VÀ MÔ HÌNH BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG HỢP LÝ
10.1. ĐỊNH HƯỚNG CHI ẾN LƯỢC BẢO VỆ, SỬ DỤNG CÁC KHU VỰC TIÊU BIỂU
đặc biệt
a. Phân cấp tài nguyên vị thế
Để nhận biết rõ tầm quan trọng, tính chất đặc thù và làm cơ sở cho định hướng bảo vệ, sử dụng và quản lý các khu vực có giá trị TNVT đặc biệt, phân cấp TNVT biển là công việc rất cần thiết. Như đã trình bày trong Chương 1, do tính ứng dụng đặc thù TNVT biển Việt Nam đã được phân cấp dựa theo chủ thể của tài nguyên (cũng đồng thời là các đối tượng), và các chủ thể đó có thể được phân thành 3 cấp, trong đó cấp 1 là biển Việt Nam, cấp 2 – các vùng biển của Việt Nam, và cấp 3 – các thủy hệ và địa hệ.
b. Định hướng chiến lược chung
TNVT các cấp đều có tầm quan trọng trong phát triển của đất nước, trong đó giá trị vị thế các đối tượng tài nguyên ở cấp 3 cho ta bức tranh chi tiết về mức độ quan trọng, giá trị sử dụng và bảo vệ của từng đối tượng cụ thể hơn. Định hướng chiến lược chung sử dụng, bảo vệ và quản lý TNVT biển xuất phát từ chủ trương, đường lối về chiến lược biển của Việt Nam và những đặc trưng về điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật cũng như chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Văn kiện Đại hội IX của Đảng đã thể hiện sự quan tâm đến kinh tế khu vực biển và hải đảo:
"Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo, phát huy thế mạnh đặc thù của hơn 1 triệu km2 thềm lục địa. Tăng cường điều tra cơ bản làm cơ sở cho các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển. Đẩy mạnh nuôi, trồng, khai thác, chế biến hải sản; thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, phát triển đóng tàu thuyền và vận tải biển; mở mang du lịch; bảo vệ môi trường;
tiến mạnh ra biển và làm chủ vùng biển. Phát triển tổng hợp kinh tế biển và ven biển, khai thác lợi thế của các khu vực cửa biển, hải cảng để tạo thành vùng phát triển cao, thúc đẩy các vùng khác. Xây dựng căn cứ hậu cần ở một số đảo để tiến ra biển khơi. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển với bảo vệ an ninh vùng biển".
Nghị Quyết số 09-NQ/TW ngày 09 tháng 02 năm 2007 của Hội nghị TW4, Khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến 2020 đã chỉ rõ đến năm 2020, phát triển thành công, có bước đột phá về kinh tế biển, ven biển như sau: 1 - khai thác, chế biến dầu, khí; 2 - kinh tế hàng hải; 3 - khai thác và chế biến hải sản; 4 - du lịch biển và kinh tế hải đảo; 5 - xây dựng các KKT, các KCN tập trung và KCX ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển. Nghị quyết cũng chỉ rõ: nhiệm vụ cơ bản, lâu dài và xuyên suốt là xác lập chủ quyền đầy đủ, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán vùng biển, thềm lục địa,
hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các quần đảo, đảo khác thuộc chủ quyền nước ta. Kiên trì đấu tranh ngoại giao và pháp lý nhằm khẳng định và giữ vững chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Thực hiện đầy đủ quyền chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Từng bước phát triển KT-XH, dân sự hóa và di dân ra sinh cư, lập nghiệp trên các đảo.
Với đường lối của Đảng, trên thực tế, TNVT đã được quan tâm trong chiến lược phát triển KT-XH biển đảo.
*Phát triển KT-XH
TNVT biển Việt Nam có tiềm năng sử dụng rất lớn cho các lợi ích phát triển KT-XH (LĐ An và nnk, 1996; Bộ Thủy Sản, 1996; VT Cảnh và nnk, 1995; V Cần và nnk, 1996; NC Hồi, 2007; TĐ Thạnh và nnk, 1996; TĐ Thạnh và nnk, 2006; LĐ Tố và nnk, 2005) như phát triển giao thông-cảng, du lịch và dịch vụ, nghề cá, công nghiệp, cơ sở hạ tầng và đô thị hóa và các lĩnh vực kinh tế khác. Để phát triển các lĩnh vực này, trước hết cần sử dụng yếu tố không gian (đảo, biển, thuỷ vực ven bờ) và yếu tố vị trí địa lý đặc thù của TNVT, sau đó là sử dụng hợp lý các yếu tố tài nguyên sinh vật và phi sinh vật nội tại trong không gian phát triển và ngoài không gian phát triển (sức hút).
Hoạt động kinh tế thị trường đang phát triển rất mạnh trong khu vực, tạo ra nhu cầu liên kết và giao thương to lớn giữa các nước, các địa phương. Trong bối cảnh ấy, lợi thế vị trí địa lý của Việt Nam do nằm kề trục lộ xương sống của kinh tế khu vực, đặc biệt khu vực miền Nam và miền Trung ở vị trí bản lề giữa biển và đất liền, ngay tâm hình học của miền Đông Nam Á, nếu được phát huy mạnh mẽ sẽ là nguồn tài nguyên vô giá giúp Việt Nam phồn thịnh. Việc phát huy tài nguyên địa-chính trị của Việt Nam có thể diễn ra theo hai hướng: làm cửa ngõ ra biển của nội địa châu Á và làm đầu cầu trên đất liền của con đường giao thương trên biển và trên không qua Biển Đông (VH Lâm, 2008).
*Đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển
TNVT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia trên biển. Không gian biển và đới bờ biển Việt Nam là một dạng tài nguyên quân sự, được khai thác và sử dụng triệt để trong chiến tranh chống ngoại xâm. Việc bố trí phòng thủ cũng như lập các phương án tác chiến trước hết phải dựa vào các yếu tố của vị thế như đặc điểm tự nhiên, đặc biệt là địa hình và vị trí địa lý (TĐ Thạnh và nnk, 2006). Các đảo, vùng cửa sông, vũng vịnh ven bờ, vùng thềm lục địa rất có giá trị phân định ranh giới và chủ quyền quốc gia trên biển.
*Bảo tồn tự nhiên
Phát triển các khu bảo tồn tự nhiên biển là một hình thức sử dụng các giá trị sử dụng gián tiếp hoặc duy trì các giá trị để dành, lưu lại của TNVT biển. Lợi ích và tầm quan trọng của các KBTB rất lớn, bao gồm cả lợi ích kinh tế trực tiếp (du lịch sinh thái, phát triển nguồn lợi ở vùng chuyển tiếp), lợi ích gián tiếp (văn hoá, khoa học và giáo dục) và lợi ích lan toả (duy trì nguồn giống cho các ngư trường lân cận, nơi ở cho động vật di trú, v.v.). Các khu BTTN bắt đầu được thành lập từ năm 1962, đến năm 2006 có tổng số 212 khu với diện tích trên 2 triệu hecta, chiếm khoảng 6% diện tích tự nhiên của lãnh thổ Việt Nam, trong đó có 20 khu trên biển (VQG, KBTB).
c. Định hướng chiến lược cho một số vùng có giá trị vị thế đặc biệt
*Vùng cửa sông
Các VCS được chia thành ba kiểu, gồm VCS châu thổ (điển hình là châu thổ sông Hồng, sông Mê Công), VCS hình phễu (điển hình là VCS Bạch Đằng, Đồng Nai), VCS trung tính, thường có quy mô nhỏ và phổ biến ở ven biển miền Trung (điển hình là VCS Cu Đê, Trà Bồng).
VCS hình phễu Bạch Đằng có cấu trúc nửa kín, có đỉnh ở Bến Triều, đường bờ cơ bản chạy ven Phù Long-Cát Hải-Đồ Sơn và rìa ngoài cửa sông đi theo đường đẳng sâu 6m từ mũi Đồ Sơn đến Tây Nam đảo Cát Bà (TĐ Thạnh, Đinh Văn Huy, 2008). VCS Bạch Đằng là một trong hai vùng cửa sông hình phễu điển hình nhất ở nước ta. VCS Bạch Đằng thuộc vùng bờ Đông Bắc, tiếp giáp vùng bờ châu thổ sông Hồng hiện đại ở phía Tây Nam. Cấu trúc không gian và vị trí đặc biệt về mặt địa lý tự nhiên đã tạo ra vị thế đặc biệt của VCS về địa-chính trị và địa-kinh tế.
TNVT và tiềm năng phát triển còn là một vấn đề mới về cơ sở lý luận, nhưng lại là một vấn đề thực tiễn quan trọng.
Dải bờ biển Tây Vịnh Bắc Bộ về cơ bản gồm 2 vùng bờ biển là Bắc Bộ (từ Quảng Ninh tới Ninh Bình) và Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa tới Quảng Bình), khác nhau về tiềm năng phát triển KT-XH. Ở đây, đang nổi lên những tâm điểm phát triển kinh tế trọng yếu. Đó là cửa ngõ hướng ra biển của Hải Phòng gắn với việc xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện, Khu vực đóng tàu- cảng nước sâu Hải Hà (Quảng Ninh); khu kinh tế thương mại tự do ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng), tuyến kinh tế Bắc Trung Bộ gắn kết các cảng Nghi Sơn-Vũng Áng-Hòn La với hành lang kinh tế Đông-Tây, v.v.
VCS Bạch Đằng, trong đó có thành phố Hải Phòng nằm trong tam giác phát triển kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, là cửa ngõ hướng ra biển của cả nước ở phía Bắc, là trung tâm kinh tế, văn hoá ở vùng Duyên hải phía Bắc theo tinh thần Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị. Hải Phòng là điểm nút của vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ (Hải Nam-Quảng Tây-Quảng Ninh-Hải Phòng) nối với hai tuyến hành lang kinh tế Hải Phòng-Hà Nội-Lào Cai-Côn Minh có sức thu hút các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái theo quốc lộ 70 và hành lang kinh tế Hải Phòng-Hà Nội- Lạng Sơn-Nam Ninh thu hút các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh theo Quốc lộ 1.
VCS Bạch Đằng có một vị thế đặc biệt, nằm giáp ranh giữa lục địa và biển, giữa đồng bằng sông Hồng và vùng đồi núi Đông Bắc. VCS có địa hình khá kín sóng gió, luồng lạch sâu, rộng và nhiều bến neo đậu thuận tiện, an toàn cho tàu thuyền. Cảnh quan thiên nhiên đa dạng, tiêu biểu và đặc sắc, có cả núi rừng, hang động, sông hồ, đồng bằng, biển cả và hải đảo, tạo nên một bức tranh thu nhỏ của đất nước. Nhiều sự kiện lịch sử quan trọng và nhiều di tích khảo cổ, văn hoá độc đáo tập trung và quy tụ tại đây.
Tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn đa dạng. Nguồn lợi hải sản phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tài nguyên khoáng sản cho phép phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng. Đất đai do vị thế tốt nên trở thành nguồn tài nguyên quý giá sử dụng cho công nghiệp, dịch vụ thương mại. Cơ sở hạ tầng sẵn có qua hơn một trăm năm đô thị hoá và nguồn nhân lực có chất lượng cao về kỹ thuật và kỹ năng là những thế mạnh phát triển trong thời kỳ đổi mới.
*Đầm phá
Các đầm phá ven biển tập trung ở miền Trung, từ Thừa Thiên-Huế tới Ninh Thuận. Có 12 đầm phá tiêu biểu, tổng diện tích chỉ khoảng 436,9km2, phân bố trên khoảng 21% chiều dài đường bờ biển Việt Nam (NH Cử, 1996, 2006). Chúng có giá trị rất lớn về chức năng sinh thái và môi trường, là các vùng đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, du lịch, bến cá nhân dân và nơi trú tránh gió bão rất an toàn (TĐ Thạnh, 2009). Một số cảng quan trọng như Thuận An, Quy Nhơn nằm trong vùng đầm phá. Hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai chạy dài 68 km dọc bờ biển tỉnh Thừa Thiên-Huế, rộng 216km2 là một đầm phá có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, thuộc loại lớn của thế giới. Với tỉnh Thừa Thiên-Huế, đây là cửa ngõ hướng ra biển, có liên quan trực tiếp với cuộc sống của 1/3 dân số của tỉnh và có ảnh hưởng quan trọng đối với toàn bộ đời sống kinh tế- xã hội của cả tỉnh, gián tiếp liên quan đến sự hình thành và phát triển của đô thị Huế. Giá trị tài nguyên lớn nhất của đầm phá là điều hoà sinh thái, mang lại môi trường sống và nguồn sống cho cư dân có cuộc sống quan hệ mật thiết với đầm phá (TĐ Thạnh, TĐ Lân, 2009). Nhiều loại sinh vật vùng đầm phá có giá trị kinh tế khai thác tự nhiên, đánh bắt và nuôi trồng. Trong đó, có 4 nhóm cơ bản là rong cỏ, tôm- cua, thân mềm và cá.
Đầm phá là một hệ đệm giữa biển và lục địa, có vai trò cực kỳ quan trọng đối với cân bằng tự nhiên và sinh thái ven bờ. Nó ảnh hưởng và tác động đến vi khí hậu khu vực, chế độ thủy động lực, phân bố và bồi lắng trầm tích ven bờ, lưu giữ và xuất khẩu dinh dưỡng, nguồn giống ra biển, tạo nơi cư trú, sinh đẻ cho các loài sinh vật biển di cư mùa và chim di cư trú đông trên quy mô rộng lớn. Đây còn là một kho dinh dưỡng giàu có ở một vùng ven biển nghèo kiệt. Dinh dưỡng vô cơ trong nước và nền đáy giàu hơn phía ngoài biển hàng chục lần. Môi trường mặn lợ thay đổi theo mùa và sự có mặt của các habitat thuận lợi cho cư trú, sinh sản theo mùa của nhiều đối tượng tôm cá và chim nước. Sự phong phú của habitat như cửa sông, đầm lầy cỏ, thảm cỏ biển, vùng đáy bùn, đáy cát, v.v. đã tạo nên đa dạng sinh học cao và bảo vệ sinh vật trước những biến đổi tự nhiên bất lợi và sự khai thác quá mức của con người. Nhờ tồn tại như một HST độc lập vùng bờ, gồm nhiều phụ hệ, đầm phá lưu giữ và tạo một chu trình vật chất khép kín, tự làm giàu và xuất khẩu dinh dưỡng ra vùng biển ven bờ. Trong đầm phá đã hình thành nên các bãi đẻ và nơi sinh trưởng của ấu trùng, cung cấp nguồn giống cho cả đầm phá và vùng biển phía ngoài.
Có các bãi giống lớn tập trung ở hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, đầm Trường Giang, đầm Thị Nại, v.v., điển hình là các bãi giống Cồn Tè và Ba Cồn ở hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Do mùa mưa trùng vào mùa đông lạnh, các đầm lầy cửa sông trong đầm phá rất giàu dinh dưỡng và thức ăn vào mùa này và có sức thu hút cao với đàn chim di trú từ phương Bắc. Ngoài những giá trị bảo tồn và sử dụng về mặt sinh thái và môi trường, đầm phá còn có thể định hướng phát triển một số ngành như nông nghiệp, giao thông và cảng bến và đặc biệt là du lịch và nghỉ dưỡng.
Đầm phá Tam Giang-Cầu Hai là một điển hình trong khai thác của các ngành này.
*Vũng vịnh
Vũng, vịnh ven bờ biển Việt Nam phân bố theo 4 vùng địa lý: vùng bờ biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và vùng các đảo phía Nam (TĐ Thạnh và nnk, 2006; TĐ Thạnh và nnk.
2007). Các cảng có tiềm năng lớn phát triển giao thông- cảng; du lịch-dịch vụ; đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản kiểu giàn, lồng, khu neo đậu tránh trú gió bão đều phát triển ở các vũng vịnh (TĐ Thạnh, 2009b). Nhiều vịnh có cảnh quan đẹp được xếp vào hàng di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới, có giá trị to lớn cho phát triển du lịch như vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang. Các vịnh Bái Tử Long, Cam Ranh có ý nghĩa lớn về phòng thủ bờ biển (NH Cử, 2006, TĐ Thạnh, 2009).
Về vị thế tự nhiên, vũng vịnh được sử dụng cho các hoạt động KT-XH trên các vùng biển và đất liền, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với vùng biển Đông Bắc, Nam Trung Bộ và biển Tây Nam. Các yếu tố hình thể và cấu trúc có giá trị vị thế cơ bản của vũng vịnh gồm: diện tích mặt nước, tính đẳng thước (tương quan chiều dài và rộng), độ sâu và đặc biệt là mức độ đóng kín vực nước. Mặt bằng bờ vịnh có ý nghĩa lớn đối với xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng khai thác không gian. Các vịnh Bái Tử Long, Tiên Yên-Hà Cối, Hạ Long, Đà Nẵng và Vân Phong có đủ các tiêu chí, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh Quảng Ninh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hoà.
Về giá trị địa kinh tế, vũng vịnh ven bờ có vai trò hậu cứ, làm tăng vị thế kinh tế của biển.
Nhiều vũng vịnh có tiềm năng lớn phát triển giao thông-cảng, du lịch và dịch vụ, nghề cá biển, phát triển công nghiệp, cơ sở hạ tầng và đô thị hóa, v.v. như Bái Tử Long, Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây, Dung Quất, Vân Phong, Vũng Đầm, v.v. Vũng vịnh có vị trí quan trọng đối với tổ chức không gian và phát triển kinh tế địa phương đồng thời có vai trò đặc biệt quan trọng trong mối quan hệ phát triển kinh tế quy mô quốc gia và quốc tế. Nằm kề trục lộ xương sống của kinh tế khu vực, ở vị trí bản lề giữa biển và đất liền và ở tâm hình học của Đông Nam Á, Việt Nam sẽ phồn thịnh, nếu phát huy được thế mạnh của biển và vũng vịnh ven bờ. Vị thế kinh tế của vũng vịnh được phát huy theo ba hướng: làm cửa ngõ ra biển của nội địa châu Á (Vũng Áng, Đà Nẵng, Vân Phong), làm trụ nối cho các tuyến, hành lang kinh tế và vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ (Vịnh Bái Tử Long-Hạ Long) và làm cầu nối trên tuyến hàng hải quốc tế (vụng Côn Sơn và vụng Đầm ở Côn Đảo).