TỔNG QUAN TIỀM NĂNG HỆ THỐNG KỲ QUAN SINH THÁI CÁC VÙNG BIỂN ĐẢO VIỆT NAM
4.4. VÙNG BIỂN ĐẢO NAM TRUNG BỘ
VBĐ Nam Trung Bộ có giá trị cao nhờ đa dạng HST, đặc biệt là các HST rạn san hô, HST rừng ngập mặn và HST thảm cỏ biển với nguồn lợi sinh vật to lớn kèm theo. Đây cũng là khu vực phát triển mạnh đánh bắt và chế biến thủy sản, giao thông, cảng biển, du lịch và khu công nghiệp. Trong khu vực có các KQST tiêu biểu như được trình bày trong bảng 4.3.
Bảng 4.3. KQST tiêu biểu ở VBĐ Nam Trung Bộ Nhóm/dạng KQST Thứ hạng trong
vùng
Nơi phân bố
Rạn san hô 1 Hòn Mun, Hòn Cau, Cù Lao Chàm, Lý Sơn
Thảm cỏ biển 3 Cửa Đại, Thủy Triều
Đầm phá 2 Ô Loan, Thị Nại, Thuỷ Triều HST
Dải cát ven biển 3 Dải cát Ninh Thuận - Bình Thuận
Đảo - biển 1 Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý
Vùng triều - cửa sông 3 Cửa Đại
Khu vực sinh thái
Bán đảo - bờ biển 1 Núi Chúa, Vân Phong
Ghi chú: thứ hạng thấp dần từ 1
4.4.1. Giá trị đa dạng sinh học
Đa dạng về thành phần loài. Số liệu thống kê cho thấy có tới 1.702 loài được ghi nhận phân bố trong vùng nước ven bờ và các đảo kèm với các HST tiêu biểu như HST rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn. Một số quần xã sinh vật quan trọng có số lượng loài tương đối cao trong khu vực như: san hô tạo rạn với gần 300 loài san hô cứng, 9 loài cỏ biển, trên 30 loài cây ngập mặn; 265 loài thực vật trên đảo (trong đó có nhiều loài cây thân gỗ quý hiếm) (VS Tuấn, TT Hiếu, 2008). Đây chính là các đặc điểm nền tạo ra các sinh cảnh đặc thù của vùng biển-đảo, cung cấp nơi sinh cư đa dạng cho các loài sinh vật khác.
Đa dạng về HST và sinh cảnh. Đối với các đảo ven bờ như Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý có chung đặc điểm là có HST rừng trên đảo và HST vùng triều ven đảo. Khi triều xuống thấp các bãi triều này có thể phơi lộ với chiều rộng 200-300m hay rộng hàng nghìn mét. Ở dưới triều có 2 HST điển hình quan trọng ở vùng nhiệt đới đó là rạn san hô và thảm cỏ biển làm thành vành đai bao quanh đảo. Chúng tạo ra các rạn ngầm, ngoài nhiệm vụ che chắn sóng cho đảo còn là nơi cư trú, sản sinh ra các loài sinh vật có giá trị, tạo nguồn lợi sinh vật quan trọng cho đảo và các vùng biển lân cận. Các vũng vịnh kín ven bờ như Vân Phong, Cam Ranh do có những điều kiện môi trường thuận lợi cho nên có sự đa dạng cao về HST và các quần xã đi kèm. HST rừng trên đảo ở khu vực vịnh Cam Ranh đặc thù bởi sự tồn tại của rừng nguyên sinh. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với những khu rừng mai vàng nổi tiếng Miền Trung. Tiếc thay, trong thời gian vài năm trở lại đây, khu rừng mai này đã bị khai thác bừa bãi, đặc biệt vào dịp Tết, làm cho lượng mai rừng suy giảm nghiêm trọng. HST rừng ngập mặn phân bố ven bờ vịnh Vân Phong và Cam Ranh với sự hiện diện của khoảng 30 loài, thuộc 18 họ, bao gồm các quần xã: đước, với sự ưu thế của Đước đôi Rhizophora apiculata; quần xã mắm với ưu thế của Mắm biển Avicenia marina, Mắm trắng Avicenia alba và Mắm đen A. Officinalis, và quần xã Bần trắng Sonneratia alba. Tuy nhiên diện tích rừng ngập mặn đang bị thu hẹp nhanh chóng: 1.000ha (2003-2004) tới nay chỉ còn lại khoảng 40-50ha (NH Đại, TT Hiếu, 2008).
Đa dạng về nơi cư trú và cách sống. Đối với nhóm loài sinh vật biển thì vùng triều ven đảo với sự đa dạng của các HST điển hình vùng nhiệt đới là nơi cư trú thuận lợi cho các loài sinh vật biển, là nơi có tính đa dạng sinh học cao. Các nơi cư trú sinh vật như cỏ biển và san hô cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào, là nơi đẻ và nuôi dưỡng ấu thể sinh vật non, từ đó cung cấp giống cho các vùng lân cận. Các nhóm loài sinh vật sống trên cạn chủ yếu sống trong các trảng cỏ, thảm rừng nguyên sinh hoặc các đồi cát hoặc trú ẩn trong các hang hốc.
4.4.2. Giá trị mỹ học
Giá trị của cảnh quan sinh thái. Một số đảo như Cù Lao Chàm có rừng đặc dụng nguyên sinh, nơi bắt nguồn của những con suối và thác nước là nguồn cung nước ngọt thường xuyên cho cộng đồng dân cư trên đảo, nơi đây với cảnh quan tự nhiên đẹp, thơ mộng còn khá hoang sơ là nơi thường xuyên được du khách đến thưởng ngoạn mỗi khi ra thăm đảo. Ven bờ đảo có nhiều bãi cát biển trắng mịn, nước biển trong xanh, đang dần trở thành thương hiệu của đảo, như bãi Làng, bãi Hương, bãi Bắc.
Trong vùng có nhiều thắng cảnh kỳ thú, nổi tiếng nhất là bãi biển Đại Lãnh. Phía Nam Đại Lãnh là vịnh Vân Phong-Bến Gỏi, một vùng non nước kỳ thú, được Tổ chức Du lịch thế giới và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đánh giá là khu du lịch nhiệt đới phức hợp với bãi tắm đẹp nhất, một trong những thắng cảnh quyến rũ nhất trong khu vực Châu Á và Viễn Đông.
Thiên nhiên và sinh thái vũng vịnh (đặc biệt là Cam Ranh) gần như còn hoang sơ với bãi tắm cát mịn vàng kéo dài hàng chục kilômét. Nhiều thắng cảnh nổi tiếng được ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa xếp vào các điểm triển vọng đầu tư trong thời gian tới như: Hòn Rồng, Hòn Quy, núi Cam Linh, Hồ nước ngọt trên cát phía Nam bán đảo Cam Ranh, đền
thờ Tướng không đầu, nhà tù Cam Ranh và đặc biệt là các bãi tắm Bình Lập, Bình Tiên rất đẹp, còn hoang sơ lại liền kề với Khu Bảo tồn Núi Chúa (Ninh Thuận) có thể hình thành khu du lịch tổng hợp liên ngành.
Các KBTB Cù Lao Chàm, Lý Sơn, vịnh Nha Trang, Phú Quý thuộc hệ thống KBTB cấp quốc gia của Việt Nam đã được đưa vào vận hành hoặc đang trong thời gian quy hoạch chi tiết.
Với các giá trị độc đáo về đa dạng sinh học và cảnh quan sẽ là địa điểm tiềm năng khám phá thiên nhiên lý thú cho khách tham gia các tuyến du lịch sinh thái.
Giá trị cho du lịch sinh thái và giải trí. Có thể phát triển rất nhiều tuyến du lịch với sự đa dạng trong các sản phẩm du lịch trên cơ sở những tiềm năng đa dạng về cảnh quan của khu vực.
Loại hình du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng đã được phát triển rất mạnh ở các địa điểm ven biển như Nha Trang, Đại Lãnh, Cam Ranh có thể kết hợp với các hình thức du lịch khác như thăm di tích lịch sử, khuyến khích du khách tham gia các hoạt động văn hóa bản địa. Đảo Lý Sơn và Phú Quý có thể khai thác loại hình du lịch địa chất thăm xem các dấu tích miệng núi lửa, du lịch sinh thái làng nghề trồng tỏi trên đảo Lý Sơn, lặn quan sát san hô, thảm cỏ biển. Có thể tổ chức cho du khách tham quan các di tích mộ gió, đền thờ hải đội Hoàng Sa, khu di tích Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn nhằm nâng cao lòng tự hào dân tộc, hiểu biết lịch sử quản lý và khai thác tài nguyên các đảo xa bờ của cha ông, nhằm hun đúc cho lớp trẻ lòng yêu quê hương, tổ quốc và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Giá trị cho cảm hứng nghệ thuật. Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều sinh cảnh khác nhau như núi - đồng bằng ven biển - bán đảo - biển - đảo, đã tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình, là nguồn cảm hứng sáng tác thơ ca, nhạc hoạ, hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài khi có dịp đến tham quan, du lịch nghỉ dưỡng và làm việc tại khu vực kỳ quan sinh thái.
4.4.3. Giá trị độc đáo, đặc sắc, kỳ vĩ
Giá trị quý hiếm, độc đáo. Cam Ranh là một trong số ít các khu vực trong vùng bờ biển Miền Trung còn bảo tồn được khu rừng ngập mặn nguyên sinh tương đối nguyên vẹn ở bờ phía Tây Nam bán đảo Cam Ranh. Rừng mai trên bán đảo Cam Ranh là nét chấm phá độc đáo trong bức tranh đa sắc màu của khu vực bán đảo này với những khối núi đá magma nhô cao giữa thảm rừng xanh, đồi cát trắng. Mai Cam Ranh đã là một thương hiệu được nhiều người biết tới.
Khu hệ động thực vật biển trong khu vực có 22 loài có giá trị kinh tế cao được xếp vào danh sách các loài động thực vật quý hiếm và đặc hữu cho vùng biển. Một số loài như cua Huỳnh đế Ranina ranina, Đồi mồi (Eretmochelys imbaricata), Đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea), Vích (Chelonia mydas), Ốc Tai tượng (Tridacna squamosa) chỉ thấy bắt gặp ở đảo Phú Quý. Các loài tôm Hùm có giá trị cao trên thị trường như tôm Hùm sỏi (Panulirus stimpsoni), tôm Hùm đỏ (Panulirus longipes),v.v. Cá Mú hoa (Epinephelus fuscoguttatus), ốc Tù và (Charonia tritonis) là những đặc sản của vùng biển đảo. Rất tiếc là do các hoạt động khai thác thiếu kiểm soát, nên nguồn lợi suy giảm rất nhanh. Trên thực tế cua Huỳnh đế và ốc Tù và là những loài quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và rất hiếm gặp ngoài tự nhiên.
Giá trị kỳ vĩ. Sự phân bố của các HST biển như rạn san hô, thảm cỏ biển tạo ra một vành đai xanh ôm trọn phần bờ đảo (đảo Phú Quý) làm nên vẻ đẹp kỳ thú. Nhờ có các giá trị cảnh quan và tài nguyên thiên nhiên, Cù Lao Chàm trở thành vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An. Trong chương trình du lịch “Con đường di sản Miền Trung” các đảo gần bờ như Cù Lao Chàm và Lý Sơn đã được đưa vào danh sách các địa điểm thăm xem. Điều này khẳng định các giá trị đặc sắc và tính chất đại diện cho HST biển-đảo của khu vực có các kỳ quan sinh thái.