Thị trường than, cả trong và ngoài nước, cầu đã lớn hơn cung. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngành than đang đứng trước những thách thức không nhỏ trong chiến lược phát triển bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Chỉ tính riêng nhu cầu điện cho nền kinh tế trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, mỗi năm nước ta cần thêm khoảng 4.000MW. Hiện, tiềm năng thuỷ điện đã khai thác gần như cạn kiệt. Vì vậy, việc quy hoạch - xây dựng các trung tâm nhiệt điện đã được tính đến. Minh chứng là Quy hoạch điện VI với 7 trung tâm điện lực lớn đã được phê duyệt
(Mông Dương, Nghi Sơn, Vĩnh Tân, Ô Môn, Trà Vinh, Sóc Trăng, Thái Bình) và một số trung tâm điện lực đang được nghiên cứu bổ sung ở các tỉnh: Hải Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thanh Hoá, Bình Thuận. Điều này đồng nghĩa với việc cần một lượng lớn than để cung cấp cho các dự án này. Đó là chưa kể đến nhu cầu than phục vụ cho các ngành kinh tế trọng điểm khác, như: ngành xi măng, ngành giấy, ngành sản xuất phân bón,… và nhu cầu tiêu dùng cũng đang ngày càng gia tăng.
Từ thực tế nhu cầu tiêu thụ than trong nước, ngành than ước tính cho các năm 2010 là 37 triệu tấn và đến năm 2025 là 308 triệu tấn, trong khi đó, sản xuất than đến năm 2010 ước đạt 47 triệu tấn và đến năm 2025 là 80 triệu tấn. Như vậy, đến năm 2010, Việt Nam chỉ còn dư 10 triệu tấn để xuất khẩu(?!). Từ năm 2012, nước ta bắt đầu phải nhập khẩu than. Theo con số thực tế sản xuất và tiêu dùng hàng năm thì số lượng phải nhập dự kiến năm 2015 là 34 triệu tấn, vào năm 2025 là 228 triệu tấn.
Vì thế, ngành than lên tiếng cảnh báo: để có đủ nguồn than phục vụ nhu cầu trong nước, kể từ năm 2012, nước ta sẽ phải nhập khẩu than !
Trên thực tế thì không phải chúng ta không tính trước được điều này. Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo và giao cho ngành than chủ động trong việc tìm kiếm nguồn than nhập khẩu để phục vụ nhu cầu thiếu hụt trong tương lai. Cũng chính vì lẽ đó, trong đề án xuất khẩu than 2006 - 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (năm 2006) thì việc xuất khẩu than đá phải giảm dần để phục vụ nhu cầu trong nước. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu than sẽ duy trì ở mức 11 triệu tấn trong năm 2006 - 2007, năm 2008 giảm còn 10 triệu tấn, năm 2009 còn 9 triệu tấn và đến 2010 còn 8 triệu tấn.
Tuy nhiên, theo con số thực tế của ngành than công bố năm 2007 thì ngành than đã sản xuất ra và tiêu thụ hết 40,9 triệu tấn than, tăng gần 10% so với năm 2006, trong đó, đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng trong nước hơn 17 triệu tấn, còn lại xuất khẩu 23,8 triệu tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2006. Theo một tài liệu khác thì năm 2007, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 32,5 triệu tấn than, gấp 3 lần con số Chính phủ cho phép.
Sự kiện 6 tháng đầu năm 2008, toàn ngành than khai thác được 23,6 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ 21,5 triệu tấn (trong đó tiêu thụ nội địa hơn 10 triệu tấn và xuất khẩu hơn 11 triệu tấn). Như vậy là số lượng than xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm của toàn ngành than đã nhiều hơn con số thực tế mà Chính phủ cho phép xuất khẩu của cả năm 2008 là hơn 1 triệu tấn. Đó là chưa kể nhiều triệu tấn than đã bị xuất lậu sang bên kia biên giới và trở thành sự kiện nóng hổi nhất về tình trạng xuất lậu khoáng sản trong 6 tháng đầu năm ở nước ta.
Báo cáo của Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, hiện nhu cầu sử dụng than của cả nước chỉ chiếm 50% tổng lượng than khai thác được.
Tuy nhiên, đến năm 2013 nước ta sẽ phải nhập khẩu than vì không đáp ứng nổi nhu cầu.
Tại hội thảo liên quan đến vấn đề than sạch hơn do USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ) phối hợp tổ chức tại Quảng Ninh, ông Trần Xuân Hoà, Tổng giám
đốc Vinacomin cho biết, hiện cả nước sản xuất khoảng 40 triệu tấn than, lượng tiêu thụ trong nước chiếm 50% (số còn lại là xuất khẩu), trong đó riêng các Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) đã tiêu thụ đến 6 triệu tấn/năm. Đến năm 2020 nhu cầu về điện tại nước ta sẽ lên tới 20 triệu tấn than/năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc sử dụng than trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là tại các NMNĐ đang rơi vào tình trạng lãng phí do sử dụng công nghệ lạc hậu.
Theo ông Trần Hồng Nguyên, Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương), ngoài NMNĐ Phả Lại 2, nhiều NMNĐ khác như: than Uông Bí, Ninh Bình, Phả Lại ... đều sử dụng thiết bị chế tạo từ những năm 70. Nhưng thiết bị này cho năng suất thấp nhưng mức độ tiêu hao nhiên liệu rất cao cao.
Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến giá thành sản xuất điện năng tăng cao. Bên cạnh đó, các thiết bị lọc bụi của các NMNĐ kiểu cổ này còn thải ra môi trường lượng bụi rất lớn, gây hiệu ứng nhà kính và tác động đến quá trình biến đổi khí hậu.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, lượng khí thải và bụi từ việc đốt than trong các NMNĐ hiện nay chiếm trên 100.000 tấn/năm. Như vậy, chỉ riêng việc tiêu thụ 20 triệu tấn than/năm của các NMNĐ vào năm 2020 sẽ thải ra môi trường một khối lượng khổng lồ khí thải và bụi vào không khí.
Ông Trần Xuân Hòa cũng cho rằng, việc cải tiến công nghệ trong việc đốt than ở các NMNĐ không những làm giảm được lượng khí thải phát ra mà còn hạn chế được lãng phí, tiết kiệm nhiên liệu.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi nguồn nguyên liệu than đang cạn kiệt, tình trạng ô nhiễm không khí và các bệnh liên quan đến không khí bị ô nhiễm gia tăng.