(Tự mình lau dọn nhà vệ sinh)
Đã là con người, ai cũng có lầm lỗi, cũng phải chịu sự giáo dục. Những điều không biết nhiều hơn những điều đáng biết là chuyện bình thường. Vì thế, nhìn hành động, cách xử thế của người khác, nếu có điều gì chưa đúng, chưa “tròn” thì hoặc là nhận khuyết điểm hoặc là thành thật hướng dẫn chỉ bảo nhau. Tôi nghĩ nếu làm thế thì xã hội này, nơi chúng ta sinh hoạt, cộng đồng này có thể tiếp tục từng bước phát triển phồn vinh.
Trước đây đã xảy ra một việc như thế này. Tôi nhớ, vào khoảng cuối năm 1925, năm xảy ra trận động đất ở vùng KANTO, xưởng MATSUSHITA đã làm tổng vệ sinh ngày cuối năm từ sáng. Đến trưa, sau khi tổng vệ sinh, tôi đi xem thì thấy xưởng được dọn dẹp rất sạch sẽ; chứng tỏ xưởng đã được quét dọn đến nơi đến chốn. Tôi bèn nghĩ, được thế này thì năm nay có thể đón Tết thật vui vẻ.
Nhưng khi đi xem nhà vệ sinh thì thấy tình trạng khác, chưa được tốt lắm. Nhìn kỹ xem tại sao thế này, tôi phát hiện ra duy nhất chỗ này chỉ được làm qua loa. Tôi khó chịu và nhìn một lượt mọi người nhưng thấy ai cũng làm lơ, không có ý định lau dọn. Ngoài ra, những người có quyền ra lệnh lau dọn cũng không có ý muốn ra lệnh.
Bầu không khí lúc ấy nặng nề. Thời đó các nghiệp đoàn lao động (giống như công đoàn) bắt đầu xuất hiện đây đó nên có thể họ đã chịu ảnh hưởng. Nhưng lý do của công việc hôm nay chỉ đơn giản là cần phải lau dọn, không lau dọn sạch thì không được đón năm mới.
Thấy thế, tôi bèn quyết định tự mình làm, rồi đi lấy xô múc nước, cầm chổi lau chùi. Tôi đã đổ nước xuống sàn rồi lấy chổi cứng cọ sạch. Thấy vậy, một người trong số nhân viên nói “Tôi cũng làm”, rồi đi lấy xô múc nước, nhưng đa phần nhân viên còn lại chỉ nhìn mà không làm gì. Chắc là họ đang
do dự có nên giúp một tay hay không. Tôi tự hỏi tại sao họ lại làm thế nhỉ?
Tôi nghĩ không thể để như vậy được. Tinh thần và thái độ như thế là không thể đưa đến kết quả tốt trong công việc. Ngoài ra, dù không trực tiếp liên quan đến công việc chăng nữa thì đây cũng là biểu hiện của sự không biết lễ nghĩa, cách sống ở đời của con người. Tôi còn nghĩ có lẽ ý thức làm việc trong xưởng MATSUSHITA này của họ cũng không sâu, còn nông.
Tuy nghĩ thế nhưng tôi cho rằng, bản thân nhân viên chắc họ không biết thái độ như thế là xấu. Có lẽ họ chưa biết cách sống đúng đắn của con người là phải làm như thế nào. Và bản thân tôi, ông chủ xưởng, từ trước đến nay cũng chưa chỉ bảo họ điều như thế bao giờ. Vì vậy, trước khi trách nhân viên, phải tự trách mình. Nói đúng hơn, bản thân tôi cũng có trách nhiệm trong việc này, đã không dạy họ thái độ, tinh thần đúng đắn, hay nói cách khác, chưa dạy họ đầy đủ lẽ phải thường tình ở đời.
Nghĩ như thế, tôi đã quyết tâm sâu sắc từ bây giờ trở đi sẽ cùng mọi người suy nghĩ về vấn đề “Với tư cách là con người, phải sống như thế nào” và sẽ nói cho mọi người những điều mình cảm nhận. Giả sử, dù mọi người phản đối, dù làm cho họ phật lòng, tôi sẽ phải chỉ cho họ điều không thể không học, dứt khoát sẽ nói điều phải nói. Để nâng cao đạo đức xí nghiệp của toàn thể nhân viên, trước tiên phải đưa ra được sự chỉ đạo tinh thần. Dù mọi người có để ý hay không, tự mình phải dốc toàn lực vào việc này. Tôi đã quyết tâm mạnh mẽ việc phải chỉ giáo cho nhân viên.
Do gặp sự việc trên mà sau đó tôi mới để tâm hơn trước vào việc chỉ đạo cấp dưới, đào tạo nhân tài. Tôi rút ra một điều: với cương vị người chỉ đạo, phải nói điều cần nói, phải dạy điều cần dạy đối với nhân viên của mình. Nếu không làm điều đó thì thái độ thiếu trách nhiệm với công việc sẽ dẫn đến sự bất hạnh cho nhân viên, cửa hàng, công ty mà người đó phụ trách.
Đúng ra, nhà lãnh đạo hay giám đốc phải tự mình có trách nhiệm không ngừng kêu gọi “Theo tôi, các bạn nên làm như thế này, hãy làm như thế kia, đó là cách tốt nhất”. Người đứng đầu công ty, cửa hàng hay một nhóm người
nếu không kêu gọi như thế thì công ty, cửa hàng hay nhóm người ấy sẽ trở nên hư hỏng. Vì tôi đã phải nhận thức lại về tính chất sự việc trên, nên đối với tôi, việc lau dọn nhà vệ sinh đã trở thành một bài học quý giá.