Không gian của vùng biển đảo Bắc Bộ bao gồm phía Tây là ranh giới hành chính của các huyện, thị, quận, còn phía Đông là đường phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2000
(LV Lợi, 2007), về mặt hành chính thuộc 5 tỉnh và thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. DVB và các đảo ven bờ Bắc Bộ có 27 đơn vị hành chính, với diện tích 6.778km2 và dân số 2.900.500 người (2008), mật độ 427,9 người/km2, cùng 515km đường bờ biển.
Như đã nêu ở trên, trong không gian nghiên cứu có 2.321 đảo với diện tích 841,157km2, có 4 huyện đảo và một số xã đảo; tại đây có 7 vũng vịnh. Hàng năm các sông của Bắc Bộ đổ ra biển một lượng nước khoảng 128km3 và khoảng 116 triệu tấn bùn cát (trước khi có Hồ Hòa Bình). Để cho gọn chúng tôi gọi không gian nghiên cứu đó là đới bờ (hoặc vùng bờ biển) Bắc Bộ.
2.2.2. Vị thế và tài nguyên địa-tự nhiên
Đới bờ Bắc Bộ vượt trội so với các vùng biển đảo khác về số lượng đảo và diện tích đảo, có mật độ dân số cao hơn nhiều so với trung bình của cả đới bờ Việt Nam cũng như so với cả nước (427,9 so với 332,6 của đới bờ và 260,3 người/km2 của cả nước), tuy nhiên hệ số áp lực đới bờ cũng chỉ tương đương với trung bình của cả nước (5,6/5,7); đới bờ có đường biên giới với Trung Quốc chẳng những trên đất liền mà cả trên biển, nơi đã có một Hiệp định hợp tác nghề cá được ký kết năm 2000.
+ Đới bờ Bắc Bộ có điều kiện tự nhiên đa dạng
Trước hết xuất phát từ đặc điểm địa chất và điều kiện khí hậu, đới bờ này có sự đa dạng về các dạng địa hình với nhiều nguồn gốc khác nhau, với các dãy núi đơn nghiêng, núi khối tảng, khối núi karst, bề mặt đồi trước núi, các thung lũng sông, các đồng bằng châu thổ và đồng bằng ven biển, các bề mặt bãi triều, cửa sông, vũng vịnh, đảo biển-đồi sót karst, v.v., và tất cả chúng đã tạo nên nhiều thắng cảnh nổi tiếng trong nước và thế giới (Hạ Long-Cát Bà, Bái Tử Long).
Từ đó đới bờ này trở nên đa dạng về các HST: HST rừng mưa nhiệt đới trên núi đồi ven biển;
HST nông nghiệp trên đồng bằng châu thổ và đồng bằng ven biển; HST vùng triều, cửa sông, HST thảm cỏ biển, HST rừng ngập mặn, HST rạn san hô, v.v. Kết quả tiến hóa tự nhiên cuối cùng là sự đa dạng về cảnh quan, như là sự chồng chập các HST và địa hình với đặc điểm đá mẹ, thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu khu vực, đồng thời tạo nên sự chuyển đổi nhanh chóng của chúng trong không gian, là nhân tố hấp dẫn của vùng.
+ Đới bờ Bắc Bộ có tài nguyên phong phú và đặc thù
Do nằm ở ranh giới của biển và lục địa, đới bờ Bắc Bộ đã sở hữu nhiều tài nguyên quý giá, cả phi sinh vật và sinh vật, trong đó tài nguyên phi sinh vật có khoáng sản, đất đai và cảnh quan thiên nhiên. Đặc biệt ở vùng biển-đảo Quảng Ninh và Hải Phòng có tới 17 di sản địa chất-địa mạo cần được bảo tồn. Một tài nguyên quý giá và đặc thù của DVB Bắc Bộ là đất đai phù sa bồi tụ, hàng năm mở rộng đồng bằng về phía biển có nơi đến 100m, như cửa Đáy; và tạo nên các cồn cửa sông như cồn Ngạn, cồn Lu, cồn Vành. Một dạng tài nguyên đặc thù khác của vùng là cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và đặc sắc với nhiều hang động, nhiều bãi cát đẹp.
Về sự phong phú của tài nguyên sinh vật ở vùng biển đảo này thể hiện có tới 3 Vườn quốc gia (Bái Tử Long, Cát Bà, Xuân Thủy), 2 Khu dự trữ sinh quyển (Cát Bà, Châu thổ Sông Hồng) và 4 khu nằm trong Quy hoạch bảo tồn biển quốc gia (Trần, Cô Tô, Cát Bà và Bạch Long Vĩ), cùng Khu bảo tồn đất ngập nước Tiền Hải.
Hệ quả của sự đa dạng điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đã dẫn đến sự đa dạng về các hình thức sử dụng và bảo vệ tự nhiên, khai thác kinh tế lãnh thổ, như phát triển nông lâm ngư nghiệp, cảng biển và giao thông thủy, cũng như phát triển du lịch sinh thái, và đặc biệt là phát triển các giá trị bảo tồn.
2.2.3. Vị thế và tài nguyên địa-kinh tế
Vị thế nổi bật của đới bờ Bắc Bộ là vị trí “cửa ngõ” cho đất liền, hiểu theo nghĩa rộng, bao hàm cả lối ra và lối vào, cũng như là đầu cầu, trung chuyển, mà về nghĩa đen, đó là các cửa sông, các bến tàu, hải cảng, các trung tâm kinh tế ven biển. Vị trí cửa ngõ đã tạo ra 4 lợi ích
chính: đó là thuận lợi cho khai thác tài nguyên biển; vị trí đắc địa cho xây dựng các KKT, KCN;
nơi phù hợp cho phát triển các loại hình dịch vụ; và cuối cùng là vị trí mở cửa, hội nhập quốc tế và thúc đẩy các địa phương bên trong phát triển.
+ Vị trí thuận lợi cho khai thác tài nguyên biển. Con người tiến ra biển để khai thác tài nguyên cần trụ vững trên một nền tảng vững chắc - đó chính là đới bờ, với các hoạt động trước hết là nuôi trồng và đánh bắt hải sản, giao thông đường biển, rồi đến dịch vụ hàng hải, khai thác dầu khí và các khoáng sản rắn, xây dựng công trình, du lịch biển đảo, và trong tương lai khi con người định cư dưới đáy biển thì rất nhiều ngành kinh tế biển mới sẽ ra đời. Vị trí thuận lợi đó đã cắt nghĩa sự tập trung đông đảo các đô thị ở đới bờ Quảng Ninh và Hải Phòng, và về điểm này thì đới bờ châu thổ Sông Hồng (CTSH) còn kém phát triển, khi các đô thị trung tâm vùng (các thành phố Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình) nằm khá xa bờ (30-40km) và ít có liên hệ với nền kinh tế biển.
Mặt khác do có nhiều lớp đảo phân bố rộng (trong đó có Bạch Long Vĩ ở gần giữa Vịnh Bắc Bộ) gần các ngư trường lớn nên đới bờ Bắc Bộ còn có ý nghĩa là cơ sở khai thác tài nguyên biển cho cả một số địa phương của Trung Bộ, do đó có thể phát triển mạnh dịch vụ hậu cần nghề cá và các dịch vụ hàng hải khác.
+ Vị trí cho xây dựng các trung tâm kinh tế. Đó cũng là một thế mạnh của đới bờ Bắc Bộ, với các đô thị ven biển – trung tâm đầu mối giao thông, cảng biển, các trung tâm khai thác tài nguyên đới bờ, các trung tâm du lịch, như Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn, Hạ Long, Đình Vũ, Hải Phòng.
+ Vị trí dành cho phát triển các ngành kinh tế dịch vụ. Phát triển kinh tế dịch vụ là lợi ích lớn nhất mà vị thế cửa ngõ mang lại cho đới bờ. Có thể điểm qua các cửa ngõ chính của đới bờ Bắc Bộ.
- Về cảng biển, theo thống kê ven biển Bắc Bộ có 26 bến cảng các loại, trong đó quan trọng nhất là khu cảng Hải Phòng và Hòn Gai. Cảng Hải Phòng được quy hoạch trở thành cảng tổng hợp quốc gia cửa ngõ quốc tế, với cảng Đình Vũ, Lạch Huyện là các cảng tổng hợp và công ten nơ. Cảng Hòn Gai sẽ trở thành cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực, trong đó cảng Cái Lân là cảng tổng hợp và công ten nơ. Về đường giao thông, hệ thống đường bộ của đới bờ Bắc Bộ hiện chưa đồng bộ, nhưng sẽ được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đáng kể theo Quy hoạch xây dựng vùng Duyên hải Bắc Bộ (theo Quyết định số 865/QĐ-TTg ngày 10/7/2008). Về đường biển, có các tuyến nối Hải Phòng với Trung Bộ, Nam Bộ và các nước khác, tuy nhiên hiện không có một tuyến hàng hải quốc tế nào đi qua nơi đây, hạn chế đáng kể vai trò của Hải Phòng trong nhiệm vụ đầu cầu và trung chuyển.
- Về vai trò cửa ngõ cho Nam Trung Quốc
Đối với Hải Phòng-Quảng Ninh, vai trò đó là có nhiều cơ hội phát triển, dù mới chỉ thuần túy dựa vào số dân đông đảo của lãnh thổ này. Một khi nền kinh tế của nội địa Nam Trung Quốc phát triển mạnh mẽ như vùng ven biển của họ, cùng với sự triển khai có hiệu quả Quy hoạch hợp tác “Hai hành lang - Một vành đai” thì cửa ngõ Hải Phòng-Quảng Ninh mới thật sự sôi động.
- Về vai trò cửa ngõ cho nội địa Bắc Bộ (và có thể một phần Bắc Trung Bộ)
Có thể nói rằng so với Trung Bộ và Nam Bộ, đới bờ Bắc Bộ có một vùng nội địa hậu phương với tỷ lệ dân cư đông nhất: bờ biển Bắc Bộ chỉ chiếm 15,7% tổng chiều dài bờ biển toàn quốc, trong khi dân số Bắc Bộ chiếm tới 35,8%, như vậy tỷ lệ dân số trên một đơn vị chiều dài bờ biển lớn gấp 2,3 lần. Điều đó nói lên tầm quan trọng và cơ hội phát triển lớn lao của đới bờ Bắc Bộ, tuy nhiên hiện tại cửa ngõ Hải Phòng-Quảng Ninh mới chỉ phục vụ cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Còn đới bờ của Thái Bình-Nam Định- Ninh Bình chưa có vai trò nào đáng kể trong chức năng cửa ngõ cho Bắc Bộ, mà chỉ có ý nghĩa cho địa phương tỉnh, huyện.
+ Vị trí hội nhập quốc tế và thúc đẩy các địa phương bên trong phát triển
Vai trò hội nhập quốc tế của đới bờ đã được thực tế thế giới xác nhận, đặc biệt là đối với Trung Quốc, với việc thu hút từ nước ngoài nguồn vốn đầu tư, công nghệ mới và kỹ năng quản lý, và xuất khẩu hàng hóa. Ở Việt Nam quá trình mở cửa cũng đồng thời với quá trình mở rộng và xây dựng mới nhiều khu công nghiệp, dịch vụ, thương mại ven biển, mà Dung Quất và Bà Rịa-Vũng Tàu là điển hình; còn ở đới bờ Bắc Bộ đó là Móng Cái, Hải Hà, Vân Đồn, Hạ Long và Đình Vũ.
Sự phát triển của đới bờ cũng là cơ hội cho các địa phương bên trong phát triển theo, đó là một quá trình lan tỏa tự nhiên và cũng là quá trình tác động tương hỗ. Hải Phòng-Quảng Ninh ngoài vai trò cửa ngõ đã phân tích ở trên, còn là một cạnh của tam giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nếu được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đúng như các Quy hoạch đã đề ra, sẽ có ảnh hưởng lớn cho phát triển của toàn Bắc Bộ, nhất là của Vùng thủ đô Hà Nội.
2.2.4. Vị thế và tài nguyên địa-chính trị
Tài nguyên địa-chính trị được đánh giá dựa vào vị trí tiền duyên, tiền tiêu-biên giới và vị trí tương quan trong khu vực của đới bờ, với những lợi ích mang lại gồm: bảo vệ đất nước, mở rộng lãnh hải và chủ quyền trên biển, và nâng cao uy tín quốc gia trong quan hệ quốc tế.
+ Vị trí bảo vệ quốc gia
Trong chức năng này cần xác định vai trò đặc biệt quan trọng của tuyến đảo tiền tiêu: Vĩnh Thực-Trần-Cô Tô-Thanh Lam-Thượng Mai-Hạ Mai-Bạch Long Vĩ. Trong quá khứ lịch sử, các cuộc xâm lăng của nước ngoài chủ yếu là từ đường biển cắt qua đới bờ, như Nam Hán, Tống, Nguyên Mông, Chiêm Thành, Pháp, và vì vậy đới bờ và nhất là tuyến đảo tiền tiêu nêu trên đã được giao phó chức năng là phòng tuyến ngoài biên bảo vệ Tổ quốc. Các đảo trong vịnh Hạ Long, Quan Lạn và VCS Bạch Đằng, Yên Hưng gắn liền với chiến công ba lần đánh thắng quân xâm lược Nam Hán, Tống và Nguyên Mông; trong kháng chiến chống Mỹ, các đảo Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Cái Bầu... đã là các căn cứ vững chắc đánh trả chiến tranh phá hoại của địch;
đồng thời tại vùng biển đảo này còn là nơi xuất phát của những con tầu không số tạo nên một đường mòn Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.
+ Vị trí mở rộng lãnh hải và chủ quyền quốc gia trên biển
Lợi ích này chủ yếu thuộc về các đảo ven bờ, đôi khi là các mũi nhô của đất liền, mà cụ thể ở đới bờ Bắc Bộ là các đảo Trần và Bạch Long Vĩ. Các đảo này đã được tính một số phần trăm hiệu lực nhất định (Bạch Long Vĩ 25%) trong Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
+ Vị trí tương quan của đới bờ Bắc Bộ trong khu vực
Vịnh Bắc Bộ thực chất là một vùng nước lịch sử và chỉ thuộc về Việt Nam và Trung Quốc và đó là cơ sở để các nhà lãnh đạo hai nước đứng ra phân chia Vịnh và đề ra Quy hoạch phát triển chung “Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ”. Từ đó có thể thấy quan hệ quốc tế của đới bờ Bắc Bộ chủ yếu chỉ gói gọn với Trung Quốc, một đối tác truyền thống và lâu đời của Việt Nam. Với việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa của Việt Nam, đới bờ Bắc Bộ trở thành ở sâu trong ngõ cụt và sự phát triển của nó ra phía trung tâm Biển Đông là rất khó khăn và chính vì vậy quan hệ quốc tế của Bắc Bộ nói chung là đã bị hạn chế rất đáng kể.
Thêm vào đó, về phía lục địa, Bắc Bộ cũng chỉ có quan hệ thông thương với Trung Quốc (với Lào địa hình không thuận lợi) và điều đó cũng hạn chế việc đa phương hóa trong quan hệ quốc tế của Bắc Bộ.
Để cải thiện tình hình nêu trên, hướng khả thi nhất là mở rộng quan hệ chặt chẽ hơn nữa với các nước ASEAN để đới bờ Bắc Bộ thực sự trở thành đầu cầu nối tiếp giữa ASEAN và các nước khác với Nam Trung Quốc. Đó cũng là giải pháp để củng cố và nâng cao uy tín quốc tế của Bắc Bộ nói riêng và của Việt Nam nói chung (LĐ An, 2010).