CÁC TỔN THƯƠNG NIÊM MẠC MIỆNG KHÔNG RÕ NGUYÊN NHÂN.

Một phần của tài liệu GIẢI PHẪU SINH lý TUYẾN nước bọt (Trang 88 - 91)

6.1. Loét Áp-tơ niêm mạc miệng (Aphthae).

Căn nguyên: Không biết rõ. Có một số nguyên nhân được báo cáo như: các thay đổi của hệ miễn dịch bởi đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào và phản ứng chéo với vi khuẩn Streptococcus sanguis, hoặc do thiếu một số chất trong máu (sắt, folate, vitamin B12) chiếm 10%, hiếm hơn có thể liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, stress tinh thần, dị ứng thức ăn và bệnh HIV/AIDS.

Lâm sàng: Bệnh khá phổ biến. Biểu hiện lâm sàng là các vết loét tái phát, tồn tại trong 1 tuần đến 1 tháng. Có thể có nhiều vết loét trong miệng, nhưng sức khoẻ nói chung không bị ảnh hưởng.

Có 3 hình thái loét aphthae: (1) Nhỏ: là các vết loét nhỏ (< 4 mm), gặp ở niêm mạc di động, thường lành sau 14 ngày, không để lại sẹo (hình 104). (2) Lớn: là các vết loét lớn (có thể > 1 cm), gặp ở bất kỳ vị trí nào trong miệng kể cả mặt trên lưỡi và hàm ếch cứng, lành thương sau 1 đến 3 tháng, để lại sẹo (hình 105). (3) Hình thái herpes: gồm nhiều vết loét nhỏ, tập trung thành đám tạo thành các vết loét không đều (hình 106).

Hình 106. Aphthae hình thái herpes

Xét nghiệm: Không có xét nghiệm đặc hiệu, có thể xét nghiệm máu để tìm hiểu sự thiếu hụt sắt, vitamin B12, folate...

Chẩn đoán: Chủ yếu dựa vào tiền sử tái phát và các đặc điểm lâm sàng.  Điều trị: (1) tăng cường vệ sinh răng miệng, sử dụng nước súc miệng chứa

chlohexidine; (2) sử dụng các thuốc làm săn se niêm mạc như Sinderlo, Eupulin; (3) sử dụng thuốc corticoid bôi như Orepas, Omepas; (4) sử dụng thuốc ức chế miễn dịch như betamethasone, beclomethasone.

6.2. Lichen phẳng (Lichen planus).

Căn nguyên: Không biết rõ. Một số trường hợp báo cáo do thuốc, phản ứng ở người ghép tạng, các bất thường chức năng gan, hoặc các phản ứng với amalgam hoặc vàng ...

Lâm sàng: Thường gặp ở tuổi trung niên hoặc ở phụ nữ lớn tuổi. Tổn thương có thể không có triệu chứng, hoặc có thể có biểu hiện đau. Tổn thương thường gặp ở niêm mạc má, hoặc ở lưỡi. Lichen phẳng chợt và teo có nguy cơ chuyển dạng ác tính (hình 58, 59). Tỷ lệ thoái hoá ác tính sau 10 năm khoảng 1%.

Điều trị: Lichen phẳng thể chợt và teo có thể dùng steroid bôi, những trường hợp nặng có thể sử dụng steroid đường toàn thân.

6.3. Sarcoma Kaposi.

Căn nguyên: Không rõ. Là u ác tính của tế bào nội mô và thường liên quan đến nhiễm HIV.

Lâm Sàng: Gặp ở người nhiễm HIV/AIDS. Tổn thương ban đầu là các vết màu đỏ, tím hoặc nâu. Sau đó chúng nổi cục, lan rộng, thâm nhiễm và có thể loét. Thể sarcoma Kaposi điển hình gặp ở hàm ếch (hình 107), nhưng cũng có thể gặp ở bất kỳ vùng nào trong miệng.

Hình 107. Sarcoma Kaposi ở hàm ếch

Xét nghiệm: Sinh thiết.

Chẩn đoán: Chẩn đoán phân biệt với các tổn thương nhiễm sắc, đặc biệt với u mạch, ban xuất huyết.

Điều trị: Tuỳ thể trạng người bệnh HIV/AIDS. Có thể dùng tia xạ hoặc hoá chất.

Một phần của tài liệu GIẢI PHẪU SINH lý TUYẾN nước bọt (Trang 88 - 91)