VÀ SINH THÁI CÁC KHU VỰC TIÊU BIỂU
Chương 5 VÙNG BIỂN ĐẢO BẮC BỘ
5.3. TÀI NGUYÊN VỊ THẾ VÙNG CỬA SÔNG BẠCH ĐẰNG
5.3.3. Vị thế và tài nguyên địa-tự nhiên
Trước hết hãy xét qua ưu thế của VCS Bạch Đằng về mặt vị trí địa lý mà nó có thể tạo ra các giá trị, các lợi ích cho vùng về mặt tự nhiên. Ngoài vị trí nằm trong đai nhiệt đới gió mùa chung của khu vực, VCS Bạch Đằng còn có lợi thế phân bố ở ranh giới của một loạt các thực thể tự nhiên ít nhiều tương phản và đối lập nhau: lục địa và biển, đồi núi và đồng bằng, miền nâng tạo núi và trũng rift, bồn nước và cụm đảo, khối nâng và sụt hạ địa phương. Từ đó đã tạo ra cho VCS này một loạt rất đa dạng các đặc thù về hình thể và cấu trúc không gian, về động lực phát triển, về quá trình tiến hóa tự nhiên, đặc biệt là về sự đa dạng của các HST như là kết quả của sự phát triển tự nhiên của vùng.
a. Vị trí không gian
Theo phân vùng tự nhiên đới bờ, VCS Bạch Đằng nằm trong Vùng Móng Cái-Đồ Sơn, nơi đặc trưng bởi cảnh quan vịnh - đảo và các cửa sông hình phễu, có động lực thống trị là thuỷ triều, và nằm chuyển tiếp với vùng bờ châu thổ Sông Hồng qua dải phân cách Kiến An-Đồ Sơn.
Khu vực vịnh đảo phía ĐB của VCS bao gồm cảnh quan karst có nhiều hang động bị biển nhấn chìm với hàng trăm hòn đảo đá vôi hình tháp và hình chóp nổi trên mặt biển. Tại các vịnh khá kín phát triển các rạn san hô viền bờ, rừng thường xanh nguyên sinh phát triển trên đảo Cát Bà. Khu vực ven châu thổ phía TN là đồng bằng thoải với hệ thống đê cát cổ khá phát triển và đất phù sa màu mỡ.
VCS Bạch Đằng tiếp giáp trực tiếp với bề mặt đồng bằng phân dị phức tạp với nhiều kênh lạch và ao hồ có xen kẽ gò đồi, các bồn nước điều kiện sinh thái lợ mặn và quá trình xói lở bờ ưu thế. Về lịch sử phát triển, khoảng 5- 7 trăm năm trước vùng này còn là một phần của châu thổ Sông Hồng. Trong một số mô tả và quy hoạch gần đây, nó vẫn được xem là một bộ phận của đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Điều này càng khẳng định vị trí và tính chất chuyển tiếp tự nhiên của nó trong hai vùng tự nhiên lớn ở đới bờ biển Bắc Bộ Việt Nam (đồi núi và đồng bằng), cũng như vị thế đặc thù của nó về địa lý tự nhiên, đem đến vị thế đặc biệt về kinh tế và chính trị.
b. Hình thể và cấu trúc không gian
VCS Bạch Đằng có bản chất cấu trúc là một estuary (cửa sông hình phễu), được hình thành trên cơ sở tương tác giữa quá trình phát triển của một địa hào đang sụt chìm với sự dâng cao của mực nước chân tĩnh, sự thiếu hụt bồi tích và thuỷ triều có biên độ lớn. Đó là một vực nước có cấu trúc nửa kín. Ở đây thuỷ triều là yếu tố động lực ngoại sinh ưu thế, quy định các đặc điểm của địa hình và trầm tích. Đó là một vực nước lợ-mặn, hoà trộn nước sông-biển khá tốt, phân tầng yếu. Mặc dù lượng bồi tích sông tham gia đáng kể nhưng dòng bồi tích di chuyển nội tại đóng vai trò chủ đạo. Với cấu trúc phân tầng yếu, cân bằng bồi xói VCS nghiêng về xói lở, xâm thực. Đây là trường hợp điển hình trên thế giới về một cửa sông hình phễu phát triển trong điều kiện nhật triều biên độ lớn.
Cấu trúc nửa kín của VCS hình phễu Bạch Đằng hiện nay do các chuyển động kiến tạo quy định. Phần trung tâm của nó nằm trên đới võng hạ khá mạnh trong Holocen có dạng địa hào.
VCS này là một tổ hợp của hai phễu: phễu Yên Lập có kích thước nhỏ, và phễu chính Nam Triệu có đỉnh ở Bến Triều; đáy là đường nối bán đảo Đồ Sơn với đảo Cát Bà. Về tổng thể VCS và lân cận có cấu trúc khá phức tạp với các hợp phần sau đây:
+ Đồi núi
Địa hình đồi và núi thấp phân bố chủ yếu ở Hoành Bồ, Yên Hưng, Uông Bí, Thuỷ Nguyên, Kiến An và Đồ Sơn, làm cảnh quan thiên nhiên của vùng đồng bằng rìa châu thổ thêm phong phú và sinh động. Độ cao đồi núi phổ biến 40-100m, cao nhất 146m, rất có ý nghĩa về địa-quân sự. Đồi núi đá vôi ở bắc Thuỷ Nguyên tạo nên hình thái sơn văn karst đẹp, có nhiều hang động gắn với các di tích khảo cổ, lịch sử, có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Đồi và núi có khả năng phát triển lâm nghiệp và kinh tế trang trại.
+ Đồng bằng
Chủ yếu có nguồn gốc bồi tụ châu thổ và độ cao bề mặt phổ biến 0,5- 4m. Đồng bằng bị chia cắt bởi hệ thống sông, lạch, ao, hồ khá dày đặc và các hệ thống đê cát cổ cao 2-2,5m đến 5- 6m tạo thành các dải song song với bờ biển hiện nay. Đồng bằng với hầu hết diện tích được đê bao ngăn lũ và mặn, là nơi tập trung các khu dân cư, đô thị đông đúc, các khu công nghiệp quan trọng và các vùng nông thôn trù phú. Đồng bằng không đồng nhất về hình thái, nguồn gốc, tuổi và có thể phân biệt thành nhiều bậc, với 5 hệ thống đê cát biển cổ và hiện đại, cấu tạo bằng cát sạn, tuổi từ Holocen giữa đến nay, chúng ít bị ngập lụt và có chứa nước ngầm nhạt tầng nông nên thường là nơi tập trung dân cư.
+ Vùng triều cửa sông
Các bãi triều lầy rậm rạp thực vật ngập mặn tự nhiên, các hệ lạch triều, kênh triều dày đặc, các doi cát triều nằm dọc ven bờ các luồng sâu rộng là những dạng địa hình nguồn gốc triều đặc
trưng. Nhiều nơi, dưới bề mặt các đầm lầy sú vẹt gặp rất nhiều di tích mảnh gốm sứ thời phong kiến, là bằng chứng biển lấn vào các khu dân cư xưa.
+ Vùng biển nông bên ngoài cửa sông
Có độ sâu khoảng 5-6m đến 25-30m nằm trong phạm vi tác động rõ của sóng đến đáy biển và là vùng đồng bằng tích tụ-mài mòn dưới tác động của dòng hải lưu ven bờ. Trầm tích bề mặt là bùn bột nhỏ nâu xám, xám xanh. Đây là không gian quan trọng phát triển nghề cá ven bờ.
+ Bán đảo và đảo
Bán đảo Đồ Sơn là điểm du lịch nổi tiếng từ lâu đời, một khu đồi và núi sót, có đỉnh cao nhất là Ngọc Sơn, cao 125m, vươn dài ra biển 7km và là ranh giới giữa hai vùng tự nhiên: vùng bờ Đông Bắc và châu thổ Sông Hồng. Bán đảo Đồ Sơn vốn là một dãy đảo được nối liền với nhau bằng các đê cát tự nhiên do sóng biển bồi tụ và nối với đồng bằng Kiến Thuỵ vào khoảng 5-7 thế kỷ trước, mà một đảo ở xa nhất chưa kịp nối vào bờ: đó là đảo Hòn Dấu.
Đảo cách Đồ Sơn 1km, rộng 8ha, điểm cao nhất 40m, có rừng cây xanh tốt cùng với một quần thể đền miếu uy linh và các công trình ngoạn mục như tháp đèn, Đài Khí tượng Thuỷ văn được xây dựng từ năm 1923.
+ Hệ thống sông lạch
Ba cửa sông chính đổ ra biển là Lạch Huyện, Nam Triệu, Cấm-Lạch Tray. Ngoài ra, còn có các nhánh sông Giá và Tam Bạc. Có một số kênh đào, tiêu biểu là kênh Đình Vũ và Cát Hải.
Kênh Đình Vũ được đào năm 1888-1900 để mở luồng cho tàu biển qua cửa Nam Triệu vào cảng Hải Phòng.
Sông Bạch Đằng là phần hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình bắt nguồn từ vùng núi Đông Bắc, gồm sông Thái Bình và sông Kinh Thầy. Gần sát biển, Kinh Thầy phân lưu thành sông Chanh đổ ra cửa Lạch Huyện, sông Bạch Đằng đổ ra cửa Nam Triệu, sông Cấm và sông Lạch Tray đổ ra cửa Ba Lạch. Bạch Đằng là con sông lừng danh trong lịch sử. Nhánh ngang Tam Bạc nối sông Cửa Cấm với Lạch Tray, sâu mà nằm áp thế đất cao nên đã thành một thương bến giàu có vào đầu thế kỷ XX.
c. Động lực phát triển
+ Thuỷ triều là yếu tố động lực ngoại sinh ưu thế, quy định những nét cơ bản của địa hình và trầm tích.
Thuỷ triều ở VCS này như trên đã nêu, là nhật triều đều có biên độ thuộc loại lớn, cực đại 4-4,5m; tốc độ dòng triều cực đại 150-180cm/s, trung bình 20-50cm/s; tương quan thời gian triều chảy lên và chảy xuống là 11-12h/13-14h. Thuỷ triều thực sự khống chế chế độ thuỷ văn nói chung, chế độ dòng chảy nói riêng ở VCS. Trên các luồng lạch, lượng chảy triều áp đảo lượng chảy sông. Vì vậy, các quá trình bồi tụ, xói lở và thành tạo địa hình ở VCS hiện nay đều liên quan đến vai trò ưu thế của thuỷ triều. Thuỷ triều còn khống chế sự trao đổi của nước sông với nước biển, ảnh hưởng đến sự phân bố của thực vật ngập mặn và hệ động vật đáy. Những tướng trầm tích đặc trưng cho VCS hình phễu Bạch Đằng là bãi triều lầy, bãi triều thấp, delta triều xuống và lòng lạch, với nhiều dạng địa hình đã nêu ở trên là những dạng nguồn gốc triều đặc trưng, không gặp ở VCS châu thổ Sông Hồng.
+ Dòng bồi tích di chuyển nội tại đóng vai trò chủ đạo.
Bồi tích được cung cấp từ sông, biển, nhưng dòng bồi tích di chuyển nội tại đóng vai trò chủ đạo. Lượng bồi tích sông cung cấp cho VCS Bạch Đằng khoảng 4 triệu tấn/năm, chủ yếu từ sông Cấm, một lượng đáng kể giải phóng từ quá trình xói lở bờ, bãi ước tính khoảng 2 triệu tấn/năm, và khoảng trên dưới 5triệu tấn/năm bùn cát nạo vét từ luồng đổ ngay trong phạm vi cửa sông. Hoàn lưu bồi tích VCS do dòng chảy triều chi phối và bồi tích do dòng triều đưa ngược sâu vào cửa sông có giá trị đáng kể, đặc biệt là về mùa khô. Hàm lượng trầm tích lơ lửng trong nước VCS biến thiên trong khoảng rộng 10-1000g/m3, phụ thuộc vào mùa khô và mùa
mưa và khi triều lên hay xuống. Dòng bồi tích dọc bờ di chuyển do sóng có giá trị không lớn và thường chỉ có ý nghĩa khi cộng hưởng với dòng di chuyển do triều. Lực Coriolit có vai trò đáng kể tham gia định hướng dòng bồi tích.
+ Quá trình hoà trộn nước sông - biển khá tốt tạo nên vực nước phân tầng yếu và nước lợ mặn.
Do tương quan lượng chảy triều-sông và năng lượng xáo trộn của thuỷ triều, VCS Bạch Đằng là một vực nước lợ mặn có độ mặn thay đổi trong khoảng 0,5-32‰. Độ mặn 0,5-20‰ đặc trưng cho khu cửa Cấm-Nam Triệu, độ mặn 10-23‰ đặc trưng cho khu Lạch Huyện-Yên Lập.
Mức độ phân tầng nước theo độ mặn nói chung không lớn, biến đổi theo không gian và thời gian, trung bình dưới 3‰ ở phía ngoài cửa Nam Triệu (giữa tầng mặt và tầng đáy), đạt đến 5‰
ở trên các đoạn sông Bạch Đằng, Đá Bạch, đến 10‰ ở các đoạn Bạch Đằng dưới kênh Đình Vũ và trên sông Cấm. Cơ chế phân tầng rất quan trọng đối với quá trình tích tụ, bào mòn đáy: phân tầng mạnh kèm theo bồi tụ mạnh và ngược lại.
d. Quá trình tiến hoá tự nhiên
+ Các thời kỳ và giai đoạn tiến hoá VCS trong Holocen
Quá trình hình thành và tiến hoá của VCS Bạch Đằng trong Holocen trải qua 3 thời kỳ và 7 giai đoạn như sau:
- Thời kỳ thứ nhất: Holocen sớm- giữa (11 - 3 nghìn năm trước). Biển tiến chân tĩnh giữ vai trò chủ đạo gây ngập chìm, nhanh chóng làm thay đổi môi trường từ lục địa sang ven bờ, tiếp đến mực nước chân tĩnh dâng chậm hẳn, vai trò của kiến tạo và trầm tích được tăng cường, đường bờ lấn về phía biển, biển lùi. Gồm 3 giai đoạn: 1. Môi trường lục địa (Holocen sớm - đầu Holocen giữa); 2. Môi trường vũng - vịnh (Holocen giữa); 3. Môi trường đầm lầy rìa châu thổ (cuối Holocen giữa).
- Thời kỳ thứ hai: Holoce muộn (3 đến 0,5 - 0,7 nghìn năm trước). Vai trò của chuyển động kiến tạo và quá trình tích tụ có ảnh hưởng quyết định đến di chuyển đường bờ. Cũng có 3 giai đoạn: 4. Môi trường vịnh-vụng (đầu Holocen muộn); 5. Môi trường vụng biển (giữa Holocen muộn); 6. Môi trường cửa sông châu thổ (cuối Holocen muộn)
- Thời kỳ thứ ba: cuối Holocen muộn (khoảng 0,5 – 0,7 nghìn năm qua), chỉ gồm một giai đoạn đang tiếp tục với một đợt biển lấn mới, đường bờ di chuyển về phía lục địa, ngập chìm không đền bù trầm tích và thuỷ triều có vai trò quan trọng.
+ Biển lấn hiện đại và sự hình thành, phát triển của cấu trúc cửa sông hình phễu
Trong 5-7 trăm năm qua, mực nước chân tĩnh tiếp tục nâng cao xấp xỉ 1mm/năm và đạt 1- 1,5mm/năm trong thế kỷ qua. Ngập chìm không đền bù do thiếu hụt bồi tích xẩy ra đã hình thành VCS hình phễu như hiện nay. Nguyên nhân gây ra sự thiếu hụt bồi tích bao gồm: thứ nhất, khoảng 5-7 trăm năm trước bán đảo Đồ Sơn được nối liền với đồng bằng đã ngăn không cho bồi tích dọc bờ từ phía TN đi lên; thứ hai, trong quá trình phát triển, nhiều nhánh nối ngang sông Hồng với hệ thống sông Cầu-Bạch Đằng bị tàn làm giảm nguồn bồi tích bổ sung từ sông Hồng. Thứ ba, thuỷ triều lớn, dòng triều mạnh dần lên đã tăng cường phân tán bồi tích lơ lửng ra khỏi VCS Bạch Đằng. Thứ tư, dòng chảy tổng hợp ven bờ hướng thống trị ĐB-TN có xu hướng đưa bồi tích xuống phía TN.
Biển lấn hiện đại là đặc điểm cơ bản nhất của VCS hình phễu Bạch Đằng hiện nay, thể hiện sự thắng thế của biển trong quan hệ tương tác sông-biển. Các hậu quả của biển lấn là xói lở ưu thế so với bồi tụ, đường bờ bị đẩy lùi về phía lục địa và bị chia cắt phức tạp; mực nước trung bình thực tế đang dâng cao, hiện tượng đầm lầy hoá, hiện tượng nhiễm mặn và truyền triều sâu vào lục địa..., và cả khu hệ động thực vật thích nghi điều kiện tự nhiên lợ mặn.
đ. Các hệ sinh thái dặc trưng
Như là hệ quả phát triển của tổng thể các yếu tố tự nhiên, VCS Bạch Đằng trở thành một HST cửa sông tiêu biểu nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa. Xét về đặc thù nguồn gốc và quá trình
diễn thế sinh thái, có thể thấy HST VCS Bạch Đằng thuộc kiểu cửa sông hình phễu tồn tại trong điều kiện nhật triều biên độ lớn, khác với HST vùng cửa sông châu thổ. Những tính chất cơ bản được thể hiện như hoà trộn nước sông - biển tốt hơn nên nước phân tầng yếu, độ mặn thường cao hơn (ở mức lợ mặn); các đới sinh thái diễn thế về phía lục địa (châu thổ điển hình diễn thế về phía biển); cấu trúc quần xã sinh vật ổn định hơn và đa dạng sinh học (đa dạng các HST và đa dạng loài) cao hơn. Các HST cơ bản trong VCS Bạch Đằng bao gồm:
- Nhóm các HST lục địa: HST đồi núi; HST đồng bằng; HST các thuỷ vực nước ngọt (ao hồ, sông lạch v.v.) và HST đảo.
- Nhóm các HST vùng triều cửa sông: HST rừng ngập mặn; HST bãi triều; HST bãi cát biển;
HST bãi triều rạn đá; HST đáy mềm.
Các HST rừng ngập mặn, bãi triều và đáy mềm là các hợp phần cơ bản của HST VCS hình phễu Bạch Đằng, chiếm phần diện tích lớn, quy định bản chất HST VCS này. HST rừng ngập mặn tiêu biểu cho VCS nhiệt đới, ưu thế là các loài mắm quăn, vẹt dù, đước vòi, bần chua, trang và sú. Rừng ngập mặn thường chỉ cao 2-4m, nhưng mọc rất dày, có ý nghĩa lớn về đa dạng sinh học, sinh thái, tăng cường bồi tụ và phòng chống thiên tai.
e. Thiên tai
Ngoài những ưu thế và lợi ích có thể khai thác được xuất phát từ vị thế tự nhiên như đã trình bày ở trên, vị trí của vùng trong không gian địa lý tự nhiên khu vực còn tạo ra những thách thức không nhỏ đối với VCS này. Có thể kể có tính liệt kê các thách thức có tính thiên tai như sau:
động đất và nứt đất, bão và nước dâng trong bão, sự dâng cao mực nước biển, xói lở, sa bồi, ngập lụt và nhiễm mặn. Các dạng thiên tai nêu trên đã và đang gây những khó khăn và tổn thất đáng kể đối với phát triển KT-XH vùng đất-vùng nước quan trọng này, rất cần được đề cập đến trong mọi Chiến lược, Kế hoạch và Quy hoạch phát triển vùng, với những giải pháp phòng tránh hữu hiệu.