4.CHÚC MỪNG SAU KHI ĐƯỢC PHÉP

Một phần của tài liệu QUYẾT ĐOÁN TRONG KINH DOANH (Trang 129 - 132)

(Thành lập nghiệp đoàn lao động MATSUSHITA)

Theo cách nhìn, cách suy nghĩ chung thì có thể nói nghiệp đoàn và nhà kinh doanh tương phản với nhau, đối lập với nhau về quyền lợi. Đúng thế, về một phần nào đó thì không thể nói là không có khuynh hướng trên. Nhưng nếu hỏi bản thân tôi nghĩ sao thì tôi xin nói rằng, sự phát triển lành mạnh của nghiệp đoàn lao động có lợi cho xã hội, là điều đáng mong muốn.

Nhìn lại quá khứ, vào tháng 1 năm 1946, khi thành lập nghiệp đoàn lao động đầu tiên trong Công ty Điện khí MATSUSHITA, với tư cách giám đốc, tôi đã phát biểu chúc mừng.

Thời ấy, nếu nói về khuynh hướng chung của xã hội thì các nhà kinh doanh không thích thành lập nghiệp đoàn. Đặc biệt, trong làn sóng dân chủ hóa sau chiến tranh lúc ấy, xảy ra hiện tượng khắp nơi thành lập nghiệp đoàn và triển khai nhiều cuộc vận động tương đối quá kích. Nơi nào thành lập nghiệp đoàn là ở đó ồn ào vì nảy sinh ra nhiều yêu cầu khó mà điều hành công việc của công ty suôn sẻ, chí ít thì cũng không đi theo đúng ý của nhà kinh doanh. Vì thế, đối với nhà kinh doanh, việc thành lập nghiệp đoàn là điều không vui. Vì không hài lòng nên hầu hết các ông chủ không đi tham dự lễ ra mắt của nghiệp đoàn. Đây là cảnh bình thường lúc ấy.

Nhân lễ ra mắt nghiệp đoàn lao động của Công ty MATSUSHITA vào tháng 1 năm 1946, việc giám đốc đi tham dự có thể nói là ngoại lệ, hầu như không có trong xã hội. Nhưng vì đối với nhân viên trong công ty mình, từ trước đến nay, tôi vẫn có tình cảm thân thiết như anh em, và ngược lại chắc họ cũng có tình cảm như thế, nên tôi nghĩ việc ra đời nghiệp đoàn lao động xuất phát từ ý muốn của họ, nên xem là điều đáng mừng. Do đó, khi nghe nói họ sẽ làm lễ ra mắt nghiệp đoàn ở hội trường NAKANOSHIMA ở OSAKA ngày 30 tháng 1, tôi tự nhiên nghĩ mình sẽ đi tham dự và phải nói lời chúc mừng với tư cách giám đốc…Tới ngày ấy, tôi đã đến hội trường và thấy

đông nghịt người.

Tới phần mọi ngừơi phát biểu lời chúc mừng, thì tôi cũng xin phát biểu. Nhưng thay vì nhận được lời đáp “Xin mời ngài phát biểu” thì oái ăm thay tôi lại được câu trả lời “Xin chờ một tí, để tôi bàn với các vị khác đã”

Thế rồi, Ngài chủ tọa hướng về mọi người hỏi ý kiến “Bây giờ ông MATSUSHITA đã đến đây và muốn nói lời chúc mừng, các bạn đồng ý hay thế nào xin cho biết”. Tôi hơi ngạc nhiên và cảm thấy rõ rằng tình thế đã thay đổi so với ngày hôm qua.

Nhưng cũng may lúc đó phần lớn thành viên đã vỗ tay tán thành và họ quyết định “nhận lời chúc mừng”. Sau đó tôi mới được phép bước lên diễn đàn.

Trên diễn đàn tôi đã phát biểu lời chúc mừng với nội dung như sau:

“Từ bây giờ trở đi, Nhật Bản sẽ đi vào thời kỳ quan trọng, phục hưng từ cảnh hoang tàn đổ nát, việc ra đời nghiệp đoàn lao động là điều rất đáng vui mừng trong ý nghĩa tái thiết nước Nhật Bản mới, căn cứ trên chủ nghĩa dân chủ thực sự, tôi xin bày tỏ lời chúc mừng từ đáy lòng đến các bạn. Về cơ bản, tôi là người tán đồng phong trào thành lập nghiệp đoàn. Chắc nghiệp đoàn sẽ quyết định nhiều vấn đề và đề đạt nguyện vọng cũng như yêu cầu đối với công ty. Nếu là vấn đề ích quốc, lợi dân, có lợi cho các bạn thì tôi vui lòng xin nghe. Nhưng cái gì không đáng nghe thì tôi sẽ không nghe. Chúng ta hãy cùng nhau hợp sức để tiến lên tái thiết Nhật Bản”.

Sau khi xuống khỏi diễn đàn với những lời như thế thì các thành viên chật cứng trong hội trường đã vỗ tay vang lên như pháo nổ. Vì tôi đã nói sẽ nghe điều họ muốn nói nên việc họ vỗ tay là điều đương nhiên. Trong lời nói còn có dư âm của nó nên người nghe sẽ tự hiểu lời nói đó có thật lòng hay không. Tôi nghĩ, mọi người đã hiểu lời tâm tình của tôi nên họ vỗ tay to vang và cảm kích như thế.

Tối hôm ấy, tôi đã gặp ông KATO, người của Đảng xã hội đã tham dự đại hội ra mắt ban sáng. Ông ta nói : “Để thành lập nghiệp đoàn lao động, tôi đã đi nhiều công ty trên toàn quốc nhưng chưa thấy nhà kinh doanh nào tham dự đại hội ra mặt nghiệp đoàn lao động của công ty lớn với quy mô mấy ngàn người. Nhưng ở Công ty MATSUSHITA, giám đốc lại đàng hoàng đi đến chúc mừng và tỏ ý tán thành việc thành lập nghiệp đoàn. Tôi thật kinh ngạc”.

Từ lúc ấy trở đi, tôi vẫn trước sau như một không thay đổi thái độ đối với nghiệp đoàn. Việc nghiệp đoàn phát triển lành mạnh sẽ trở thành sức mạnh của Công ty MATSUSHITA, là điều tất yếu để xây dựng công ty phù hợp với nó. Nói cách khác, trong việc kinh doanh của công ty, nhà kinh doanh và nghiệp đoàn giống như hai bánh xe trên cùng một trục. Chỉ một bên lớn mạnh còn một bên nhỏ đi thì xe không thể hoạt động tốt được. Chỉ khi nào có sự quân bình giữa hai bên thì xe mới vững tiến được. Đấy là triết lý của tôi đối với nghiệp đoàn.

Một phần của tài liệu QUYẾT ĐOÁN TRONG KINH DOANH (Trang 129 - 132)