a. Giới thiệu chung
Tính đến nay, vừa tròn 110 năm cây cao su được du nhập vào Việt Nam (1897) và 100 năm hình thành những đồn điền kinh doanh (1907). Diện tích trồng cây cao su đã tăng rất nhanh, từ 7.077 ha tập trung tại các tỉnh Đông Nam Bộ vào năm 1920; đã tăng lên đến 480.200 ha trên cả nước, cho tổng sản lượng mủ khai thác đạt 468.600 tấn.
Còn việc phát triển cây cao su trong nước thì sao? Theo các chuyên gia ở Tập đoàn Cao su Việt Nam, vào năm 2010, diện tích cao su có thể đạt mức 700.000 ha; trong đó diện tích khai thác từ 420.000 đến 450.000 ha và cho sản lượng trên 600.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu vẫn giữ được ở mức trên 1 tỷ USD. Đến năm 2015, diện tích khai thác đạt 520.000 đến 530.000 ha, và sản lượng ước đạt 750.000-800.000 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 1,5 tỷ-1,6 tỷ USD.
Những số liệu ghi nhận được cho thấy, việc phát triển mạnh mẽ cây cao su trong cả nước chỉ được bắt đầu từ sau năm 1975. Nhất là từ năm 1982, Nhà nước có chiến lược đẩy mạnh tốc độ phát triển ngành cao su, và diện tích trồng mới đã tăng nhanh từ 5.000 ha/năm lên 20.000 ha/năm. Trong những năm 1990, cao su tiểu điền lại được khuyến khích phát triển không chỉ trong những dự án của Nhà nước, mà phần lớn do dân tự đầu tư.
Theo thống kê năm 1976, tổng diện tích cao su mới chỉ có 76.600 ha (riêng các tỉnh phía Bắc có khoảng 5.000 ha), với sản lượng 40.200 tấn. Năm 2005, cả nước đã có 480.000 ha, và đạt sản lượng 468.600 tấn mủ. Riêng khối quốc doanh có khoảng 287.800 ha (chiếm 72,7%) và 380.500 tấn (81,2%) với năng suất khá cao, do áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và giống cao sản. Diện tích cao su tiểu điền và tư nhân ước khoảng 194.370 ha (chiếm 40,5% tổng diện tích) và sản lượng khoảng 88.000 tấn (chiếm 19% tổng sản lượng).
Vị thế của ngành cao su Việt Nam trên thế giới ngày càng được khẳng định. Trước năm 2005, Việt Nam là nước sản xuất cao su thiên nhiên đứng thứ 6 trên thế giới (sau các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, và Trung Quốc). Năm 2005, nhờ sản lượng tăng nhanh hơn Trung Quốc, Việt Nam đã vươn lên hàng thứ 5 trong số các nước sản
xuất cao su thiên nhiên trên thế giới.
Nhờ giá cao su liên tiếp đạt ở mức cao trong nhiều năm góp phần kinh doanh thuận lợi và đạt hiệu quả cao nên diện tích vườn cây cao su đã và đang được mở rộng đáng kể. Hiện nay, cây cao su không những phát triển mạnh ở miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung mà còn được trồng ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An. Nếu như đến năm 1995, cả nước chỉ có 181.000 ha cao su thì đến thời điểm hiện nay (2007), tổng diện tích cao su trên toàn quốc đạt gần 550 nghìn ha. Trong đó khu vực quốc doanh chiếm trên 70% diện tích, còn lại là diện tích cao su tiểu điền, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bình Phước, Quảng Trị, Bà Rịa-Vũng Tàu… Ngoài ra, Việt Nam còn có hàng
trăm ngàn hécta cao su tại Lào và Campuchia. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, sản lượng cao su của Việt Nam năm 2007 đạt 600.000 tấn, tăng 8,3% so với 553.500 tấn năm 2006. Dự báo diện tích cao su có thể đạt mức 700.000 ha vào năm 2010, trong đó diện tích khai thác từ 420.000 - 450.000 ha và cho sản lượng trên 600.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu vẫn giữ được ở mức trên 1 tỷ USD. Đến năm 2015, diện tích khai thác đạt 520.000 - 530.000 ha, sản lượng ước đạt 750.000 - 800.000 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 1,5 - 1,6 tỷ USD.
Trong những năm gần đây, cây cao su đang trở thành một cây trồng thế mạnh và thu hút được nhiều người trồng bởi giá trị kinh tế to lớn. Nông dân ở các tỉnh trồng nhiều cao su như Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Quảng Trị,… cũng giàu lên nhờ cây cao su. Sản lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam trong mấy năm qua tăng khá mạnh, từ chỉ có 220.000 tấn năm 1996 lên 600.000 tấn năm 2007.