(Thành lập viện Chính trị - Kinh tế học MATSUSHITA)
Thông thường, con người ai cũng quan tâm đến chuyện trước mắt: sinh hoạt hàng ngày, vấn đề đang gặp phải, công việc, v.v... và thường bị những việc như thế chi phối làm đau đầu. Vì vậy, họ phải nghĩ đến một việc gì đó và hành động để sống qua ngày. Đấy phải chăng cũng là diện mạo bình thường của con người.
Nhưng, con người không chỉ sống với hiện tại mà còn sống cho ngày mai, ngày kia, sang năm, sang năm nữa. Đương nhiên, cũng có người giữa chừng mất đi nhưng về tổng thể con người không chỉ sống với hiện tại mà còn sống tiếp tục với tương lại.
Vậy thì cách sống trong tương lai sẽ ra sao ? Tốt hơn bây giờ hay xấu hơn? Ai biết được? Không biết được nhưng có điều họ giống nhau là đều mong muốn ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay.
Nhưng chỉ cầu mong cho ngày mai tốt hơn hôm nay thôi thì chưa đủ biến ước mơ thành hiện thực. Phải làm gì bây giờ cho ngày mai mới là quan trọng. Tháng 9 năm 1978, tôi đã phát biểu trước các ký giả về việc thành lập “Viện chính trị - kinh tế học MATSUSHITA”.
Đây là nơi sẽ đào tạo nhân tài cho Nhật Bản vào thế kỷ XXI. Sau khi phát biểu, nhiều báo, tạp chí v.v..., đã đưa tin, họ có nhiều ý kiến bình luận. Trong đó có nhiều ý kiến tán thành, nhưng cũng có nhiều ý kiến phê phán nghiêm khắc. Có lẽ vì tôi đột nhiên phát biểu tin này nên chắc có người cảm thấy khó hiểu.
Nhưng việc tôi có suy nghĩ thành lập Viện chính trị - kinh tế MATSUSHITA rốt cuộc cũng là chỉ vì nghĩ đến tương lai của nước Nhật. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào hiện tại và làm thế nào để sống qua ngày thì như thế có đúng không? Khi nghĩ đến nước Nhật của ngày mai, của thế kỷ XXI, tôi nghĩ
đúng là cần phải đào tạo nhân tài đáp ứng cho thời đại.
Nghĩ lại, hơn 30 năm trước, tôi đã sáng lập ra Trung tâm nghiên cứu PHP (Peace and Happiness through Prosperity – Hoà bình, hạnh phúc trên cơ sở của sự phồn vinh) và đề xướng các hoạt động cho PHP, đây cũng là tâm nguyện về sự phồn vinh, hoà bình và hạnh phúc chân thật của người Nhật và nước Nhật.
Thời đó, ngay sau chiến tranh, nước Nhật thiếu thốn vật tư hàng hoá, tình cảnh xã hội bi thảm. Một mặt, mọi người lo chạy quanh để kiếm cái gì ăn cho đỡ đói qua ngày; mặt khác, lo làm một việc bất kỳ nào đó. Để lý giải tình trạng khốn khó này, để mở đường cho tương lai, nhưng hoạt động chính trị không những đã không thể tạo ra thành quả tốt đẹp, mà tình hình lại ngày càng xấu đi. Tôi nghĩ không thể để vậy được và từ tâm nguyện “làm thế nào để cải thiện hiện trạng và đem lại cho mọi người tương lai tốt hơn”, tôi đã đề xướng ra PHP.
Thật là hạnh phúc, Nhật Bản đã nhận được viện trợ từ nơi khác, nhưng cũng nhờ sự nỗ lực của chính bản thân người Nhật nên nước Nhật đã phục hồi nhanh chóng. Về mặt vật chất tương đối giàu có lên đây là điều thật đáng mừng.
Nhưng ngược lại, về mặt đạo đức và tinh thần trong người Nhật còn có nhiều vấn đề không tốt, tình trạng hư hỏng trong thanh thiếu niên, tình trạng phạm pháp và tự sát lây lan trong lớp người trẻ tuổi. Nhiều hiện tượng có thể trông thấy như trật tự của xã hội bị xâm phạm, con người đã quên đi mình phải sống như thế nào. Người ta quên đi trách nhiệm phải làm của bản thân và có khuynh hướng chỉ chạy theo nhu cầu về sự giàu có về phương diện vật chất.
Tại sao lại sinh ra mất đạo lý như thế ? Tôi nghĩ, lý do không thể nói đơn giản, có nhiều cách nhìn khác nhau trước mắt, và đang mất đi ước mơ về nước Nhật của ngày mai, Nhật Bản trong tương lai. Đây cũng là một nguyên nhân chăng? Thiết nghĩ, con người ai cũng thế, khi tạo dựng cho mình ước
mơ, vươn tới thực hiện ước mơ đó và cố gắng sống thì nhìn dưới góc độ nào có lẽ đều thấy dáng mạo đẹp đẽ của cuộc sống.
Thế rồi, ước mơ đó không phải của mọi người mà trở thành của nhiều người, và khi họ cùng đem trí tuệ, sức lực ra thực hiện mới sinh ra sự vươn tới mạnh mẽ hài hoà, họ mới có niềm vui sống trong cuộc đời, tôi nghĩ như thế.
Theo tôi, quốc dân Nhật Bản chúng ta cùng nhau dệt nên ước mơ về tương lai của Nhật Bản là điều cần thiết. Để hướng tới thực hiện ước mơ đó, mọi người cùng hợp tâm hợp sức, tuỳ theo vị trí, cương vị mà sống hết mình là điều quan trọng. Điều này không có nghĩa là đưa từng người vào khung, quản thúc suy nghĩ và hành động mà ngược lại, làm thế nào để mỗi người tự do phát huy mạnh mẽ năng lực của mình.
Làm được thế thì tương lai thế kỷ XXI sẽ hiện ra trước mắt chúng ta. Để đưa nước Nhật của thế kỷ XXI trở thành đất nước như mong muốn, tôi muốn dệt ước mơ tương lai cùng các bạn, trên mỗi cương vị hãy cùng nhau hướng tới thực hiện ước mơ này.
Tại sao tôi nghĩ đến cái gọi là Viện chính trị - kinh tế học MATSUSHITA? Tóm lại, vì muốn làm cho tương lai nước Nhật được như mong muốn, muốn thực hiện ước mơ đó. Tôi đã thuật lại nhiều ước mơ của mình trong quyển “Ước mơ của tôi, ước mơ của Nhật Bản, Nhật Bản trong thế kỷ XXI” (Trung tâm PHP xuất bản). Nếu được bạn đọc tham khảo thì thật là hạnh phúc.
Kết quả như thế nào? Điều này đương nhiên là không ai biết được. Riêng với tôi, nếu vận trời cho nước Nhật tốt thì chắc Viện chính trị - kinh tế học này thành công, đào tạo được nhiều nhân tài. Dù sao chăng nữa, với tư cách là một người Nhật Bản, tôi mong mỏi nó nhất định thành công.