8. Bố cục của luận văn
3.3.3. Xây dựng, quản lý và phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục
3.3.3.1. Mục tiêu của biện pháp
Xây dựng, quản lý và phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp, đồng bộ sẽ góp phần to lớn trong việc huy động học sinh đến trường và nâng cao chất lượng PCGD từ bậc học thấp nhất là Mầm non đến Tiểu học, trung học cơ sở và THPT, tạo điều kiện thuận lợi củng cố vững chắc PCGD Tiểu học đúng độ tuổi, PCGD THCS, làm tiền đề quan trọng cho PCGD trung học. Quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp là yêu cầu cơ bản nhất trong công tác xây dựng cơ bản trường học đồng thời tăng cường cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục nhằm mục tiêu thực hiện thành công PCGD trung học.
3.3.3.2. Nội dung của biện pháp
Quy hoạch mạng lưới trường lớp phai đảm bảo tính đồng bộ, hoàn chỉnh của cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Triển khai quy hoạch là từng bước cải tạo, mở rộng nâng cấp tận dụng mặt bằng hiện hữu và bổ sung đất (đối với những đơn vị diện tích đất chưa đủ theo tiêu trí trường chuẩn quốc gia) để từng bước đạt với chuẩn quy định; xây mới các trường theo đúng quy chuẩn trường lớp của từng cấp học, ngành học; gắn việc xây dựng với việc trang bị các thiết bị giáo dục theo hướng hiện đại hóa để đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Quan tâm, huy động các nguồn lực để xây dựng trường và mở rộng quy mô trường lớp hợp lý, để học sinh trong độ tuổi có đủ chỗ học, đặc biệt là cần xây thêm trường THPT để đáp ứng việc thu nhận học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10. Huy động tối đa trẻ trong độ tuổi đến trường, muốn vậy cơ sở vật chất và trang thiết bị của nhà trường phải từng bước hội đủ quy chuẩn cho học sinh học tập, sinh hoạt; từng bước chú ý xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở từng cấp học, đây cũng là một tiêu chí quan trọng trong việc thực hiện PCGD bậc trung học;
Tiếp tục phát triển giáo dục không chính quy, đa dạng các hình thức học tập cộng đồng ở xã, thị trấn, phải gắn kết chặt chẽ với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở từng cộng đồng dân cư. Trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đã hoàn thành PCGD THCS thì những trung tâm Trung tâm giáo dục thường xuyên cần được quy định nội dung đào tạo, bồi dưỡng tương đương trung học để hỗ trợ mục tiêu phổ cập giáo dục trung học bền vững; đây là những địa điểm để huy động học sinh trong độ tuổi phổ cập không có điều kiện theo học chính quy thì sẽ theo học theo hình thức bổ túc. Tuy nhiên muốn thu hút được học sinh theo học, phải tổ chức dạy học phù hợp (có thể mở lớp học vào buổi tối, thứ 7 và chủ nhật...) để học sinh có điều kiện theo học.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Phú Lương cũng cần được xây dựng khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ để đi vào hoạt động. Khi hoạt động, nhà trường sẽ thu hút mỗi năm được trên 100 học sinh người dân tộc thiểu số (Chủ yếu là Tày, Nùng, Sán Dìu, Dao) ở các xã khó khăn, xã ATK và đặc biệt là 3 xã đặc biệt khó khăn của huyện (Yên Trạch, Yên Ninh, Hợp Thành). Việc huy động học sinh ở vùng khó khăn trong những năm qua thực hiện rất vất vả mà hiệu quả không cao; một phần vì kinh tế các gia đình còn nghèo; khoảng cách đến trường tương đối xa, nhận thức của người dân không cao; hủ tục tảo hôn vẫn còn... Nên khi có trường Dân tộc nội trú trên địa bàn huyện, với sự đầu tư của Nhà nước; học sinh theo học được bao cấp toàn bộ, sẽ thu hút được những học sinh người dân tộc vùng khó khăn, các em có điều kiện để phát triển năng lực, trí tuệ; đây là nguồn nhân lực nòng cốt có tri thức quan trọng để giúp đỡ quê hương trong công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao nhận thức; giúp cho thế hệ trẻ ở quê hương có động lực để phấn đấu với mục tiêu thoát nghèo, xây dựng địa phương phát triển.
Khuyến khích các thành phần xã hội trong và ngoài nước đầu tư xây dựng và mở rộng trường lớp ngoài công lập (ưu tiên trường trung học, trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề), theo chính sách ưu đãi đã được Nhà nước quy định; tạo điều kiện cho hệ thống trường ngoài công lập có vị trí bình đẳng với các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần mở rộng quy mô giáo dục đào tạo, tạo điều kiện cho mọi người có thể học tập suốt đời, hướng tới xây dựng xã hội học tập. Bên cạnh đó, việc tăng cường đầu tư nguồn lực để mở rộng quy mô hình thức giáo dục thường xuyên cũng rất cần thiết đó chính là tăng cơ hội học tập cho đối tượng phổ cập cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, không theo học được trong hệ thống giáo dục chính quy.
3.3.3.3. Các biện pháp thực hiện
Căn cứ vào Quy hoạch mạng lưới trường lớp của tỉnh, huyện cần xây dựng hoàn thiện Đề án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của địa phương;
Rà soát lại toàn bộ diện tích đất cấp cho các trường học và cơ sở giáo dục; hoàn thiện thủ tục cấp đất cho các nhà trường để đảm bảo cơ sở pháp lý trong sử dụng đất. Có kế hoạch cấp bổ sung đất cho những trường không đảm bảo diện tích quy định về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia;
Thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; đầu tư các nguồn lực để phấn đấu theo lộ trình trong kế hoạch.
Thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục; huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác giáo dục; đóng góp nhân lực, tài lực, vật lực để xây dựng cơ sở vật chất nhà trường; tăng cường trang bị thiết bị giáo dục cho nhà trường.
Phát huy vai trò của Trung tâm giáo dục thường xuyên, là đơn vị đã được đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ trong việc mở các lớp bổ túc văn hóa, giúp cho học sinh không có điều kiện tham gia học chính quy vẫn có cơ hội vừa học, vừa làm và hoàn thành chương trình bổ túc THCS và bổ túc THPT.
Nhanh chóng hoàn thiện thủ tục cấp đất và phối hợp tích cực với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú. Khi hoàn thiện, nhà trường chính là nơi thu hút học sinh phân luồng sau THCS tham gia đào tạo nghề phù hợp với điều kiện của địa phương và đáp ứng tiêu chuẩn PCGD bậc trung học.
Đề nghị tỉnh khẩn trương triển khai xây dựng trường THPT Tức Tranh ở phía đông của huyện (đã được phê duyệt dự án) vì tính cấp thiết của nó. Khi nhà trường đi vào hoạt động sẽ thu hút mỗi năm khoảng 400 học sinh trong khu vực vào học, đây là một con số rất lớn góp phần vào hoàn thành chỉ tiêu huy động và hiệu quả PCGD trung học.
3.3.3.4. Điều kiện thực hiện
Có chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương tăng cường đầu tư phát triển giáo dục; đặc biệt là đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các nhà trường; đồng thời đầu tư xây dựng, mở rộng trường lớp ở những nơi thực sự cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Có kế hoạch phát triển mạng lưới trường lớp phù hợp, đồng bộ và tập trung mọi nguồn lực để thực hiện theo kế hoạch, đảm bảo hiệu quả;
Chính quyền, nhân dân địa phương, các đơn vị doanh nghiệp tích cực tham gia công tác xã hội hóa giáo dục để huy động nguồn lực của nhân dân trong việc thực hiện các mục tiêu PCGD.
Chất lượng giáo dục bổ túc phải được quản lý chặt chẽ và ngày càng nâng cao mới thu hút được học sinh tham gia học tập để có bằng tốt nghiệp bổ túc THPT, làm tiền đề cho các em tham gia học tập ở những bậc học cao hơn.