* Thành công:
Hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu đến gần 80 quốc gia, lãnh thổ thuộc khắp các châu lục. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam còn rất non trẻ, được thành lập năm 2001, đến nay đã kết nạp được 54 hội viên đủ các thành phần kinh tế, đã trở thành nòng cốt trong hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu. Tháng 03/2005, Việt Nam được kết nạp vào Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam là người thừa hành tham gia các hoạt động của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế. Vai trò, tiếng nói của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã và đang có vị thế quan trọng ngành Hồ tiêu trong nước và quốc tế .
Tại hội nghị hồ tiêu quốc tế tổ chức tại Malaysia mới đây, Thứ trưởng Bộ NN- PTNT VN Diệp Kỉnh Tần đã được bầu vào cương vị Chủ tịch IPC, năm 2008. Cũng trong năm 2008, VN sẽ tổ chức hội nghị hồ tiêu quốc tế tại TPHCM. Đây là những sự kiện có ý nghĩa rất lớn đối với ngành hồ tiêu VN. Đồng thời, nó khẳng định vai trò quan trọng của hồ tiêu VN trên thị trường quốc tế. Hiện VN đang chiếm hơn 50% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu toàn thế giới. Vì vậy, chỉ cần ngành hồ tiêu VN có triệu chứng “ho hen” một chút cũng có thể gây ra những biến động trên thị trường thế giới.
Chủng loại, chất lượng mặt hàng Hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu ngày càng đa dạng, tốt hơn trước. Lượng tiêu trắng xuất khẩu những năm trước đây rất ít, nhưng mấy năm gần đây đã đạt khá. Năm 2004 tiêu trắng xuất khẩu đạt 9.228 tấn, chiếm 8,6 %/tổng số xuất khẩu, năm 2005 xuất khẩu 10.037 tấn, chiếm 10,4 %/tổng số, năm 2006 đạt 17.872 tấn, chiếm 16%/ tổng số xuất khẩu.
Ngành hàng Hồ tiêu nước ta đã có mạng lưới lưu thông mua bán, thu gom rộng khắp các vùng sản xuất, với hàng trăm thương lái, đại lý: cung ứng cho hơn 60 doanh
nghiệp thuộc đủ các thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu trực tiếp với khách hàng nước ngoài.
Vài ba năm trở lại đây nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các dây chuyền sản xuất tiêu sạch, chế biến hạt tiêu, vì vậy chất lượng hạt tiêu Việt Nam đã cải thiện đáng kể, giảm dần việc xuất khẩu hạt tiêu thô, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời, để nâng cao chất lượng hạt tiêu, ngay từ khâu thu hoạch, người nông dân đã chú trọng đến việc thu hái và bảo quản hồ tiêu.
*Khó khăn, hạn chế
Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu vẫn chưa biết làm ăn theo đúng quy luật kinh doanh – bán cái khách hàng cần, mà vẫn chỉ bán những gì chúng ta có. Vì vậy, mới có ý kiến cho rằng thương hiệu của cây tiêu VN còn mờ nhạt trên thị trường quốc tế.
Vấn đề tồn tại của ngành hồ tiêu hiện nay là tính ổn định trong chất lượng sản phẩm và việc đầu tư để tăng cường chất lượng còn chưa thỏa đáng. Trong khi đó, mối liên kết giữa các doanh nghiệp và nông dân vẫn còn rất yếu và lỏng lẻo. Với giá tiêu cao như hiện nay, nông dân gặp rất nhiều thuận lợi nhưng các doanh nghiệp lại phải đau đầu về giá cả. Một vấn đề nữa là khi hạt tiêu mất giá, nông dân đua nhau phá bỏ, còn khi được giá, họ lại đổ xô đi trồng trọt, mở rộng diện tích. Vì vậy, rủi ro là điều không thể tránh khỏi.
Chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, hồ tiêu đen chiếm trên 95% tổng sản lượng của cả nước, trong khi thị hiếu thế giới hiện nay lại ưa chuộng loại hồ tiêu trắng và hồ tiêu sạch. Hồ tiêu của Việt Nam thường có giá xuất khẩu thấp hơn sản phẩm của các nước khác từ 200-300 USD/tấn (có lúc thấp hơn đến 500 USD/tấn).
Bên cạnh đó, phần lớn hạt tiêu của Việt Nam không được xuất khẩu trực tiếp tới khách hàng mà phải qua các nhà phân phối trung gian. Cùng với những hạn chế trong công tác xúc tiến thương mại, thông tin về thị trường, hạt tiêu của Việt Nam luôn bị thua thiệt về giá so với các nhà xuất khẩu khác trong khi chất lượng không hề thua kém.
Do cung cầu, giá cả thị trường xuất nhập khẩu Hồ tiêu thế giới luôn luôn biến động, do tác hại của thời tiết, sâu bệnh đến sản xuất, do hạn chế về vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, do thiếu kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh và do vai trò điều tiết, trợ giúp của nhà nước… còn nhiều bất cập, nên đã ít nhiều làm hạn chế hiệu quả sản xuất, kinh doanh của ngành hàng Hồ tiêu.