(Về việc mua lại một xưởng)
Tôi nghĩ, trong giao dịch trên thương trường, vị trí của người mua đa phần có lợi hơn vị trí của người bán . Cũng có trường hợp thế của người bán mạnh hơn, nhưng bình thường thì phải nói thế của người mua tốt hơn. Lập trường của người mua là càng rẻ càng tốt, nên nếu thế của người bán mà yếu thì đối phương thường dựa vào chỗ yếu đó để ép giá. Tuy nhiên, với tư cách là nhà kinh doanh thì thái độ trên có đúng không? Tôi nghĩ không hẳn là như thế.
Đã lâu lắm rồi, tôi có một kinh nghiệm như thế này. Đấy là vào thời mà Công ty Điện khí còn chế tạo đui đèn, và vật liệu bakelite (một loại nhựa hoá học) hoàn toàn phải mua ngoài. Vì thế, công ty Điện khí cũng muốn có xưởng chế tạo bakelite. Thế rồi, có một ngày kinh doanh của Công ty Điện khí H chuyên chế tạo đui đèn và bakelite đi vào ngõ cụt, đến mức phải chuyển nhượng tài sản. Sau đó phía công ty điện khí H đã đặt vấn đề muốn bán lại xưởng cho Công ty điện khí MATSUSHITA.
Đối với Công ty Điện khí MATSUSHITA thì đây là cơ hội tốt. Từ lâu nay muốn có xưởng chế tạo bakelite, nhưng bây giờ tự phía họ lại đến đề nghị. Thế là chúng tôi ngồi vào bàn luận cụ thể và vấn đề là mua với giá bao nhiêu.
Đối phương là công ty đang có nguy cơ bị phá sản, ở vị thế yếu; vì vậy có thể mua được với giá rẻ. Nếu để ít ngày nữa, tình huống xấu thêm chắc có thể mua rẻ hơn nữa. Có thể nói đó là cách nghĩ thông thường. Vì thế, trong trường hợp mua bán này, dù Công ty Điện khí MATSUSHITA mua vào với giá khá rẻ, chắc đối phương và xã hội cũng chấp nhận. Chúng tôi có quyền làm thế.
Nhưng, lúc đó tôi đã quyết đoán và ra chỉ thị “ Không được mua với giá rẻ”. Theo cách nghĩ chung của thời đó, điều này không được bình thường. Là
không bình thường mà tôi đã dám quyết đoán và chỉ thị như thế vậy lý do gì?
Thứ nhất, là vì Công ty điện khí MATSUSHITA muốn có một xưởng bakelite. Trong trường hợp không mua được xưởng, Công ty sẽ phải tự nghiên cứu để chế tạo bakelite và xây dựng xưởng. Nhưng như vậy sẽ tốn nhiều tiền…May mắn thay, người ta lại mang xưởng bakelite đến bán cho mình đúng lúc cần thiết. Đối với công ty đó là thứ thực sự có giá trị.
Do đó, tôi nghĩ, việc nhận thức và mua đúng giá trị của nó là cách mua chính đáng, mua rẻ hơn giá thị trường là không tốt, hay nói cách khác, nên mua cái cần thiết với đúng giá thị trường.
Mua lại xưởng của công ty sắp phá sản thì bình thường người mua có quyền ép giá. Nhưng tôi không mau ép giá mà đã quyết đoán mua với giá đáng mua, bởi vì tôi nghĩ, đối với nhà kinh doanh, đây là điểm rất quan trọng.
Tóm lại, theo tôi, đây là cách tiến hành sự việc có lý, có tình, cũng giống như trường hợp mua vật tư hàng hoá vào. Thí dụ, khi mua sản phẩm của xưởng bạn, nhất định phải xem đối phương lấy lời có thoả đáng không, chỉ trong trường hợp biết họ có lời có thoả đáng thì mới tiến hành việc mua vào. Trong trường hợp không có lý thì yêu cầu đối phương xem xét lại, ngẫm nghĩ lại. Ngoài ra, phía mình cũng nặn óc tính toán, khi thấy có thể có lời chính đáng mới bắt đầu đặt hàng mua vào.