 53 - 58)

Trong nhiều năm qua người ta đã nhận thấy ung thư biểu mô miệng có liên quan với các tổn thương niêm mạc miệng. Những tổn thương đó thường ở dưới dạng là mảng trắng (leucoplakia), hoặc mảng nhung đỏ tươi (erythroplakia). Những mảng này tồn tại trong nhiều tháng, nhiều năm rồi chuyển dạng ác tính hoặc tồn tại cùng với ung thư biểu mô miệng. Vì vậy những tổn thương đó được coi là tiền ung thư.

Những tổn thương sau đây được coi là tiềm năng chuyển dạng ác tính, hoặc có liên quan đến tỷ lệ ung thư miệng cao đó là:

2.1. Lichen phẳng (Lichen planus).

- Thường là không có căn nguyên, một số trường hợp tìm thấy căn nguyên do thuốc, phản ứng ở người ghép tạng, các bất thường chức năng gan, hoặc các phản ứng với amalgam hoặc vàng ...

- Thường gặp ở tuổi trung niên hoặc ở phụ nữ lớn tuổi.

- Tổn thương có thể không có triệu chứng, hoặc có thể có biểu hiện đau.

- Lichen phẳng chợt và teo có nguy cơ chuyển dạng ác tính (hình 58, 59). Tỷ lệ thoái hoá ác tính sau 10 năm khoảng 1%.

Hình 58. Lichen phẳng teo ở niêm mạc má Hình 59. Lichen phẳng chợt ở lưỡi

2.2. Bạch sản (Leukoplakia).

- Bạch sản có tổn thương kích thước từ nhỏ đến lan rộng, bề mặt có thể mềm mại, hoặc có nếp, rãnh. Màu có thể trắng, hơi vàng hoặc xám.

- Bạch sản có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như: nhiễm nấm candida albican, giang mai, suy thận mãn, hút thuốc lá, HIV/AIDS ...

- Ở người HIV/AIDS có bạch sản dạng lông (hairy leukoplakia) là một loại tổn thương bạch sản đặc biệt, nguyên nhân do vius Epstein Barr gây ra. Tổn thương là một vùng bạch sản, thường gặp ở rìa bên lưỡi, có các nếp lồi kiểu tóc hoặc nhô ra như tóc (hình 60). Tổn thương này lành tính, không có hiện tượng thoái hoá ác tính.

Hình 60. Bạch sản dạng lông

- Tỷ lệ chuyển dạng ác tính của bạch sản miệng tăng lên theo thời gian tồn tại của tổn thương. Tuổi càng cao thì tỷ lệ chuyển dạng ác tính của bạch sản càng lớn. Trong 10 năm, tỷ lệ thoái hoá ác tính của bạch sản chiếm khoảng 2,5%.

- Bất cứ bạch sản nào ở trong miệng cũng cần sinh thiết để chẩn đoán mô bệnh học để loại trừ ung thư.

- Điều trị: Cắt bỏ, khâu đóng, hoặc ghép da rời

2.3. Hồng ban (Erythroplakia).

- Là tổn thương niêm mạc miệng biểu hiện là các mảng đỏ tươi mà không đặc trưng về lâm sàng và bệnh lý của một bệnh khác (hình61).

- Tổn thương bề mặt không có u, cục, một số trường hợp hồng ban kèm với bạch sản.

- Tỷ lệ chuyển dạn ác tính của hồng ban gấp 17 lần bạch sản. Cạnh các hồng ban thường có loạn sản biểu mô, ung thư tại chỗ hoặc ung thư xâm lấn. Như vậy, tất cả vùng hồng ban cần được cắt bỏ để làm mô bệnh học.

Hình 61. Hồng ban

2.4. Nấm miệng quá sản mạn tính.

- Nguyên nhân chủ yếu là do nấm Candida albican. Tổn thương là các mảng sừng đặc trưng khu trú ở niêm mạc má, mép và lan rộng đến tổ chức da lân cận của mặt (hình 62).

Hình 62. Nấm Candida quá sản mạn tính

- Tỷ lệ chuyển dạng ác tính của bạch sản nấm tương đối cao.

- Điều trị: Dùng thuốc chống nấm tại chỗ và đường toàn thân đủ liều lượng, đủ thời gian để điều trị triệt để, tránh tái phát. Đôi khi phẫu thuật cắt rộng cũng có chỉ định.

2.5. Xơ hoá dưới niêm mạc miệng.

- Bệnh do các dải xơ nằm dưới niêm mạc miệng. Những dải dơ này co lại làm há miệng hạn chế, nói khó và nuốt khó. Vận động lưỡi có thể bị hạn chế (hình 63).

- Về mô học đặc trưng là các tổ chức xơ kèm với teo hoặc quá sản biểu mô và có vùng loạn sản biểu mô.

- Các thay đổi này là do sự liên kết chéo giữa các sợi collagen gây ra .

Hình 63. Xơ hoá dưới niêm mạc miệng

- Điều trị: Cắt bỏ các dải sẹo gây há miệng khó, hoặc tiêm vào tổn thương steroid. Tuy nhiên, điều đó ít có hiệu quả ngăn ngừa ung thư tế bào gai tiềm tàng. Do đó cần tìm và loại bỏ các yếu tố bệnh nguyên.

2.6. Viêm lưỡi do giang mai.

- Tổn thương này ngày nay hiếm gặp. Tuy nhiên trước đây, giang mai là yếu tố quan trọng gây bệnh bạch sản miệng và ung thư miệng.

- Tổn thương giang mai gây viêm lưỡi mứt kẽ, làm teo gai lưỡi (hình 64).

Hình 64. Bạch sản lưỡi do giang mai

2.7. Các u nhú ở niêm mạc miệng (Papilloma).

- Là các tổn thương lành tính, có thể gặp ở vòm miệng, ở lưỡi, hoặc ở các vùng khác. Nguyên nhân do papillom virus gây nên (hình 65).

Hình 65. U nhú ở vòm miệng

- Hầu hết không có triệu chứng. Điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ. Tuy nhiên, đối với trường hợp có xu hướng tái phát, cần phải theo dõi sát vì có khả năng thoái hoá ác tính.

2.8. Loạn sản sừng niêm mạc miệng (Keratosis).

- Hầu hết các loạn sản sừng là lành tính. Tuy nhiên khoảng 1 - 3% trong số đó là các tổn thương tiền ung thư.

- Tổn thương có thể ở dạng nhẵn, hoặc ở dạng sần hoặc ở dạng dạng hỗn hợp có đốm sần trên nền nhẵn.

- Dạng sần hoặc có đốm sần có tỷ lệ thoái hoá ác tính cao. Một số nghiên cứu cho thấy ở dạng có đốm sần, tỷ lệ thoái hoá ác tính lên tới 20%.

- Tổn thương thường gặp ở niêm mạc má hoặc ở vòm miệng cứng với những người hút thuốc (hình 66).

2.9. Những vết sắc tố màu đen ở niêm mạc miệng.

- Thường là bẩm sinh. Biểu hiện bằng các mảng hoặc nốt màu xanh sám hoặc nâu đen. Không có triệu chứng (hình 67).

Hình 67. Vết sắc tố đen niêm mạc miệng

- Cần theo dõi sát và trường hợp nghi ngờ cần cắt bỏ làm sinh thiết chẩn đoán vì tổn thương có khả năng thoái hoá ác tính.

Một phần của tài liệu GIẢI PHẪU SINH lý TUYẾN nước bọt (Trang 53 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w