(Bán ống chân không trong thời gian ngắn)
Phải nói rằng về mặt nào đấy, con người có ham muốn rất cao. Khi thấy người ta kiếm lời được ở mặt hàng nào đó là chúng ta cũng nhảy vào. Thời gian đầu còn tốt nhưng sau đó lại rơi ngay vào tình trạng cạnh tranh quá đáng và chẳng nơi nào có lãi cả. Tiếp đến là tình hình xấu đi, có nơi kinh doanh đi vào ngõ cụt, dẫn đến phá sản. Cảnh này xảy ra không ít trong xã hội. Nhưng tôi nghĩ, nếu muốn tránh tình cảnh đó thì không phải là không tránh được. Bản thân tôi đã có kinh nghiệm về chuyện này.
Đó là vào khoảng năm 1924, khi tôi đi lên thăm chi nhánh kinh doanh TOKYO của Công ty điện khí MATSUSHITA, thấy ống chân không đặt ở đó. Đây là lần đầu tiên tôi thấy cái gọi là “ống chân không”, dùng trong radio - mặt hàng mới bắt đầu bán trên thị trường hồi đó. Người đại diện chi nhánh đã nói với tôi “Cái này gần đây ở TOKYO đã bắt đầu bán được. Giám đốc đem về OSAKA bán thử xem”.
Nghe xong, tôi nghĩ “Cái này hay đấy” và nghĩ ngay đến việc bán ở OSAKA. Thế rồi tôi ra lệnh cho nhân viên đi đến xưởng chế tạo ống chân không bàn bạc. Nhưng thực tế là xưởng chế tạo có quy mô nhỏ, vốn không nhiều, đang ở trong tình trạng sản xuất không kịp đơn đặt hàng. Vì thế, tôi đã bảo đưa trước cho họ 3000 yên tương đương giá 1000 cái và yêu cầu họ chế tạo càng nhiều càng tốt gửi xuống OSAKA.
Trở lại OSAKA, tôi đã nhờ cửa hàng bán sỉ bán ống chân không này. Thời đó, ống chân không còn là một trong những vật hiếm, ít bán ở cửa hàng bình thường nên nhiều nơi vui mừng đến đặt hàng. Với tình hình này thì chỉ 5, 6 tháng sau Công ty MATSUSHITA đã được lời hơn mười ngàn, một món tiền khá lớn vào thời đó. Nhưng cũng vào lúc ấy, nơi chế tạo ống chân không dần dần nhiều lên, sản phẩm mới liên tiếp xuất hiện trên thị trường và giá cũng tự nhiên có khuynh hướng giảm xuống.
Trước tình thế đó, tôi cho rằng phải xem xét lại mặt hàng này. Cứ đà này, cơ hội có thể kiếm lời của Công ty MATSUSHITA sẽ giảm đi. Dẫu rằng hiện tại tiền không những không giảm đi mà hàng bán vẫn chạy và vẫn có thể kiếm lời. Tuy nhiên, vấn đề là tình huống đang thay đổi khác với từ trước đến bây giờ. Vậy thì phải đối phó với sự thay đổi đó thế nào. Nói khác đi, không nên để lệ thuộc vào hiện tại, cần nhìn vào tương lai để phán đoán sự việc.
Tôi đã nghĩ tới rút khỏi việc buôn bán ống chân không khi nhìn vào tương lai. Bởi vì vẫn còn bán được nên có thể nói là đáng tiếc. Bởi vì vẫn còn kiếm lời được nên bỏ thì về mặt nào đó phải nói là phí. Nhưng không thể bỏ qua sự thay đổi tình huống, phải nhìn vào tương lai để đưa ra cách ứng xử mới. Tóm lại là rút lui khỏi việc buôn bán ống chân không, việc mà tôi đã thoáng thấy cái lợi của nó. Tôi nghĩ Công ty đã kiếm được cả vạn yên tiền lời rồi, thế là đủ rồi, không nên tham hơn nữa.
Cuối cùng, tôi đã quyết đoán rút khỏi việc buôn ống chân không và nói ý đồ đó với xưởng chế tạo cũng như cửa hàng bán sỉ. Xưởng chế tạo rất vui mừng vì không mất một xu mà nhận được nhiều nơi mua sỉ ở OSAKA, nơi bán sỉ cũng không có dị nghị gì.
Quả thực sau đó 4, 5 tháng, giá các chi tiết của radio đều giảm đột ngột. Các xưởng, tiệm buôn các linh kiện lâu nay làm ăn có lời đến nay đều bị lâm vào cảnh rất khó khăn.
Công ty MATSUSHITA may mắn đã tránh được tổn thất vì đã biết rút lui trước khi việc xảy ra.
Câu chuyện chỉ đơn giản như thế nhưng ở đây tôi muốn nói: Việc tiến thoái trong ứng xử là quan trọng, cái gì cũng cần đúng lúc, vừa phải, đó là mấu chốt. Qua việc này tôi lại cảm thấy sâu sắc tầm quan trọng của việc biết dừng đúng lúc.