(Câu chuyện trả lại lương)
Theo tôi, cũng là con người trong xã hội, tuỳ theo địa vị của từng người mà người đó có một trách nhiệm tương xứng. Và nếu mỗi người làm tròn trách nhiệm của mình, thì sự việc sẽ tiến hành trôi chảy và chúng ta sẽ đạt kết quả mong muốn. Nếu mọi người không biết nghĩ đến trách nhiệm thì sự việc sẽ không vận động đúng đắn và xã hội này khó mà phát triển. Vì thế tôi nghĩ, mỗi người trong chúng ta ai cũng làm tròn trách nhiệm là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta chứng kiến không ít cảnh trách nhiệm không rõ ràng, bị coi nhẹ. Phải chăng đây là cảnh thường xảy ra trong xã hội?!
Vào tháng 1 năm 1946, tức là 4 tháng sau khi kết thúc chiến tranh, thời đó ngành sản xuất của Nhật Bản bị tê liệt lớn vì bại trận, cảnh phục hưng rõ nét vẫn chưa nhìn thấy. Tuy thế Công ty điện khí MATSUSHITA đã trưởng thành mạnh mẽ từ trong cảnh hỗn loạn đó, một mạch tiến trên con đường phục hồi. Với khí thế tiến lên như thế, có thể nói phục hồi ngành sản xuất của Nhật Bản bắt đầu từ Công ty điện khí MATSUSHITA.
Nhân dịp đón xuân năm 1946, tôi nghĩ nước Nhật không thể tiếp tục mãi cảnh hỗn loạn thế này, năm nay có thể là năm khởi đầu cho sự tái thiết đất nước. Và tôi đã quyết tâm sâu sắc rằng, để đóng góp vào sự nghiệp trên, những nhà sản xuất như chúng tôi phải tự giác phấn đấu cao.
Tôi nghĩ, để toàn bộ nền sản xuất của nước Nhật tiến lên trên con đường phục hưng mạnh mẽ, trước tiên những nhà sản xuất phải cùng nhau nâng cao cái gọi là “ý thức lao động”. Nói cách khác, để phục hưng nước Nhật Bản, điều kiện tiên quyết là người dân phải có ý muốn làm việc hăng say; đồng thời phải cùng nhau khơi dậy và phát huy tốt tính cần mẫn sẵn có của người Nhật Bản. Nếu đổ lỗi vì thua trận, rồi rơi vào cảnh khốn khó nên mất ý muốn làm việc, trở nên lười biếng thì không thể gánh vác vai trò tiên phong
trong việc phục hưng được. Do đó, đối với Công ty điện khí MATSUSHITA cũng vậy, tôi nghĩ điều quan trọng là các cán bộ lãnh đạo phải tiên phong làm gương, cho mọi người thấy những tấm gương lao động mẫu mực.
Vậy thì trước tiên tôi phải làm gương. Cứ như ngày trước, tôi thường hay nghỉ hoặc đến công ty trễ do người không được khoẻ. Nhưng năm nay tôi quyết sẽ sửa và không đi trễ hoặc nghỉ làm.
Thế rồi sáng ngày mồng 4 Tết, tôi lên xe điện đi làm và xuống ga UMEDA đứng chờ ô tô của công ty đến đón. Chờ bao lâu cũng không thấy xe đến nên tôi đành phải leo lên xe điện thành phố. Nhưng lúc xe sắp chuyển bánh thì mới thấy ô tô đến từ đằng xa.
Tôi đã hấp tấp xuống xe điện và leo lên ô tô. Tuy bác tài vội vã lái xe về công ty nhưng cũng không kịp, và kết quả là tôi đến trễ 10 phút.
Tôi đã quyết tâm không đi trễ, nhất là ngày đầu xuân của năm đầu tiên mở màn phục hưng nước Nhật, thế mà lại đi trễ thế này. Đúng ra tôi phải tiên phong làm gương cho mọi người nhưng ngay từ đầu đã đi trễ thì thật là đáng tiếc, đáng xấu hổ.
Sau đó tôi hỏi nguyên nhân tại sao xe đến trễ, thì được biết không có sự cố lớn mà chỉ là do thiếu chú ý. Đối với toàn thể nhân viên đã chờ tôi, đối với công ty tôi thật có lỗi. Tôi đau lòng phải làm sáng tỏ trách nhiệm này.
Vậy thì quy trách nhiệm thế nào cho đúng trong trường hợp này. Đối với việc thiếu chú ý để xe đến đón trễ, tôi ra lệnh giảm lương tháng đó của người có trách nhiệm trực tiếp lẫn người có trách nhiệm gián tiếp (cấp trên điều hành). Tất cả gồm 8 người. Còn đối với bản thân tôi, giám đốc, vì không quán xuyến được hết nên tôi đã xin lỗi mọi người trong cuộc họp buổi sáng và tự giác không nhận lương tháng đó.
Khi ấy, tôi đã nghĩ, nếu mỗi nhân viên không nhận thức sâu sắc về trách nhiệm thì công việc không tiến triển và sẽ không đạt được mục đích. Chỉ khi
nào mỗi người nhận thức được đầy đủ trách nhiệm, phát huy đúng đắn trách nhiệm, chỉ khi nào ý thức lao động được khơi dậy cao thì nền sản xuất của nước Nhật mới được phục hưng mạnh mẽ.
Để có thể cùng nhau mỗi người làm tròn trách nhiệm của mình, tôi nghĩ điều quan trọng là phải thưởng phạt nghiêm minh. Tôi nghĩ, phải nghiêm khắc trong việc thưởng ai tự giác hoàn thành trách nhiệm và làm việc tốt, phạt ai xem nhẹ trách nhiệm và làm việc qua loa.
Việc tôi đã xử trí nghiêm khắc đối với bản thân mình và 8 người liên quan trực tiếp và gián tiếp đến việc tôi đến trễ 10 phút cũng là để thúc đẩy mạnh tinh thần trách nhiệm, cũng là để thực hành đúng đắn cái gọi là “thưởng phạt nghiêm minh”.