THUÊ XÍ NGHIỆP TẦM CỠ THẾ GIỚI LÀM THẦY

Một phần của tài liệu QUYẾT ĐOÁN TRONG KINH DOANH (Trang 55 - 58)

(Trả cho Công ty Philip 200 triệu yên)

Những người như chúng ta thường hay bị trói buộc vào một cách nhìn, một cách nghĩ. Một lần trở thành định kiến thì khó mà có cách nhìn khác. Vì thế, khi trực diện với một vấn đề gì không biết làm thế nào cho phải thì bắt đầu phân vân, và có lẽ khó mà thoát khỏi vòng phân vân lúng túng ấy. Trong trường hợp đó, làm thế nào mới phải đây?!

Đúng là chỉ có một cách phải thay đổi cách nhìn vượt khỏi cách nhìn lâu nay. Nếu làm thế, tôi nghĩ có thể tìm ra cách nhìn mới mà đến bây giờ ta không nghĩ ra. Nhưng, hành động này không dễ làm tí nào. Nếu thay đổi được cách nhìn như thế thì từ đó mới có thể mở ra con đường mới.

Về việc hợp tác với Công ty Philip như đã nêu lên ở phần trước, tôi phân vân rất nhiều. Như đã nói, phí chỉ đạo kỹ thuật được giảm từ 7% xuống 4,5%, nhưng ngoài ra, tiền đặt cọc (tiền bảo vệ quyền lợi) họ đòi trả một lần 550.000 USD, tương đương với 200 triệu yên thời đó.

Lúc ấy, Công ty MATSUSHITA chỉ có 500 triệu yên vốn, thì 200 triệu yên quả là số tiền lớn, gánh nặng ghê gớm. Như thế, họ đòi trả một lần gần nửa số vốn của Công ty!

Có nên trả một lần số tiền khổng lồ như thế để ký hợp đồng với Philip không? Về điều này, tôi phân vân vô cùng. Tuy nhiên, khi nghĩ đến sự phát triển của ngành điện tử công nghiệp Nhật Bản và sự phát triển của bản thân Công ty MATSUSHITA thì dù phải đau lòng bỏ ra món tiền như thế cũng phải tiến hành cho được việc này.

Nhưng, ngoài tiền trả một lần ra còn có thêm vấn đề: đấy là nội dung hợp đồng chỉ có lợi cho một phía. Đại ý như nếu Công ty MATSUSHITA vi phạm như thế này thì bị phạt từng này, nếu vi phạm thế kia sẽ đem máy móc

về v.v... Tóm lại, nội dung hoàn toàn quy định cho Công ty MATSUSHITA, không có quy định gì trong trường hợp Philip vi phạm. Đúng là họ lấy thế mạnh kẻ cả. Nếu để yên như thế mà ký thì rồi tất cả phải nghe theo ý của họ thôi. Điểm này cũng là một nguyên nhân lớn làm tôi phân vân về hợp đồng.

Tóm lại, chỉ thấy phân vân, phân vân và phân vân. Lần đầu tiên tôi ra nước ngoài là đi Mỹ - trong khoảng 3 tháng, nhưng không cảm thấy mệt mỏi, nhìn cái gì, nghe cái gì cũng thấy lạ, thấy vui. Lần thứ hai cũng khoảng 3 tháng, làm một vòng qua Mỹ và châu Âu, ít nhiều thấm mệt. Nhưng lần thứ ba chỉ một tháng với duy nhất một việc ký hợp đồng với Philip tưởng rằng nhàn nhất nhưng lại rất mệt mỏi.

Tại sao lại mệt thế? Cũng có lý do của nó. Tôi phân vân mãi không hiểu chọn hợp tác với Philip có thực sự đúng không? Không phán đoán nổi.

Tôi lại tự trách mình: đấy cũng là biểu hiện sự thiếu hiểu đời của mình. Nhưng mặt khác, ưu phiền suy nghĩ âu cũng là tính người, mò mẫm mà tiến cũng là cách đi của con người.

Ở đây, điều quan trọng là dù có mò mẫm cũng không được để “tâm ý riêng” vào. Trong việc hợp tác với Philip, thật sự là tôi đã ưu tư phân vân nhiều, nhưng cũng may là không có tí tâm ý riêng nào.

Trong lúc phân vân lúng túng như thế, trong đầu tôi lại nhớ ra một điều. Đấy là Viện nghiên cứu của Philip lúc ấy có đến 3000 người làm việc. Họ đang nghiên cứu nhiều đề tài và lại có nhiều thiết bị tiện nghi phù hợp. Từ đó, tôi nghĩ để lập ra Viện nghiên cứu Philip này, cần phải đến vài tỷ yên và phải mất nhiều thời gian để đào tạo nghiên cứu viên.

Nhìn nhận như thế thì nghĩ ra trả 200 triệu yên để thuê được Công ty lớn như Philip làm thầy là đúng, và tâm tư tôi thanh thản hẳn lại. Tất cả ưu phiền từ lúc đầu đến giờ, nhất là về món tiền trả một lần 200 triệu yêu, đã được rũ bỏ. Thế rồi, tôi chấp nhận điều kiện và dứt khoát ký hợp đồng.

Sau đó, nhờ hợp tác với Philip, Công ty Điện khí công nghiệp MATSUSHITA được thành lập và 3 kỹ sư của Philip được phái sang Nhật. Khi 3 người đến chào tôi và nói “chúng tôi được phái sang đây, từ bây giờ sẽ cố gắng làm việc”. Nhìn họ, tôi nghĩ giống như mình đã thuê Công ty Philip rồi còn gì.

Con người thành bại đúng là do cách nhìn, suy nghĩ. Cách nhìn, cách suy nghĩ thật là quan trọng. Chỉ với một nội dung hợp đồng mà Công ty MATSUSHITA có thể kiếm được nhiều tiền, song cũng có thể bị phá sản trong trường hợp việc triển khai không thuận lợi, trôi chảy. Nhưng nếu thay đổi cách nhìn thì thấy chỉ với món tiền nhỏ mà đã thuê được công ty lớn như Philip làm thầy. Như vậy, tôi có thể tự do thoải mái trao đổi với họ. Nghĩ như vậy, lòng tôi thanh thản lại.

Nhìn lại sự việc trên, tôi thấy thay đổi cách nhìn để đưa ra được quyết đoán là một yếu tố rất quan trọng.

Một phần của tài liệu QUYẾT ĐOÁN TRONG KINH DOANH (Trang 55 - 58)